Khoa học bắt chước thần thánh(*)
Dịch từ Cargo Cult Science của Richard P. Feynman (Nobel Vật lý 1965)
(*): Cargo Cult Science: Tạm dịch là khoa học bắt chước thần thánh, chỉ các hoạt động có vẻ giống khoa học nhưng thực ra không tuân theo các phương pháp khoa học. Trong bài đọc có giải thích chi tiết cho thuật ngữ này.
Một số lưu ý về khoa học, giả khoa học, và học cách làm sao để không lừa gạt chính mình. Bài phát biểu khai giảng tại Caltech năm 1974.
Thời Trung Cổ có rất nhiều ý tưởng điên rồ, ví dụ như mẩu sừng tê giác có thể tăng cường sinh lực. (Ý tưởng điên rồ khác thời Trung cổ chính là những chiếc mũ mà chúng ta mang ngày hôm nay - cái tôi đội hơi bị rộng.) Sau đó một phương pháp được phát hiện để phân tách các ý tưởng - nghĩa là thử xem một ý tưởng có đúng đắn, và nếu không thì loại bỏ nó. Phương pháp đó được tổ chức, tất nhiên, thành khoa học. Và nó phát triển rất ổn, do đó chúng ta đang ở trong kỉ nguyên khoa học. Đó là kỉ nguyên khoa học đến độ, thực tế, chúng ta khó có thể hiểu được tại sao các thầy mo lại có thể đã từng tồn tại, khi bọn họ không đề xuất được bất cứ một điều gì thật sự có tác dụng - cùng lắm có một số rất ít.
Nhưng thậm chí bây giờ tôi vẫn gặp rất nhiều người mà không sớm thì muộn kéo tôi vào cuộc đối thoại về vật thể bay không xác định, chiêm tinh học, hay là các kiểu kì bí, nhận thức mở rộng, các kiểu ý thức mới, ngoại cảm(*), vân vân. Và tôi phải kết luận chúng không thuộc về thế giới khoa học.
(*): EPS
Rất nhiều người tin tưởng vào lắm thứ diệu kì nên tôi quyết định điều tra xem tại sao họ lại thế. Và cái sự tò mò điều tra đó đã đặt tôi vào một vấn đề khó khăn vì tôi tìm thấy quá nhiều rác rưởi để có thể nói đến trong cuộc nói chuyện này. Tôi bị choáng ngợp. Đầu tiên tôi bắt đầu bằng việc tìm hiểu các ý tưởng đủ loại về các câu chuyện kì bí, các trải nghiệm kì bí. Tôi vào một hộp cách biệt (nó tối và tĩnh lặng và bạn chìm đắm vào muối magiê) và có rất nhiều giờ ảo giác, nên tôi biết vài thứ về nó. Sau đó tôi tới Esalen, là nơi đất lành cho những suy nghĩ kiểu đó nảy sinh (đó là một nơi rất tuyệt; bạn nên tới đó). Và sau đó tôi chở nên choáng ngợp. Tôi đã không nhận ra mức độ của chúng.
Tôi đang ngồi, ví dụ nhé, ở trong một bể nước nóng và có một nam thanh niên và cô gái cũng ở trong đó. Hắn nói với cô gái, "Tôi học mát xa và tôi tự hỏi nếu tôi có thể thử trên em" Cô ấy nói Ok, nên sau đó cô ấy nằm lên bàn và hắn bắt đầu với các ngón chân - với ngón cái và xoay vặn nó. Sau đó hắn nhớ ra những điều nghe được từ người thầy dạy, và nói, "Tôi thấy có một cái nốt. Đó có phải là tuyến yên?" Và cô gái nói, "Không, đó không phải là điều em cảm thấy." Tôi nói, "Cậu đang ở chỗ xa tít tắp so với tuyến yên, chàng trai ạ" Và cả hai nhìn tôi - Tôi đã để rơi lớp che đậy, thế đấy - và cô ấy nói, "Đó là bấm huyệt." Nên tôi nhằm mắt lại và như chìm đắm vào cõi thiền.
