[sau] [trước] [lên mức trên]

Giờ nhìn lại, thật quá dễ dàng khi chế giễu những lời tiên tri bất mãn này. Nhưng khách quan mà nói, những sự chuyển đổi kinh tế và xã hội diễn ra cuối thế kỉ 18 và đầu thế kỉ 19 quả là rất sâu sắc, thậm chí khủng khiếp. Điều này khiến cho phần lớn những nhà quan sát thời đó - không chỉ Malthus và Young - đều có một cái nhìn khá đen tối, thậm chí họ cảnh báo một thảm họa tận thế về tiến trình của phân bố của cải và cấu trúc xã hội. Đó chính là trường hợp của David Ricardo và Karl Marx, hai nhà kinh tế học có nhiều ảnh hưởng nhất thế kỉ 19. Cả hai ông đều tưởng tượng ra cảnh một nhóm nhỏ - giới chủ đất theo Ricardo và giới chủ xưởng theo Marx - sẽ vơ vét một phần ngày càng lớn sản phẩm và thu nhập8.

Ricardo xuất bản năm 1817 công trình “Nguyên tắc kinh tế chính trị và thuế”. Theo ông, mối lo ngại chính là sự tiến triển của giá bán và giá thuê đất trong giai đoạn dài. Cũng như Malthus, ông không có một nguồn số liệu thống kê đúng nghĩa nào. Nhưng điều đó không hề cản trở việc ông có một hiểu biết cặn kẽ về chủ nghĩa đồng vốn trong thời đại của mình. Mặc dù xuất thân từ một gia đình tài phiệt Do thái gốc Bồ Đào Nha, ông có vẻ có ít định kiến chính trị hơn Malthus, Young hoặc Smith. Ông bị ảnh hưởng bởi mô hình kinh tế học của Malthus nhưng ông đã đẩy suy luận đi xa hơn. Ông quan tâm nhất tới nghịch lí sau: khi mà sự tăng trưởng dân số và sản xuất kéo dài một cách bền vững, đất đai sẽ có xu hướng trở nên ngày càng hiếm so với những hàng hóa khác. Qui luật cung cấp-nhu cầu sẽ dẫn đến việc đất đai và tiền thuê nhà đất liên tục tăng giá. Trong giai đoạn dài, giới chủ đất sẽ nhận được một phần ngày càng lớn trong tổng thu nhập quốc gia, và đám dân chúng còn lại một phần ngày càng ít ỏi. Điều này sẽ phá hoại sự cân bằng xã hội. Theo Ricardo, lối thoát hợp tình hợp lí duy nhất là một chính sách thuế ngày một nặng hơn đánh trên thu nhập từ tiền thuê nhà đất.

Như ta sẽ thấy trong phần sau của sách, dự đoán tăm tối này đã không trở thành hiện thực: tiền thuê nhà đất dĩ nhiên trong một thời gian dài được giữ ở mức cao, nhưng đất nông nghiệp đã giảm giá một cách không thương tiếc so với những hình thức của cải khác, cùng với việc thu nhập nông nghiệp đóng góp ít dần đi trong tổng thu nhập quốc gia. Công trình của Ricardo được viết vào những năm 1810: ông chắc hẳn không tiên đoán được biên độ của tiến bộ kĩ thuật và tăng trưởng công nghiệp xảy ra trong thế kỉ tiếp theo. Cũng như Malthus và Young, ông đã không tưởng tượng được một xã hội hoàn toàn vượt qua rào cản về lương thực và nông nghiệp.

Trực giác của ông về giá đất không vì thế mà kém phần thú vị: “nguyên tắc của hiếm” của ông có khả năng làm một số giá cả leo thang tột độ trong nhiều thập niên dài. Điều đó có lẽ quá đủ sức làm mất cân bằng sâu sắc toàn bộ xã hội. Hệ thống giá cả giữ một vài trò tối quan trọng, lĩnh xướng hành động của hàng triệu cá thể - thậm chí hàng tỉ cá thể trong khuôn khổ của nền kinh tế-thế giới mới. Nhưng vấn đề lá nó không quen giới hạn cũng chẳng quen đạo đức.

