[sau] [trước] [lên mức trên]

Khi Marx xuất bản năm 1967 tập đầu tiên của bộ Vốn11, tức là chính xác một nửa thế kỉ sau những nguyên tắc của Ricardo, thực tế kinh tế và xã hội đã tiến triển một cách sâu sắc: không ai còn đặt câu hỏi liệu nông nghiệp có thể nuôi sống được một dân số ngày càng lớn, hoặc liệu giá đất có tăng mãi lên chín tầng mây không; mà chủ yếu muốn thấu hiểu sự vận động của đồng vốn công nghiệp đang rất thịnh hành.

Sự kiện đánh dấu thời đại này là sự khốn cùng của tầng lớp lao động công nghiệp. Cho dù kinh tế tăng trưởng (hoặc có lẽ một phần do chính sự tăng trưởng này), công nhân vẫn đắp đống trong những khu ổ chuột (một nguyên nhẫn nữa là phong trào bỏ làng quê ra đô thị - được khơi mào bởi sự tăng dân số và tăng sản lượng nông nghiệp). Ngày làm việc dài, lương thấp. Một sự khốn khổ mới nơi đô thị nảy nở, rõ rệt hơn, gây sốc hơn, và trên nhiều phương diện cực độ hơn là sự khốn khổ chốn quê mùa trong Chế độ Cũ. Germinal, Olivier Twist hoặc Những người khốn khổ không sinh ra trong trí tưởng tượng của những nhà tiểu thuyết, không hơn không kém những điều luật cấm trẻ em dưới 8 tuổi làm việc trong nhà máy - tại Pháp năm 1841 - hoặc dưới 10 tuổi trong hầm mỏ - tại Liên hiệp Anh năm 1842. Bức tranh về tình trạng thể chất và tinh thần của công nhân lao động trong nhà máy được Dr Villermé xuất bản tại Pháp năm 1840, tác phẩm thúc giục cho sự thông qua đạo luật rụt rè năm 184112, đã miêu tả cùng một sự thật nhem nhuốc như quyển Tình hình tầng lớp lao động tại Anh được Engels xuất bản năm 184513.

Thật vậy, tất cả những số liệu lịch sử mà chúng ta có ngày hôm nay chỉ ra rằng phải đợi đến nửa sau, hoặc thậm chí một phần ba cuối thế kỉ 19 để chứng kiến sức mua từ đồng lương được tăng lên đáng kể. Từ năm 1800-1810 đến năm 1850-1860, đồng lương của công nhân ngưng trệ ở mức rất thấp - gần với mức tại thế kỉ 18 và những thế kỉ trước, thậm chí thấp hơn trong một số trường hợp. Pha ngưng trệ lương bổng lâu dài này xảy ra tại cả Anh và Pháp. Nó càng gây ấn tượng mạnh khi mà sự tăng trưởng kinh tế tăng tốc rất nhanh trong giai đoạn này. Phần thu nhập từ đồng vốn - lợi nhuận công nghiệp, tiền thuê đất, tiền thuê nhà ở đô thị - trong thu nhập quốc gia, trong chừng mực mà ta có thể ước lượng được với những số liệu không hoàn hảo hiện có, đã tăng rất mạnh ở cả Anh và Pháp trong nửa đầu thế kỉ 1914. Phần thu nhập này giảm nhẹ trong những thập niên cuối thế kỉ 19, khi tiền lương bắt kịp phần nào sự chậm trễ của nó. Tuy nhiên, những số liệu chúng tôi thu thập được chỉ ra rằng không xảy ra sự giảm thiểu bất bình đẳng có tính cấu trúc nào trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong những năm 1870-1914, ta thấy rõ bất bình đẳng ổn định ở một mức độ cực kì cao. Trên một số khía cạnh nó như một hình xoắn ốc vô tận, đặc biệt với sự tập trung tài sản ngày càng đậm đặc hơn. Rất khó nói quĩ đạo này sẽ đi đến đâu nếu không có những cú sốc kinh tế và chính trị chủ chốt gây ra bởi cuộc chiến 1914-1918. Những biến cố này dưới ánh sáng của phân tích lịch sử và với khoảng lùi mà ta có ngày nay, là những lực kéo duy nhất kể từ Cách mạng công nghiệp dẫn đến sự giảm thiểu bất bình đẳng.

Nói dông dài thế nào thì sự hưng thịnh đến từ lợi nhuận từ đồng vốn và lợi nhuận công nghiệp, so với sự ngưng trệ thu nhập đến từ lao động, vẫn là một thực tế hiển nhiên trong những năm 1840-1850 mà ai cũng ý thức được, mặc dù thời đó không ai có những số liệu thống kê tiêu biểu ở qui mô cả nước. Những phong trào chủ nghĩa vốn chung và chủ nghĩa xã hội đầu tiên phát triển trong hoàn cảnh đó. Sự hoài nghi chính yếu rất dễ hiểu: phát triển công nghiệp để làm gì, tất thảy những tiến bộ kĩ thuật đó để làm gì, tất thảy những nỗi lao lực, di dân để làm gì, mà sau một nửa thế kỉ tăng trưởng công nghiệp tình hình của đám đông quần chúng vẫn khốn khổ, đám trẻ nhỏ trên 8 tuổi vẫn phải nai lưng làm việc trong các nhà máy? Sự thất bại của hệ thống kinh tế và chính trị hiện hành hiện lên quá rõ ràng. Câu hỏi tiếp theo cũng tự nhiên như vậy: hệ thống này sẽ tiến triển ra sao trong giai đoạn dài?