Đó là một ví dụ về những thứ đã làm tôi choáng ngợp. Tôi cũng đã xem ngoại cảm và hiện tượng siêu năng lực, và cơn sốt nóng hổi nhất là Uri Geller, người được cho là có thể bẻ gãy chìa khóa bằng ngón tay. Thế là tôi đến phòng khách sạn của anh, do được mời, để chứng kiến sự trình diễn cả về đọc ý nghĩ và bẻ gãy chìa khóa. Anh ta không thành công với bất cứ trò đọc suy nghĩ nào; không ai có thể đọc suy nghĩ của mình, tôi đoán vậy. Và con trai tôi nắm chìa khóa và Geller chà sát nó, và không có gì xảy ra. Sau đó anh nói với chúng tôi rằng tốt hơn là làm ở dưới nước, và bạn có thể tưởng tượng tất cả chúng tôi đứng trong phòng tắm với vòi nước bật và chìa khóa ở dưới đó, và anh ta chà sát chìa khóa với ngón tay. Không có gì xảy ra. Vì thế tôi không thể thẩm định hiện tượng đó.
Nhưng sau đó tôi bắt đầu nghĩ, ở ngoài kia có điều gì khác khiến chúng ta tin? (Và tôi nghĩ về các thầy mo, và thật quá dễ để kiểm tra họ bằng cách để ý là không có gì thật sự có tác dụng.) Thế là tôi tìm những thứ thậm chí được nhiều người tin hơn, như là chúng ta có một số hiểu biết về cách thức dạy học. Có các trường lớn về phương pháp đọc và phương pháp làm toán, vân vân, nhưng nếu bạn để ý bạn sẽ thấy điểm số đọc vẫn đi xuống - hoặc hiếm khi đi lên - bất chấp sự thật là chúng ta liên tục giao cho cùng một nhóm người để cải thiện các phương pháp. Đó là những trò điều trị vô dụng của thầy mo. Bắt buộc phải tìm hiểu: làm sao họ biết là các phương pháp đó có tác dụng? Một ví dụ khác là làm sao để xử lý tội phạm. Chúng ta hiển nhiên không đạt được tiến bộ nào - rất nhiều lý thuyết, nhưng không có tiến triển - trong việc giảm số lượng tội ác bằng các phương pháp được sử dụng để đối xử với tội phạm.
Tuy thế những điều này được cho là khoa học. Chúng ta nghiên cứu chúng. Và tôi nghĩ những người bình thường với suy nghĩ lành mạnh đang bị đe dọa bởi thứ giả khoa học này. Một giáo viên có các ý tưởng tốt về cách thức dạy những đứa trẻ đọc bị hệ thống giáo dục ép buộc phải làm theo một cách thức khác - hoặc bị lừa dối bởi hệ thống giáo dục để nghĩ rằng phương pháp của cô không nhất thiết là tốt. Hay như cha mẹ của những đứa trẻ hư, sau khi dạy bảo chúng theo một cách thức nào đó, cảm thấy tội lỗi suốt cả phần đời còn lại bởi vì đã không làm "đúng cách," theo lời của những chuyên gia.
Vì thế chúng ta thực sự bắt buộc phải nhìn vào những lý thuyết không có tác dụng, những khoa học không phải khoa học.
Tôi cố gắng tìm kiếm nguyên tắc để khám phá thêm những dạng kiểu như vậy, và dừng lại ở hệ thống như sau. Bất cứ khi nào bạn thấy mình trong cuộc đối thoại ở tiệc cocktail - ở đó bạn không cảm thấy không thoải mái khi người phục vụ có thể đến và bảo, "Tại sao các bạn thảo luận lan man?" hoặc vợ bạn đi tới và hỏi, "Tại sao bạn lại tiếp tục đong đưa?" - khi đó bạn có thể chắc chắn rằng bạn đang nói chuyện về một thứ mà không ai hiểu tí gì.
Theo phương pháp đó, tôi khám phá một số chủ đề khác mà tôi đã quên - trong đó có sự hiệu quả của các loại trị liệu tâm lý. Thế là tôi bắt đầu điều tra trong thư viện, và cứ thế, và tôi có quá nhiều điều để có thể nói với các bạn. Tôi bắt buộc phải giới hạn bản thân vào chỉ một số thứ. Tôi sẽ tập trung vào một số chủ đề mà nhiều người tin vào. Còn có thể tôi sẽ có một chuỗi các bài nói chuyện vào năm tới cho tất cả các chủ đề ấy. Nó sẽ mất khá nhiều thời gian.
