[sau] [trước] [lên mức trên]

Cuốn sách mà bạn sắp đọc được dịch ra tiếng Việt từ một công trình kinh tế học nằm ở điểm giao nhau của nhiều mối quan tâm (tiền, văn, toán, sử, triết, chính trị, v.v). Đó là cuốn Le Capital au XXIe siècle của Thomas Piketty, nguyên bản bằng tiếng Pháp.

Cần nhấn mạnh rằng đây là một cuốn sách hay mặc dù sau khi xuất bản đã đứng đầu mục sách bán chạy nhất (bestseller) tại nhiều nước trong một thời gian tương đối dài. Điều này thường là một dấu hiệu không tốt đối với những bạn đọc trông chờ một văn bản nghiêm túc: đa phần những sách ở mục bestseller (ta có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ, bất kể thể loại gì) không đem đến bất cứ nhận thức mới mẻ nào. Cuốn sách này còn gian nan hơn, với tư cách là một cuốn sách có nội dung khoa học - tức là bất cứ sự đãng trí vô tình hay chủ ý nào đối với tinh thần trung thực và phê phán đều làm nó mất hết giá trị.

Theo tôi nghĩ, cuốn sách mang lại nhiều giá trị quí báu vì ít nhất nó có một vài điểm thú vị sau. Thứ nhất, sách được dựng từ một kho tài liệu rất phong phú, trải dài theo lịch sử và trải rộng theo địa lí; tức là mang theo một nguồn thông tin rất lớn. Thứ hai, sách diễn giải khá dễ hiểu; có thể hợp với bạn đọc đến từ những phông nền khác nhau. Thứ ba, cách tiếp cận của sách rất mới: tận dụng số liệu và các công cụ xử lí số liệu (công nghệ thông tin, thống kê) nhiều nhất có thể (“nói có sách mách có chứng”) để tránh tình trạng “thầy bói xem voi”; sách có tinh thần “chia sẻ, cộng đồng” rất gần với các xu hướng hiện nay: tất cả các phép tính và bảng số liệu được đăng trên mạng để mọi người nếu muốn đều có thể kiểm tra đối chiếu. Thư tư, sách bàn về “cơm áo gạo tiền”, tức là vấn đề mà “ai cũng quan tâm, và thế thì càng hay” (trang 17).

Sách được dịch dựa trên một nguyên tắc xuyên suốt là làm sao để kiến thức có thể đến bạn đọc một cách nhanh nhất có thể. Điều này xuất phát từ một quan sát là hiện tại khi đọc các bản dịch tiếng Việt nói chung, đặc biệt là các môn khoa học, ta thường gặp một loạt các từ Hán Việt rất tối tăm, đọc lên khó hiểu, như dịch từ tiếng Tây ra tiếng Tàu vậy. Lí do chính là bởi vì người Việt hiện đại không cảm nhận được ý nghĩa của đa số các âm tiếng Hán hàn lâm, không tin các bạn có thể thử đọc to từ: “cổ tức”, hay: “thặng dư”,... Điều này có lẽ đến từ việc tiếng Việt từ lâu đã đoạn tuyệt với ghi âm theo chữ Hán hoặc chữ Nôm. Theo tôi, tốt hơn là ta hãy tìm cách chuyển ngữ các khái niệm từ tiếng nước ngoài sao cho trong sáng, dễ hiểu nhất có thể đối với người Việt, nghĩa là bằng cách sử dụng tối đa những tiếng bình dân gần gũi thân thuộc. Đây là một việc tưởng như hiển nhiên, nhưng lại là mới mẻ, và không kém phần chông gai. Nhưng lợi ích chắc chắn không nhỏ. Bản dịch cuốn sách này theo tôi nghĩ chỉ là một bước khởi động khiêm tốn, nhưng đã đến lúc ta nên bắt đầu.

Cuối cùng, xin nói rõ thêm về công việc dịch sách này: tôi nằm trong nhóm những người làm công ăn lương và đang gắng sức trả góp mua nhà1. Tôi không phải dịch giả, càng không phải nhà khoa học. Lo toan cuộc sống, kinh nghiệm dịch-viết non nớt, nên chắc chắn dịch nhiều chỗ sai (hoặc chưa hay, nhưng không nghiêm trọng bằng). Mong bạn đọc sẵn lòng chỉ ra cái sai, đóng góp cái đúng, cái hay.

1: Xem chương 7.

[sau] [trước] [lên mức trên]