[sau] [trước] [lên mức trên]
Khi kinh tế chính trị học cổ điển được khai sinh, tại Anh và Pháp vào thế kỉ 18 và đầu thế kỉ 19, câu hỏi về sự phân bố của cải đã là tâm điểm của tất cả các phân tích rồi. Mọi người đều thấy những chuyển đổi căn bản đã bắt đầu, nhất là cùng với sự tăng trưởng dân số rõ rệt - chưa từng thấy trước đó, người làng bỏ quê ra đi và sự khởi đầu của Cách mạng công nghiệp. Đâu là hậu quả của sự đảo lộn này đối với sự phân bố của cải, cấu trúc xã hội và cân bằng chính trị của xã hội Châu Âu?
Thomas Malthus, xuất bản năm 1798 công trình “Luận văn về nguyên tắc dân số”, khẳng định chắc như đinh đóng cột: sự dư thừa dân số là mối đe dọa chính6. Nguồn tư liệu của ông rất mỏng, nhưng ông đã có gắng huy động chúng tốt nhất có thể. Ông bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những chuyện kể trong những chuyến đi của Arthur Young - chuyên gia nông nghiệp, người đã cày xới khắp nẻo đường của Vương quốc Pháp vào năm 1787-1788, đêm trước của cuộc Cách mạng Pháp, từ Calais tới vùng Pyrénées, đảo qua vùng Bretagne và Franche-Compté. Young đã kể lại sự khốn khổ của nông thôn Pháp.
Không phải tất cả đều sai trong câu chuyện kể rất cuốn hút này, ngược lại là đằng khác. Thời đó, Pháp là nước Châu Âu đông dân nhất, vượt xa các nước khác. Vì vậy Pháp trở thành một điểm quan sát lí tưởng. Khoảng năm 1700, Vương quốc Pháp đã có hơn 20 triệu dân, thời điểm mà Liên hiệp Anh có khoảng 8 triệu người (đảo quốc Anh khoảng 5 triệu). Đất nước hình Lục lăng chứng kiến một nhịp độ tăng dân số rõ rệt trong suốt thế kỉ 18, từ cuối triều đại Louis XIV đến Louis XVI, đến mức mà dân số Pháp đạt gần 30 triệu dân trong những năm 1780. Tất cả khiến ta nghĩ rằng sự vận động dân số chưa từng thấy ở những thế kỉ trước này đã góp phần làm đồng lương nông nghiệp ngưng trệ và làm tăng giá thuê đất trong những thập niên dẫn đến sự kiện máu lửa năm 1789. Mặc dù đó không phải là nguyên nhân duy nhất của Cách mạng Pháp, ta thấy hiển nhiên là sự biến chuyển này tất làm tăng sự không ủng hộ của dân chúng đối với giới cầm quyền và chế độ chính trị hiện hành.
Những câu chuyện kể của Young, xuất bản năm 1792, cũng chứa đầy những định kiến có tính cục bộ quốc gia và những so sánh đại khái. Chuyên gia nông nghiệp đại tài của chúng ta dứt khoát không vừa ý với những nhà trọ ông ghé qua và trang phục của đám người hầu kẻ hạ phục vụ đồ ăn thức uống cho ông. Những việc đó đã được ông tả lại một cách ghê tởm. Từ những quan sát của mình, thường rất tầm phào và mang tính giai thoại, ông ngầm suy ra những hệ quả cho câu chuyện tổng quát. Ông lo lắng nhất về sự khốn cùng của đám đông quần chúng có nguy cơ dẫn đến quá khích chính trị. Young tự thuyết phục rằng chỉ có một hệ thống chính trị theo kiểu Anh, với những Ban bệ tách biệt cho giới cầm quyền và giới dân dã, và quyền phủ quyết thuộc về giới quí tộc, là cho phép một sự phát triển hài hòa và bình yên, được chèo lái bởi những người có trách nhiệm. Ông ta tin tưởng rằng nước Pháp đang chạy theo thất bại bằng việc chấp nhận vào năm 1789-1790 cho mọi tầng lớp ngồi chung ở Quốc hội. Thật không quá đáng khi nói rằng chính nỗi e sợ cuộc Cách mạng Pháp đã định đoạt toàn bộ câu chuyện ông kể. Đúng là khi bàn về sự phân bố của cải, chuyện chính trị không bao giờ quá xa xôi, và thường rất khó thoát khỏi những định kiến và những lợi ích tầng lớp ở thời đại mình.
Khi thầy tu Malthus xuất bản năm 1798 bài “Luận”7 lừng danh, ông còn cực đoan hơn cả Young trong những kết luận của mình. Cũng như người đồng bào, ông rất lo lắng về những chính sách mới đến từ nước Pháp, và để bảo đảm rằng những điều quá trớn này không mở rộng sang Liên hiệp Anh một ngày nào đó, ông cho rằng phải khẩn cấp xóa bỏ tất cả các hệ thống trợ cấp cho người nghèo và kiểm tra ngặt nghèo sự sinh nở của những người này. Nếu không cả thế giới sẽ sống u tối trong sự thừa thãi dân số, loạn lạc và khốn khổ. Đúng là rất khó để hiểu được cái nhìn quá tăm tối theo kiểu Malthus nếu không tính đến nỗi sợ hãi bao trùm phần lớn những nhân vật tinh túy Châu Âu trong những năm 1790.
[sau] [trước] [lên mức trên]