Tôi nghĩ là những nghiên cứu về giáo dục và tâm lý mà tôi đề cập đến là những ví dụ về các thứ mà tôi muốn gọi là Khoa học Bắt chước Thần thánh. Ở Châu Đại Dương có những con người làm thế. Trong chiến tranh họ nhìn thấy những máy bay hạ cánh với rất nhiều đồ dùng của cải, và họ muốn thứ như thế xảy ra tiếp. Thế là họ sắp xếp để có những thứ giống như đường băng, đốt lửa ở bên cạnh những đường băng, tạo ra những ghế gỗ để cho người ngồi, với hai miếng gỗ ở trên đầu như tai nghe và những thanh tre ở xung quanhh như là ăng ten - anh ta là người điều khiển - và họ chờ những máy bay hạ cánh. Họ làm đúng mọi thứ. Bề ngoài hoàn hảo. Nó nhìn giống hệt như đã từng. Nhưng nó không có tác dụng. Không có máy bay nào hạ cánh. Và thế là tôi gọi chúng là Khoa học Bắt chước thần thánh, bởi họ làm theo mọi thứ nhìn thấy bên ngoài và hình dạng được khoa học kiểm định, nhưng họ bỏ lỡ một điều căn bản, bởi vì máy bay không hạ cánh.
Bây giờ nhiệm vụ của tôi tất nhiên là phải nói cho các bạn họ đã bỏ qua điều gì. Nhưng nó dường như là cũng khó như giải thích cho những người dân đảo Châu Đại Dương làm sao mà họ có thể sắp xếp các thứ để họ có thể có được của cải trong hệ thống của họ. Nó không phải là kiểu đơn giản nói cho họ cách thức cải thiện hình dáng của tai nghe. Nhưng có một đặc tính mà tôi nhận thấy nói chung là bị bỏ qua trong Khoa học Bắt chước Thần thánh. Đó là ý tưởng mà tất cả chúng ta đều hi vọng bạn có được khi học khoa học ở trường - chúng tôi không bao giờ giải thích rõ nó là gì, nhưng chỉ hi vọng rằng các bạn có thể nắm bắt được qua những ví dụ về nghiên cứu khoa học. Vì thế rất hay là bây giờ đưa nó ra và nói về nó rõ ràng. Đó là sự ngay thẳng khoa học(*), nguyên tắc của sự hiểu biết khoa học tương ứng với việc hoàn toàn trung thực - cố gắng hết mình để đảm bảo(*). Ví dụ, nếu bạn làm thực nghiệm, bạn nên báo cáo lại mọi thứ bạn nghĩ rằng là sai - không chỉ là những cái đúng về nó: nguyên nhân khác có thể giải thích kết quả của bạn; và các hướng bạn nghĩ rằng bạn loại bỏ thông qua thực nghiệm khác, và cách thức làm - để chắc chắn là các đồng nghiệp khác có thể thấy rằng chúng bị loại bỏ.
(*): science integrity: integrity có thể dịch là toàn vẹn, ngay thẳng, chọn từ ngay thẳng vì nó gần với trung thực, thành thật hơn.
(*): leaning over backwards: thành ngữ, được giải nghĩa ở đây.
Chi tiết về những thứ có thể đem đến sự nghi ngờ cho phân tích của bạn cũng phải được đưa ra, nếu như bạn biết chúng. Bạn phải cố gắng hết sức có thể - nếu như bạn biết bất cứ điều gì sai hoặc có thể sai - để giải thích chúng. Nếu như bạn làm ra một lý thuyết, ví dụ thế, và quảng bá nó, hoặc là trình bày nó, bạn phải đưa ra tất cả các thực tế mâu thuẫn với nó, cùng với những cái đồng thuận với nó. Cũng có một vấn đề tế nhị hơn. Khi bạn tổng hợp rất nhiều ý tưởng để tạo ra lý thuyết phức tạp, bạn muốn chắc chắn rằng, khi trình bày về những cái phù hợp với nó, là những cái phù hợp này không chỉ giới hạn ở những cái đã mang đến cho bạn ý tưởng về lý thuyết; mà hơn nữa, lý thuyết cuối cùng cũng làm nảy ra một số thứ đúng đắn khác.
Kết lại, cái ý nói ở đây là cố gắng đưa ra tất cả các thông tin để giúp những người khác đánh giá được giá trị những đóng góp của bạn; không chỉ là những thông tin dẫn tới sự đánh giá theo hướng riêng biệt này hay kia.
