[sau] [trước] [lên mức trên]

Ta hãy bắt đầu bằng cơ chế đầu tiên. Cơ chế này được xây dựng trên sự tăng trưởng chậm, sự giữ vững mức tiết kiệm cao, và qui luật động β = s∕g. Ta trình bày trong bảng T.5.1 giá trị trung bình của tỉ lệ tăng trưởng và tỉ lệ tiết kiệm cá nhân tại tám nước giàu hay gặp trong giai đoạn 1970-2010. Như đã nhắc tới trong chương 2, tỉ lệ tăng trưởng của thu nhập quốc gia theo đầu người (hoặc tỉ lệ tăng trưởng của sản lượng trong nước theo đầu người - hai độ lớn gần như bằng nhau) tại các nước giàu là cực kì gần nhau trong những thập kỉ gần đây. Nếu ta so sánh trên vài năm, cách biệt có thể khá lớn, và thường dũa nhọn sự ghen tị hay niềm tự hào quốc gia. Nhưng, tính trung bình trong giai đoạn dài hơn, sự thật là tất cả các nước giàu đều tăng trưởng với xấp xỉ cùng nhịp độ. Từ năm 1970 đến năm 2010, tỉ lệ tăng trưởng hàng năm trung bình của thu nhập quốc gia theo đầu người đạt trong khoảng từ 1,6% đến 2,0% (thông thường là từ 1,7% đến 1,9%) tại tám nước phát triển hay gặp. Nếu ta tính tới sự không hoàn hảo của các phép đo thống kê hiện có (đặc biệt là về các chỉ số giá cả), không thể nói chắc là những cách biệt nhỏ như vậy có ý nghĩa thống kê nào hay không12.


PIC

Bảng T.5.1: Tỉ lệ tăng trưởng và tỉ lệ tiết kiệm tại các nước giàu giai đoạn 1970-2010

Dù thế nào đi nữa, các cách biệt trên là rất nhỏ so với cách biệt về tỉ lệ tăng trưởng dân số. Trong giai đoạn 1970-2010, tỉ lệ tăng trưởng dân số là dưới 0,5% một năm tại Châu Âu và tại Nhật (trong giai đoạn 1990-2010, tỉ lệ này có lẽ là gần 0% hơn, thậm chí âm nhẹ tại Nhật), trong khi đó nó vào khoảng từ 1,0% đến 1,5% một năm tại Mĩ, Canada và Úc (xem bảng T.5.1). Chính vì thế mà tỉ lệ tăng trưởng tổng thể trong giai đoạn 1970-2010 tại Mĩ và tại các nước mới13 cao hơn rõ so với Châu Âu và Nhật: xung quanh 3% một năm cho các nước thuộc nhóm thứ nhất (thậm chí hơn thế một chút); suýt soát 2% một năm cho nhóm thứ hai (thậm chí vừa vặn 1,5% trong giai đoạn gần đây). Những khác biệt như vậy có vẻ hạn chế, nhưng khi nó tích tụ theo thời gian trong giai đoạn dài, nó sẽ dẫn đến những cách biệt thực tế rất đáng kể, như ta đã thấy trong chương 2. Điểm mới mà ta muốn nhấn mạnh ở đây là những khác biệt về tỉ lệ tăng trưởng như trên có thể gây ra những hiệu ứng rất mạnh lên sự tích lũy vốn dài hạn, và nhiều phần giải thích tại sao tỉ số vốn/thu nhập tại Châu Âu và tại Nhật một cách cấu trúc lại cao hơn tỉ số này tại Châu Mĩ.

Nếu giờ ta xem xét tỉ lệ tiết kiệm trung bình trong giai đoạn 1970-2010, ta cũng thấy nó thay đổi rất nhiều tại các nước khác nhau: nói chung tỉ lệ tiết kiệm cá nhân ở mức xung quanh 10%-12% thu nhập quốc gia, nhưng nó xuống còn 7%-8% tại Mĩ và tại Liên hiệp Anh, và lên đến 14%-15% tại Nhật và tại Ý (xem bảng T.5.1). Khoảng cách đó trở thành các cách biệt đáng kể khi được tích tụ suốt 40 năm. Ta cũng thấy là các nước tiết kiệm nhiều nhất thường là các nước có dân số ngưng trệ và già đi nhanh nhất (có thể xuất phát từ mục đích tiết kiệm để nghỉ hưu hoặc chuyển giao lại tài sản), nhưng mối liên hệ đó còn xa mới có tính hệ thống. Như ta vừa nói đến ở trên, có rất nhiều lí do khiến người ta quyết định tiết kiệm nhiều hay ít, và không có gì đáng ngạc nhiên khi quyết định này bị chi phối phần nào bởi các nhân tố và các khác biệt đa dạng giữa các quốc gia (gắn liền với văn hóa, với cảm nhận về tương lai và với lịch sử riêng biệt của mỗi nước); hiện tượng đó giống với các lựa chọn rốt cuộc sẽ quyết định tỉ lệ tăng trưởng dân số: đó là chính sách nhập cư và sinh nở.