Sẽ thật sai lầm nếu chúng ta bỏ qua tầm quan trọng của nguyên tắc này trong phân tích về sự phân bố của cải toàn cầu trong thế kỉ 21 - để tự thuyết phục các bạn chỉ cần thay thế trong mô hình của Ricardo giá đất nông nghiệp bằng giá bất động sản ở những thủ đô lớn, hoặc giá dầu mỏ. Trong cả hai trường hợp, nếu ta kéo dài xu hướng quan sát được trong những năm 1970-2010 cho giai đoạn 2010-2050 hoặc 2010-2100, ta sẽ thấy những sự mất cân bằng kinh tế, xã hội và chính trị với biên độ đáng kể, giữa các nước cũng như trong nội bộ một nước. Sự mất cân bằng kinh khủng này có thể làm ta liên tưởng đến một thảm họa tận thế kiểu Ricardo.

Dĩ nhiên, trên nguyên tắc, tồn tại một cơ chế kinh tế rất ư đơn giản cho phép làm cân bằng quá trình này: qui luật cung cấp-nhu cầu. Nếu một món hàng không đủ cung cấp và giá của nó quá cao, nhu cầu cho món hàng này tất sẽ giảm, làm lắng dịu cuộc chơi. Nói cách khác, nếu giá bất động sản và dầu mỏ tăng, chỉ cần về quê sống, hoặc đi xe đạp (hoặc cả hai cùng một lúc). Nhưng ngoài việc điều này có thể hơi khó chịu và phức tạp, sự điều chỉnh giá cả như vậy có thể mất nhiều thập niên, trong thời gian đó giới chủ nhà và chủ mỏ có thể tích lũy được những món lời to so với đám dân chúng còn lại, đến mức mà giới chủ thấy mình có cơ sở hữu tất cả những gì sở hữu được, bao gồm cả vùng quê và những chiếc xe đạp9. Như thường lệ, điều tồi tệ nhất không chắc sẽ tới. Thật là quá sớm khi tuyên bố với bạn đọc rằng bạn sẽ phải trả tiền thuê nhà đất cho hoàng tử Arab xứ Qatar từ nay đến năm 2050. Vấn đề này sẽ được xem xét trong phần sau của sách, và câu trả lời mà chúng tôi mang đến sẽ nhẹ nhàng hơn, mặc dù không làm các bạn yên tâm lắm.

Nhưng quan trọng là ngay bây giờ các bạn đã hiểu rằng qui luật cung cấp-nhu cầu không hề loại trừ một khả năng tồi tệ như vậy, tức là một sự gia tăng chênh lệch đáng kể và lâu dài trong sự phân bố của cải. Nguyên nhân của sự chênh lệch này là những biến động tột độ của một vài giá cả. Đây là thông điệp chính trong nguyên tắc của hiếm được Ricardo đề xuất. Chúng ta không nhất thiết phải chơi mãi trò gieo xúc xắc10.

8: Dĩ nhiên cũng tồn tại một trường phái tự do với cái nhìn lạc quan hơn: Adam Smith thuộc nhóm đó: ông không thật sự đặt ra câu hỏi về chênh lệch trong phân bố của cải trong giai đoạn dài. Jean-Baptiste Say (1767 - 1832) cũng như vậy, ông tin tưởng vào sự hài hòa tự nhiên.
9: Khả năng khác tất nhiên là tăng nguồn cung cấp, bằng cách phát hiện thêm các mỏ khoáng sản (hoặc những nguồn năng lượng mới, sạch hơn nếu được), hoặc bằng cách làm dày đặc những khu cư trú đô thị (ví dụ xây những tòa tháp cao hơn), điều này sẽ đặt ra những khó khăn khác. Dù thế nào đi nữa, những việc này cũng sẽ mất nhiều thập kỉ.
10: người dịch. Giải thích theo ý kiến chủ quan: Nguyên tắc của hiếm thực ra là một dạng khác của qui luật cung cấp-nhu cầu. Giá cả được định đoạt theo cơ chế này, tức là có một cơ chế phía sau chứ không phải hoàn toàn ngẫu nhiên. Vì thế, ta không phải nhất thiết phải chơi xúc xắc may rủi để xác định giá cả. Giống như Einstein đã nói “Chúa không chơi trò xúc xắc” với ý nghĩa là vũ trụ vật lí là có qui luật chứ không tùy tiện.

[sau] [trước] [lên mức trên]