Cách thức dễ nhất để giải thích ý này là tương phản nó, ví dụ, với quảng cáo. Tối hôm qua tôi nghe được rằng dầu Wesson không thấm vào thức ăn. Vâng, điều đó đúng. Nó không phải là không trung thực; nhưng cái mà tôi đang nói đến không chỉ là vấn đề có trung thực hay không, nó là vấn đề của sự ngay thẳng khoa học, nghĩa là ở mức độ khác. Sự thực cần thêm vào câu quảng cáo là không có loại dầu nào thấm vào thức ăn, nếu phản ứng ở một nhiệt độ nhất định. Nếu phản ứng ở một nhiệt độ khác, tất cả bao gồm dầu Wesson đều thấm. Vì vậy, cái ý cần nói nằm ở hàm ý đó, chứ không phải là một việc thực tế, được nói là đúng, và sự khác biệt đó là cái mà chúng ta phải giải quyết.
Chúng ta học rằng, từ thực nghiệm mà sự thật sẽ được phơi bày. Những nhà khoa học thực nghiệm sẽ thực hiện lại thí nghiệm của bạn và tìm ra là bạn đúng hay là sai. Hiện tượng tự nhiên sẽ đồng ý hay không đồng ý với lý thuyết của bạn. Và, mặc dù bạn có thể đạt được sự nổi tiếng và phấn khích ngắn hạn, bạn sẽ không đạt được uy tín tốt của nhà khoa học nếu bạn không cố gắng hết sức cẩn thận trong công việc này. Và chính cái tính ngay thẳng, tính cách cẩn thận không lừa dối chính mình, là cái thiếu ở mức độ lớn trong rất nhiều các nghiên cứu trong khoa học bắt chước thần thánh.
Cái khó khăn rất quan trọng của họ, hiển nhiên, là cái khó khăn của chủ đề và sự không thể áp dụng phương pháp khoa học cho chủ đề. Dẫu sao, cần nhấn mạnh rằng đó không phải là khó khăn duy nhất. Đó là lý do máy bay không hạ cánh - nhưng nó không hạ cánh.
Chúng ta học rất nhiều từ thực nghiệm về cách xử lý một số bẫy lừa chính mình. Một ví dụ: Millkikan đo điện tích trên một electron bằng thực nghiệm với giọt dầu rơi và có được đáp án mà bây giờ chúng ta biết là không đúng lắm. Nó bị sai một chút, vì giá trị độ nhớt không khí ông sử dụng bị sai. Thật thú vị khi xem lịch sử đo điện tích electron, sau Millikan. Nếu bạn vẽ nó như một hàm theo thời gian, bạn sẽ thấy một cái lớn hơn một chút của Millikan, cái tiếp theo lớn hơn một tí tẹo, cái sau nữa lại lớn hơn một tí tẹo, đến cuối cùng nó ổn định ở một số lớn hơn.
Tại sao người ta không khám phá ra giá trị mới lớn hơn ngay từ đầu? Đó là thứ mà nhà khoa học thấy xấu hổ trong lịch sử vì rõ ràng là họ đã làm như thế này: Khi họ ra một số quá cao so với giá trị của Millikan, họ nghĩ rằng có một cái gì đó chắc chắn sai, và họ đi tìm và tìm thấy lý do cho thứ bị sai. Khi họ ra một số gần với giá trị của Millikan hơn, họ không đi tìm quá kĩ. Và vì thế họ loại bỏ các số ở quá xa, và làm những thứ tương tự vậy. Giờ chúng ta đã biết về những mẹo vặt đó, và chúng ta không nhiễm bệnh dịch kiểu đó.
Nhưng câu chuyện dài về việc học làm thế nào để không lừa chính mình - định nghĩa tính ngay thẳng khoa học - là, rất tiếc phải nói, thứ mà chúng ta không để riêng cụ thể vào trong bất cứ khóa học nào mà tôi được biết. Chúng tôi chỉ hi vọng các bạn nắm bắt được qua thẩm thấu.
Nguyên tắc đầu tiên là bạn phải không được lừa dối chính mình - và bạn là người dễ nhất để lừa đối. Vì thế bạn phải tuyệt đối cẩn thận về điều đó. Sau khi bạn không lừa chính mình, thật dễ dàng để không lừa các nhà khoa học khác. Bạn sau đố chỉ cần phải tiếp tục thành thật theo đã làm.