Nếu cùng kết hợp xem xét tỉ lệ tăng trưởng và tỉ lệ tiết kiệm, ta có thể dễ dàng giải thích tại sao các nước khác nhau tích lũy những lượng vốn rất khác nhau, và tại sao tỉ lệ vốn/thu nhập đã tăng lên rất nhanh kể từ năm 1970. Trường hợp đặc biệt rõ ràng là Nhật: với tỉ lệ tiết kiệm là gần 15% một năm và tỉ lệ tăng trưởng suýt soát cao hơn 2%, thật logic là nước này về dài hạn đã tích lũy khối dự trữ vốn vào khoảng sáu-bảy năm thu nhập quốc gia. Đó là hệ quả có tính tự động của qui luật tích lũy động β = s∕g. Cũng giống như vậy, không ngạc nhiên lắm khi nước Mĩ, nước tiết kiệm ít hơn Nhật rất nhiều và tăng trưởng nhanh hơn Nhật, có tỉ số vốn/thu nhập thấp hơn hẳn.

Nói chung, nếu ta so sánh mức tài sản cá nhân năm 2010 như được dự báo bởi dòng tiền tiết kiệm từ năm 1970 đến năm 2010 (cộng với tài sản ban đầu năm 1970) và mức tài sản cá nhân như quán sát thấy trong thực tế vào năm 2010, ta thấy rằng chúng rất gần nhau tại phần lớn các nước14. Tuy nhiên chúng không tương đương một cách hoàn hảo; điều này chỉ ra rằng những nhân tố khác cũng đóng vai trò rất quan trọng. Ví dụ, ta sẽ quay lại bàn về trường hợp Liên hiệp Anh, nước mà dòng tiền tiết kiệm có vẻ rõ ràng là không đủ để giải thích cho sự tăng lên rất mạnh của tài sản cá nhân trong giai đoạn này.

Nhưng ngoài trường hợp các nước cá biệt, kết quả thu được về tổng thể là rất nhất quán: có thể giải thích được phần chính yếu của sự tích lũy vốn cá nhân tại các nước giàu từ năm 1970 đến năm 2010 bởi khối tiền tiết kiệm quan sát được trong giai đoạn đang xét (cộng với vốn ban đầu), mà không nhất thiết phải giả sử giá cả tương đối của các tài sản đã tăng mạnh một cách cấu trúc. Nói cách khác, những biến động - bất kể lên hay xuống - của giá bất động sản và chứng khoán, có vẻ luôn áp đảo trong giai đoạn ngắn hay thậm chí giai đoạn trung bình, nhưng về dài hạn, chúng có xu hướng bù trừ lẫn nhau và các hiệu ứng khối thường thắng thế.

Trường hợp nước Nhật một lần nữa có rất nhiều thứ đáng bàn. Nếu muốn hiểu tại sao tỉ số vốn/thu nhập đã tăng cao khủng khiếp trong những năm 1980 rồi xuống rất mạnh vào đầu những năm 1990, thì hiển nhiên là hiện tượng nổi trội lí giải cho việc đó là sự hình thành rồi nổ vỡ của bong bóng bất động sản và chứng khoán. Nhưng nếu muốn hiểu tiến trình trong toàn bộ giai đoạn 1970-2010, thì rõ ràng là hiệu ứng khối đã thắng thế hiệu ứng giá cả: việc tài sản cá nhân của Nhật tăng từ ba năm thu nhập quốc gia vào năm 1970 lên sáu năm vào năm 2010 gần như được dự đoán một cách hoàn hảo bởi dòng tiền tiết kiệm của nước này trong giai đoạn nói trên15.

12: Nói riêng ta chỉ cần thay đổi chỉ số giá cả (có nhiều chỉ số giá cả cạnh tranh nhau, và không chỉ số nào là hoàn hảo) là xếp hạng giữa các nước bị đảo ngược. Xem phụ lục kĩ thuật.
13: người dịch. Nguyên bản: pays neufs. Ý nói các nước thuộc Thế giới Mới.
14: Xem biểu đồ S5.1 (có trên mạng).
15: Chính xác hơn: theo các dãy số thực tế, tỉ số vốn/thu nhập quốc gia đã tăng từ 299% vào năm 1970 lên 601% vào năm 2010, trong khi nếu dựa theo dòng tiền tiết kiệm được tích lũy trong giai đoạn này, nó sẽ tăng từ 299% lên 616%. Sai số là 15% trên mức tăng khoảng 300% của thu nhập quốc gia, tức là suýt soát 5%: dòng tiền tiết kiệm giải thích 95% cho sự tăng lên của tỉ số vốn/thu nhập tại Nhật từ năm 1970 đến năm 2010. Các phép tính chi tiết cho tất cả các nước được đăng trên mạng.

[sau] [trước] [lên mức trên]