[sau] [trước] [lên mức trên]

Nếu ta xem xét lịch sử tài sản công cộng tại Liên hiệp Anh và Pháp kể từ thế kỉ 18, cũng như tiến trình của sự phân chia vốn quốc gia thành vốn công cộng và vốn cá nhân, ta thấy tình hình vẫn luôn như vậy từ trước đến nay (xem biểu đồ G3.3-G3.6). Xấp xỉ mà nói, sở hữu và nợ công cộng - và tất nhiên hiệu số của chúng - nói chung luôn chiếm phần tương đối hạn chế so với khối lượng tài sản cá nhân khổng lồ. Tại cả hai nước trên, tài sản công cộng nét trong vòng ba thế kỉ qua đôi khi dương, đôi khi âm. Nhưng tất thẩy các dao động đó (đại thể nằm giữa -100% và +100% thu nhập quốc gia, và thường chỉ từ -50% đến +50%) đều có biên độ khá hạn chế so với mức cao đáng kể của tài sản cá nhân (lên tới 700%-800% thu nhập quốc gia).

Nói cách khác, lịch sử của tỉ số giữa vốn quốc gia và thu nhập quốc gia tại Pháp và tại Liên hiệp Anh kể từ thế kỉ 18 mà ta trình bày những đường nét chính ở trên, trước hết là lịch sử của tỉ số giữa vốn cá nhân và thu nhập quốc gia (xem biểu đồ G3.5-G3.6).


PIC

Biểu đồ G3.3: Của cải công cộng tại Liên hiệp Anh giai đoạn 1700-2010



PIC

Biểu đồ G3.4: Của cải công cộng tại Pháp giai đoạn 1700-2010



PIC

Biểu đồ G3.5: Vốn cá nhân và vốn công cộng tại Liên hiệp Anh giai đoạn 1700-2012



PIC

Biểu đồ G3.6: Vốn cá nhân và vốn công cộng tại Pháp giai đoạn 1700-2012


Đó là một sự kiện chủ chốt, dù khá quen thuộc: Pháp cũng như Liên hiệp Anh luôn là những nước có nền tảng dựa trên vốn cá nhân, và chưa từng thử nghiệm chủ nghĩa vốn chung kiểu Soviet, đặc trưng bởi việc phần lớn vốn quốc gia được kiểm soát bởi các cơ quan công quyền. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên là khối tài sản cá nhân luôn áp đảo khối tài sản công cộng. Ngược lại, không nước nào trong hai nước trên từng tích lũy nhiều nợ công cộng đến mức làm thay đổi triệt để biên độ định lượng của khối tài sản cá nhân.

Sự kiện chính nói trên giờ đã được nắm vững. Nhưng ta nên đưa phân tích đi xa hơn, bởi lẽ mặc dù các chính sách công cộng về tài sản mà hai nước theo đuổi chưa bao giờ đạt đến mức cùng cực, chúng vẫn gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự tích lũy tài sản cá nhân, và trong lịch sử việc này từng xảy ra nhiều lần theo những hướng trái ngược nhau.

Các cơ quan công quyền đôi khi có xu hướng tăng tầm quan trọng của tài sản cá nhân (nhất là tại Liên hiệp Anh, thông qua sự tích lũy nợ công cộng rất lớn tại thế kỉ 18 và 19; hoặc tại Pháp dưới Chế độ Cũ hay vào Thời Tươi đẹp), đôi khi lại cố gắng giảm khối lượng này đi (đặc biệt là tại Pháp, thông qua việc hủy bỏ nợ công cộng và xây dựng một khu vực kinh tế công cộng rất lớn thời sau Chiến tranh thế giới thứ hai; Liên hiệp Anh thời đó cũng có những chính sách tương tự nhưng ở mức độ nhẹ nhàng hơn). Vào đầu thế kỉ 21, hai nước này (cũng như toàn bộ các nước giàu khác) đang đi theo định hướng đầu tiên21 một cách khá rõ rệt. Nhưng kinh nghiệm lịch sử chứng minh rằng mọi việc có thể thay đổi khá nhanh: hãy chuẩn bị sẵn sàng ngay từ bây giờ qua việc nghiên cứu những đảo lộn trong quá khứ, đặc biệt tại Liên hiệp Anh và Pháp, hai nước có lịch sử tài sản rất phong phú và nhiều biến động.

21: người dịch. Tức là xu hướng tăng tầm quan trọng của tài sản cá nhân.

[sau] [trước] [lên mức trên]