Tôi muốn thêm vào một thứ không phải là bản chất của khoa học, nhưng là một điều tôi tin tưởng, đó là bạn không nên lừa người thường khi bạn nói chuyện với tư cách là một nhà khoa học. Tôi không cố nói cho bạn biết nên làm gì khi lừa dối vợ, hoặc lừa bạn gái của bạn, hay đại loại như thế, khi bạn không cố gắng trở thành một nhà khoa học, mà chỉ cố gắng trở thành một con người bình thường. Chúng tôi sẽ để lại những vấn đề đó cho bạn và người thân. Tôi nói về tính ngay thẳng cụ thể, mang nghĩa rộng hơn là không nói dối, nhưng nhìn lại phía sau(*) để thấy bạn có thể sai như thế nào, mà bạn phải làm khi hoạt động như một nhà khoa học. Và đây là trách nhiệm của chúng ta với tư cách là nhà khoa học, chắc chắn đối với các nhà khoa học khác, và tôi nghĩ đối với người thường.
(*): bending over backwards: thành ngữ
Ví dụ, tôi hơi ngạc nhiên khi tôi nói chuyện với một người bạn sẽ lên đài phát thanh. Anh ấy làm về vũ trụ học và thiên văn học, và anh ấy tự hỏi làm thế nào để giải thích những ứng dụng của công việc này là gì. "Vâng," tôi đã nói, "không có cái nào cả". Anh ấy nói, "Đúng, nhưng sau đó chúng tôi sẽ không giành được sự hỗ trợ cho thêm những nghiên cứu kiểu này nữa." Tôi nghĩ rằng đó là kiểu không thành thật. Nếu bạn tự thể hiện là một nhà khoa học, thì bạn nên giải thích cho người thường về những gì bạn làm - và nếu họ không muốn hỗ trợ bạn trong những trường hợp đó, thì đó là quyết định của họ.
Một ví dụ cho nguyên tắc này là đây: Nếu bạn xác định là kiểm tra một lý thuyết, hoặc bạn muốn trình bày một ý tưởng, bạn nên luôn luôn quyết định công bố nó bất chấp nó sẽ như thế nào. Nếu chúng ta chỉ công bố kết quả theo một kiểu nào đó, chúng ta có thể làm cho các luận điểm trông tốt. Chúng ta phải công bố cả hai loại kết quả. Ví dụ - tiếp tục về quảng cáo - giả sử một loại thuốc lá đặc biệt có thuộc tính riêng biệt, ví dụ như chứa nicotine thấp. Nó được công bố bởi công ty rằng điều đó có nghĩa là tốt cho bạn - họ không nói, ví dụ là cặn khói thuốc có tỉ lệ khác, hoặc cái gì khác là bản chất của thuốc lá. Nói cách khác, xác suất công bố phụ thuộc vào câu trả lời. Không nên làm như thế.
Tôi nói rằng, cũng rất quan trọng trong việc đưa ra lời khuyên nào đó cho chính phủ. Giả sử một thượng nghị sĩ hỏi bạn lời khuyên về việc có nên khoan dầu trong bang của ông ta không; và bạn quyết định nó sẽ tốt hơn ở một số bang khác. Nếu bạn không đưa ra kết quả như vậy, thì với tôi dường như bạn không đưa ra lời khuyên khoa học. Bạn đã bị sử dụng. Nếu câu trả lời của bạn tình cờ được đưa ra theo hướng chính phủ hoặc chính trị gia thích, họ có thể sử dụng nó như một luận điểm có lợi cho họ; nếu nó được đưa ra theo hướng khác, họ không công bố nó chút nào. Đó không phải là đưa ra lời khuyên khoa học.
Các loại lỗi khác đặc trưng hơn cho khoa học nghèo nàn. Khi tôi ở Cornell. Tôi thường nói chuyện với những người trong khoa tâm lý. Một trong những học sinh nói với tôi rằng cô ấy muốn thực hiện một thí nghiệm giống như thế này - tôi không nhớ chi tiết, nhưng người khác đã phát hiện ra rằng trong những trường hợp nhất định, X, chuột đã làm gì đó, A. Cô ấy tò mò liệu cô ấy có thay đổi hoàn cảnh thành Y hay không, chúng có thể vẫn làm, A. Vì vậy, đề xuất của cô ấy là làm thí nghiệm trong hoàn cảnh Y và xem chúng có còn làm A.
