[sau] [trước] [lên mức trên]
Một nguồn sai số lớn khác (khiến người ta cho rằng tỉ lệ lãi trung bình được trình bày trong biểu đồ G6.3-G6.4 có phần hơi quá cao, và dẫn đến khái niệm tỉ lệ lãi “thuần túy” trên vốn) đến từ việc các bản ghi chép tài sản cá nhân đã bỏ qua thực tế sau: sự đầu tư vốn nói chung đòi hỏi một lượng lao động tối thiểu, hoặc ít nhất là sự để ý của người sở hữu vốn. Dĩ nhiên chi phí quản lí và trung gian tài chính “chính thức”, nghĩa là các dịch vụ cố vấn và quản lí danh mục tài sản do một ngân hàng, một thể chế tài chính, hay một văn phòng nhà đất hoặc một hội cùng sở hữu đảm nhận, đều được tính vào đầy đủ - tức là luôn được trừ đi trong các phép tính về thu nhập từ vốn và tỉ lệ lãi trung bình (như các phép tính được trình bày trong sách này). Nhưng người ta không tính đến sự trung gian tài chính “không chính thức”, nghĩa là việc mỗi người bỏ thời gian (đôi khi rất nhiều thời gian) để quản lí danh mục tài sản và tiền nong của chính mình, để xác định đầu tư vào đâu thì có lợi nhất. Trong một số trường hợp, việc đó khá giống với lao động khởi nghiệp thực thụ, hay ít ra là lao động của một “nhà kinh doanh”.
Tính toán chính xác giá trị của lao động không chính thức nói trên dĩ nhiên là rất khó và có phần tùy tiện (ta hiểu tại sao các bản ghi chép tài sản cá nhân lại bỏ qua phần này). Trên nguyên tắc, ta sẽ phải đo thời gian làm việc tương ứng và gán cho nó một giá trị theo giờ công, ví dụ dựa vào thù lao của một việc tương đương trong khu vực tài chính hoặc bất động sản chính thống. Ngoài ra ta có thể hình dung rằng các chi phí không chính thức này là cao hơn trong các giai đoạn kinh tế tăng trưởng mạnh (hoặc phồng giá lớn) (vì nó đòi hỏi chủ sở hữu phải phân bổ lại lại danh mục tài sản của mình thường xuyên hơn, tức là bỏ nhiều thời gian hơn để tìm kiếm những cơ hội đầu tư tốt nhất) so với giai đoạn kinh tế gần như ngưng trệ. Ví dụ, rất khó có thể xem tỉ lệ lãi trung bình vào khoảng 10% tại Pháp (và thấp hơn một chút tại Liên hiệp Anh) trong giai đoạn xây dựng lại ngay sau hai cuộc Chiến tranh thế giới (ta cũng gặp tỉ lệ lãi như vậy trong các nước mới nổi đang trong quá trình tăng trưởng rất mạnh, ví dụ như Trung Quốc ngày nay) như một tỉ lệ lãi thuần túy trên vốn. Có khả năng là tỉ lệ lãi như vậy bao gồm một phần thù lao đáng kể từ lao động không chính thức theo kiểu lao động khởi nghiệp.
Để minh họa, ta trình bày trong biểu đồ G6.3-G6.4 các ước lượng về tỉ lệ lãi thuần túy trên vốn trong các thời kì khác nhau tại Liên hiệp Anh và tại Pháp, thu được bằng cách lấy tỉ lệ lãi trung bình trừ đi chi phí quản lí không chính thức (nghĩa là giá trị thời gian bỏ ra để quản lí tài sản của mình; được chúng tôi ước lượng một cách hợp lí, tuy có thể hơi cao thực tế chút đỉnh). Tỉ lệ lãi thuần túy thu được theo cách trên nói chung thấp hơn khoảng một đến hai điểm so với tỉ lệ lãi trung bình, và chúng nên được xem như là các giá trị nhỏ nhất6. Đặc biệt, các số liệu hiện có về tỉ lệ lãi thực theo mức độ gia sản (mà ta sẽ xem xét trong phần thứ ba) gợi ý rằng tồn tại các hiệu ứng kinh tế thang bậc trong quản lí tài sản, và tỉ lệ lãi thuần túy trên các tài sản lớn nhất thường cao hơn hẳn mức ta vừa nói tới ở đây7.
[sau] [trước] [lên mức trên]