[sau] [trước] [lên mức trên]
Ta hãy bắt đầu bằng trường hợp Liên hiệp Anh. Nước này đã từng hai lần (lần đầu sau chiến tranh Napoléon và lần tiếp theo sau Chiến tranh thế giới thứ hai) có nợ công cộng đạt mức xung quanh 200% SPTTN, thâm chí cao hơn chút. Rất thú vị là Liên hiệp Anh vừa là nước có mức nợ công cộng cao nhất trong suốt thời gian dài vừa là nước chưa bao giờ vỡ nợ. Lí do có lẽ như sau: nếu một nước không vỡ nợ bằng cách này hay cách khác - cách trực tiếp là xù nợ chóng vánh, hay cách gián tiếp là qua sự phồng giá cả cực lớn -, thì rất lâu nước đó mới có thể trả hết khối nợ công cộng lớn như vậy.
Nợ công cộng của Anh thế kỉ 19 dưới góc nhìn đó là một trường hợp rất thông thường. Ta hãy lùi lại xa hơn. Trước Chiến tranh giành độc lập của Mĩ, Liên hiệp Anh đã tích lũy khối nợ công cộng rất lớn trong thế kỉ 18, giống như Vương quốc Pháp vậy. Hai Vương quốc này không những rất hay gây chiến tranh (giữa hai nước với nhau và với các nước Châu Âu khác), mà còn không thu đủ thuế để trang trải chi tiêu, vì thế nợ công cộng đã theo đường dốc tăng lên rất nhanh. Tại cả hai nước, nợ công cộng vào khoảng 50% thu nhập quốc gia khoảng năm 1700-1720, và xung quanh mức 100% thu nhập quốc gia trong những năm 1760-1770.
Có lẽ ai cũng biết sự bất lực của Vương quốc Pháp trong việc hiện đại hóa chính sách thuế và chấm dứt các đặc quyền của giới quí tộc, cũng như kết cục mà cuộc Cách mạng 1789 mang lại. Sự thành lập Nhà nước lâm thời năm 178922, sau đó là chính sách thuế mới được ban hành ngay từ năm 1790-1791 (chủ yếu đưa vào một loại thuế đánh trên tiền thuê đất, áp dụng cho toàn bộ các chủ đất; và các luật thừa kế động chạm đến tất cả các loại tài sản), rồi cú “xù nợ hai phần ba” năm 1797 (sự vỡ nợ trên thực tế còn lớn hơn nhiều nếu ta tính đến giai đoạn đồng assignat và sự phồng giá cả do nó gây ra), đã giúp thanh toán hết nợ nần của Chế độ Cũ23. Thế là nợ công cộng của Pháp đã đột ngột giảm xuống mức cực kì thấp vào đầu thế kỉ 19 (dưới 20% thu nhập quốc gia vào năm 1815).
Con đường của nước Anh là hoàn toàn khác. Để chi trả cho chi phí tham chiến của mình trong cuộc Chiến tranh giành độc lập của Mĩ, và nhất là nhiều cuộc chiến với Pháp trong giai đoạn cách mạng và thời Napoléon, Vương quốc Anh đã quyết định vay nợ không giới hạn. Thế là nợ công cộng từ khoảng 100% thu nhập quốc gia vào đầu những năm 1770 lên gần 200% trong những năm 1810, tức là hơn Pháp thời đó mười lần. Cần một thế kỉ dư thừa ngân sách tại Liên hiệp Anh mới giúp dần dần giảm khoản nợ này xuống dưới 30% thu nhập quốc gia vào đầu những năm 1910 (xem biểu đồ G3.3).
Ta có thể rút ra bài học gì từ các kinh nghiệm lịch sử đó? Đầu tiên, không nghi ngờ gì là sự vay nợ công cộng nói trên đã làm tăng khối tài sản cá nhân trong xã hội Anh. Những người Anh có tiền đã không ngần ngại cho Nhà nước vay mà đầu tư cá nhân của họ vẫn không bị giảm đi nhiều: sự gia tăng của nợ công cộng trong những năm 1770-1810 chủ yếu được chi trả bằng sự gia tăng tương ứng của tiết kiệm cá nhân (bằng chứng cho sự giàu có của tầng lớp sở hữu tài sản tại Anh thời đó và cho độ hấp dẫn của tỉ lệ lãi sinh ra từ nợ công cộng), vì thế vốn quốc gia nhìn chung là ổn định quanh mức bảy năm thu nhập quốc gia trong giai đoạn kể trên, trong khi đó tài sản cá nhân đã lên cao hơn tám năm thu nhập quốc gia trong những năm 1810 cùng với việc tài sản công cộng ngày càng xuống mức âm nặng (xem biểu đồ G3.5).