Tôi giải thích với cô ấy rằng trước tiên cần phải lặp lại trong phòng thí nghiệm của cô ấy, thí nghiệm của người khác, thực hiện điều kiện X để xem liệu cô ấy cũng có thể nhận được kết quả A - và sau đó đổi thành Y và xem A có thay đổi không. Sau đó, cô sẽ biết rằng sự khác biệt thực sự cô nghĩ tới là nằm trong tầm kiểm soát.
Cô rất vui mừng với ý tưởng mới này, và đã đi đến gặp giáo sư của mình. Và câu trả lời của ông ấy là, không, bạn không thể làm điều đó, vì thử nghiệm đã được thực hiện và bạn sẽ lãng phí thời gian. Đó là vào khoảng năm 1935 hoặc gần thế, và dường như đó là chính sách chung về sau không cố gắng lặp lại các thí nghiệm tâm lý, mà chỉ thay đổi các điều kiện và xem điều gì sẽ xảy ra.
Ngày nay, có một mối nguy hiểm nhất định cho những điều tương tự xảy ra, ngay cả trong những ngành vật lý nổi tiếng. Tôi đã bị sốc khi nghe về một thí nghiệm được thực hiện tại máy gia tốc lớn tại Phòng thí nghiệm máy gia tốc quốc gia, nơi một người sử dụng hydro nặng(*). Để so sánh kết quả hydro nặng của ông ta với những gì có thể xảy ra với hydro nhẹ, ông ta phải sử dụng dữ liệu từ thí nghiệm trên hydro nhẹ của một người khác, được thực hiện trên thiết bị khác. Khi được hỏi, ông nói rằng đó là vì ông không thể có đủ thời gian trong chương trình (vì có rất ít thời gian và nó là thiết bị rất đắt tiền) để thực hiện thử nghiệm với hydro nhẹ trên thiết bị này vì sẽ không có kết quả nào mới. Và vì thế, những người đàn ông phụ trách các chương trình tại NAL rất sốt ruột về kết quả mới, để có thêm tiền để duy trì hoạt động vì mục đích quan hệ công chúng, họ rất có thể đã tự phá hủy giá trị của thí nghiệm, là toàn bộ mục đích của công việc. Thường rất khó cho các nhà thí nghiệm ở đó để hoàn thành công việc theo đúng yêu cầu của tính ngay thẳng khoa học.
(*): deuterium: tên khoa học
Tuy nhiên, tất cả các thí nghiệm trong tâm lý học không thuộc loại này. Ví dụ, đã có nhiều thí nghiệm chạy chuột qua tất cả các loại mê cung, và cứ thế, với một kết quả có vẻ rõ ràng. Nhưng vào năm 1937, một người đàn ông tên Young đã làm một điều rất thú vị. Anh ta có một hành lang dài với những cánh cửa dọc theo một bên nơi những con chuột bước vào, và những cánh cửa dọc theo phía bên kia nơi có thức ăn. Anh ta muốn xem liệu anh ta có thể huấn luyện những con chuột đi vào ở cửa thứ ba từ bất cứ nơi nào anh ta bắt đầu thả chúng không. Không. Những con chuột đã đi ngay đến cửa nơi có thức ăn của lần trước đó.
Câu hỏi là, làm thế nào mà những con chuột biết, bởi vì hành lang được xây dựng rất chuẩn và đồng đều, rằng đó là cùng một cánh cửa như lần trước? Rõ ràng có một cái gì đó về cánh cửa khác với những cánh cửa còn lại. Vì vậy, anh vẽ các cánh cửa rất cẩn thận, sắp xếp các họa tiết trên các mặt của cửa giống hệt nhau. Những con chuột vẫn nhận ra. Sau đó, anh ta nghĩ rằng có lẽ những con chuột ngửi thấy mùi thức ăn, vì vậy anh ta đã sử dụng hóa chất để thay đổi mùi sau mỗi lần chạy. Những con chuột vẫn nhận ra. Sau đó, anh nhận ra những con chuột có thể có thể nhận ra bằng cách nhìn thấy ánh sáng và sự sắp xếp trong phòng thí nghiệm giống như bất kỳ người nào. Vì vậy, anh ta che kín hành lang, và, những con chuột vẫn nhận ra.
Cuối cùng anh ta thấy rằng chúng có thể nhận ra bằng âm thanh sàn nhà phát ra khi chúng chạy qua. Và anh chỉ có thể khắc phục điều đó bằng cách rải cát vào hành lang. Vì vậy, anh ta lần lượt che đậy tất cả các manh mối có thể và cuối cùng đã có thể đánh lừa những con chuột để chúng phải học cách đi vào cánh cửa thứ ba. Nếu anh ta để lỏng bất kỳ điều kiện của mình, những con chuột có thể nhận ra.
Bây giờ, từ quan điểm khoa học, đó là một thí nghiệm A‑lần thứ‑l. Đó là thí nghiệm làm cho các thí nghiệm chạy chuột trở nên hợp lý, bởi vì nó phát hiện ra manh mối rằng chuột thực sự đang sử dụng - không phải là những gì bạn nghĩ rằng chúng sử dụng. Và đó là thí nghiệm cho biết chính xác những điều kiện bạn phải sử dụng để cẩn thận và kiểm soát mọi thứ trong một thí nghiệm với chuột đang chạy.
Tôi nhìn vào lịch sử tiếp theo của nghiên cứu này. Các thí nghiệm tiếp theo, và sau đó, không bao giờ trích dẫn đến Young. Họ không bao giờ sử dụng bất kỳ tiêu chí nào của anh ta về việc đặt hành lang trên cát, hoặc trở nên rất cẩn thận. Họ chỉ tiếp tục chạy chuột theo cùng một cách cũ, và không chú ý đến những khám phá vĩ đại của anh Young, và bài báo của anh không được trích dẫn đến, bởi vì anh đã không phát hiện ra bất cứ điều gì về những con chuột. Trên thực tế, anh ấy đã khám phá tất cả những điều bạn phải làm để khám phá điều gì đó về chuột. Nhưng không chú ý đến các thí nghiệm như thế là một đặc điểm của khoa học bắt chước thần thánh.
Một ví dụ khác là các thí nghiệm ngoại cảm của ông Rhine, và những người khác. Vì nhiều người đã đưa ra những chỉ trích - và chính họ đã đưa ra những chỉ trích về thí nghiệm của chính họ - họ cải thiện các kỹ thuật và thế là các hiệu ứng nhỏ hơn, nhỏ hơn và nhỏ hơn cho đến khi chúng dần biến mất. Tất cả các nhà nghiên cứu các hiện tượng dị tường tìm kiếm một số thí nghiệm có thể lặp đi lặp lại - nghĩa là bạn thậm chí có thể làm lại và nhận được hiệu ứng mang nghĩa thống kê tương tự. Họ chạy với một triệu con chuột - không, bây giờ là với người, họ làm rất nhiều việc và có được hiệu ứng thống kê nhất định. Lần sau họ thử nó, họ không nhận được nữa. Và bây giờ bạn thấy rằng ông ấy nói rằng đó là một yêu cầu không liên quan để trông đợi một thí nghiệm có thể lặp lại. Đây là khoa học sao?
Người đàn ông này cũng nói về một tổ chức mới, trong một cuộc nói chuyện trong đó ông từ chức Giám đốc của Viện Nghiên cứu các hiện tượng dị tường. Và, khi nói với mọi người những việc cần làm tiếp theo, ông nói rằng một trong những điều họ phải làm là chắc chắn rằng họ chỉ đào tạo những sinh viên đã thể hiện khả năng của mình để đạt được kết quả PSI ở mức độ chấp nhận được - để không lãng phí thời gian vào sinh viên có tham vọng và hứng thú chỉ đạt được kết quả may mắn. Sẽ rất nguy hiểm khi có một chính sách như vậy trong việc dạy học - chỉ dạy cho học sinh cách đạt được kết quả nhất định, thay vì làm thí nghiệm với tính ngay thẳng khoa học.
Vậy tôi ước cho các bạn - tôi đã hết thời gian, vậy tôi có một ước muốn cho các bạn - may mắn tốt lành được ở một nơi các bạn được tự do để duy trì tính ngay ngẳng mà tôi đã miêu tả, được ở một nơi mà bạn không cảm giác bị sức ép phải giữ vững vị trí trong một tổ chức, hoặc các hỗ trợ tài chính, hoặc các cái thứ tương tự, để bị mất tính ngay thẳng của bản thân. Bạn sẽ có thể có tự do. Tôi có thể đưa ra cho bạn một lời khuyên nhỏ cuối cùng: Không bao giờ đi làm diễn giả trừ phi bạn biết rõ bạn sẽ phải bàn đến điều gì và nhiều hay ít cái mà bạn sẽ nói ra.