Vì vậy không có gì ngạc nhiên là tài sản được nói đến khắp nơi trong các tiểu thuyết của Jane Austen: cộng với đối tượng chủ đất đã quen thuộc là sự xuất hiện của đối tượng chủ nợ công cộng mới lạ (mà nói chung cả đất lẫn nợ thường đều được sở hữu bởi cùng một người, nếu ta tin vào những truyện kể văn học cũng như những nguồn số liệu lịch sử) dẫn đến mức cao kỉ lục của toàn bộ khối tài sản cá nhân. Tiền lãi do Nhà nước trả cộng với tiền thuê đất đã đạt đỉnh cao chưa từng có trong lịch sử.
Tiếp theo, ta cũng thấy rất rõ là sự vay nợ công cộng rất lớn này nhìn chung đã phục vụ khá tốt cho lợi ích của những người cho vay và con cháu họ - hay ít ra là tốt hơn so với tình hình nếu họ bị Vương quốc Anh bắt đóng thuế để trang trải chi tiêu công cộng. Dưới quan điểm của những người có tiền, hiển nhiên là cho Nhà nước vay tiền (rồi nhận tiền lãi trong nhiều thập kỉ sau) hay hơn đóng thuế (không được nhận gì cả) rất nhiều. Hơn nữa, việc Nhà nước góp phần làm tăng nhu cầu chung về vốn thông qua sự thiếu hụt ngân sách đã làm tỉ lễ lãi trên vốn bị đẩy cao lên. Một lần nữa việc này lại nằm trong lợi ích của những người đóng vai trò cung cấp vốn mà sự giàu có phụ thuộc vào tỉ lệ lãi nói trên.
Sự việc chính - cũng là điểm khác biệt chủ yếu so với thế kỉ 20 - là nợ công cộng đã được trả với cái giá rất đắt tại thế kỉ 19: tỉ lệ phồng giá cả gần như bằng 0 từ năm 1815 đến năm 1914, và tỉ lệ lãi trên giấy ghi nợ công cộng rất cao (nói chung xung quanh 4%-5%), tức là cao hơn rõ rệt tỉ lệ tăng trưởng kinh tế nói riêng. Trong điều kiện như vậy, nợ công cộng có lẽ là một kênh đầu tư tốt cho những người sở hữu và thừa kế tài sản.
Cụ thể hơn, hãy tưởng tượng một chính phủ thiếu hụt ngân sách khoảng 5% SPTTN hàng năm trong vòng hai mươi năm, ví dụ để chi trả một khối lượng tiền lương rất lớn cho quân đội từ năm 1795 đến năm 1815, mà không tăng thuế lên để bù lại khoản đã chi. Thế là sau hai mươi năm, nợ công cộng bổ sung tích tụ lại sẽ bằng 100% SPTTN. Giả sử chính phủ không tìm cách trả hết tiền gốc mà chỉ giới hạn bằng việc trả tiền lãi hàng năm. Nếu tỉ lệ lãi là 5%, chính phủ đó hàng năm sẽ phải trả 5% SPTTN cho những người sở hữu phần nợ công cộng bổ sung này, và sẽ phải trả đều đều như vậy mãi mãi.
Tình hình cũng đại để như vậy đối với Liên hiệp Anh tại thế kỉ 19. Trong vòng một thế kỉ, từ năm 1815 đến năm 1914, ngân sách trước nợ tại Anh luôn luôn trong trạng thái dư thừa rất nhiều, nghĩa là tiền thuế thu được luôn nhiều hơn các khoản chi tiêu; phần dư thừa này đạt nhiều điểm24 trong SPTTN, chẳng hạn cao hơn toàn bộ chi tiêu cho giáo dục trong suốt giai đoạn này. Dù vậy nó chỉ đủ để trả tiền lãi cho những người sở hữu nợ công cộng mà không đủ để trả cả tiền nợ danh nghĩa: nợ danh nghĩa của nước Anh ổn định xung quanh mức 1 tỉ pound sterling trong cả giai đoạn nói trên. Phải nhờ vào sự tăng trưởng sản lượng trong nước và thu nhập quốc gia (gần 2,5% một năm từ năm 1815 đến năm 1914), sau hơn một thế kỉ sám hối, nước Anh mới có thể giảm hẳn nợ công cộng tính theo phần trăm thu nhập quốc gia25.
[sau] [trước] [lên mức trên]