Marx đã chinh chiến cho nhiệm vụ trả lời những câu hỏi này. Năm 1848, đêm trước của “Mùa xuân của quần chúng”, Marx đã cho xuất bản “Tuyên ngôn chủ nghĩa vốn chung”, văn bản ngắn gọn và hiệu quả này được khởi đầu bằng “Vầng hào quang vần vũ khắp Châu Âu: hào quang của chủ nghĩa vốn chung”15 và kết thúc bằng lời dự đoán cách mạng lừng danh không kém: “Sự phát triển đại công nghiệp đang sụt lở ngay dưới chân của giới có tài sản riêng, mảnh đất mà chính chúng đã thiết lập hệ thống sản xuất và cải tạo tự nhiên của mình. Hơn hết giới có tài sản riêng đang tự đào mồ chôn chính mình. Thất bại của chúng và chiến thắng của tầng lớp lao động là tất yếu”.

Trong hai thập niên tiếp theo, Marx viết một công trình đồ sộ để chứng minh cho kết luận này và đặt nền móng cho phân tích khoa học về chủ nghĩa đồng vốn và sự sụp đổ của nó. Tác phẩm này không được hoàn thành: tập đầu tiên của bộ Vốn được xuất bản năm 1867, nhưng Marx mất vào năm 1883 khi chưa viết xong hai tập tiếp theo. Hai tập này được Engels xuất bản sau khi ông mất, tập hợp từ những mảnh bản thảo vụn đôi khi rất tối nghĩa mà Marx để lại.

Cũng như Ricardo, nghiên cứu của Marx dựa trên sự phân tích kinh tế học về những nghịch lí nội tại của hệ thống chủ nghĩa đồng vốn. Ông tách mình khỏi những nhà kinh tế học vì quyền lợi của giới có tài sản riêng (họ cho rằng thị trường tự điều chỉnh, nghĩa là có khả năng tự lấy lại thăng bằng, không có chênh lệch lớn nào, như kiểu “bàn tay vô hình” của Smith và “qui luật tiêu thụ” của Say) và những nhà xã hội học yêu nước hoặc theo trường phái Proudhon, những người mà theo ông an phận chối bỏ sự khốn khổ của người công nhân mà không đề xuất được nghiên cứu nào thật sự khoa học về những quá trình kinh tế hiện hành16. Tóm lại, Marx xuất phát từ mô hình kiểu Ricardo về giá cả của đồng vốn và về nguyên tắc của hiếm, rồi xét một xã hội mà đồng vốn trước hết là đồng vốn công nghiệp (máy móc, thiết bị, v.v) chứ không phải là đất đai, vì thế có thể tích lũy không có giới hạn. Vậy nên ta có thể gọi kết luận chính của ông là “nguyên tắc tích lũy vô tận”, nghĩa là xu hướng tích lũy vốn tất yếu, tập trung thành những khối vô cùng lớn, không có giới hạn tự nhiên – từ đó mà Marx đã dự báo một thảm họa tận thế: hoặc ta sẽ chứng kiến xu hướng giảm sút của tỉ lệ lợi nhuận trên đồng vốn (điều này sẽ giết chết động cơ tích lũy và có thể dẫn đến việc giới tài phiệt tự cấu xé lẫn nhau), hoặc phần thu nhập từ vốn trong thu nhập quốc gia sẽ tăng vô hạn (điều này sẽ dẫn tới việc sớm hay muộn giới công nhân sẽ tập hợp lại và nổi loạn). Trong tất cả mọi trường hợp, không thể có một trạng thái cân bằng xã hội-kinh tế hoặc chính trị bền vững nào.

Số phận đen tối này không có nhiều phần trở thành hiện thực hơn so với điều tương tự được Ricardo dự báo. Kể từ một phần ba cuối thế kỉ 19, cuối cùng thì lương bổng cũng bắt đầu tiến lên: sự cải thiện sức mua trở nên phổ biến, nhờ đó ván bài đã thay đổi tận gốc, mặc dù bất bình đẳng vẫn cực kì cao và trên một vài khía cạnh tiếp tục tăng lên cho tới Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cách mạng vốn chung đúng là đã xảy ra, nhưng chỉ tại nhưng nước chậm tiến nhất Châu Âu, nơi mà Cách mạng công nghiệp vừa mới chớm bắt đầu (nước Nga), trong khi các nước Châu Âu phát triển nhất thử đi những đường lối khác, đường lối xã hội-dân chủ (thật quá đỗi may mắn cho dân cư những nước này). Cũng như các tác giả trước đó, Marx đã quên hẳn khả năng có sự tiến bộ kĩ thuật dài hơi và sự tăng trưởng năng suất liên tục, lực cân bằng - trong một chừng mực nhất định - cho quá trình tích lũy và tập trung ngày càng nhiều của vốn cá nhân. Chắc hẳn ông thiếu những số liệu thống kê để tinh giản dự báo của mình. Chắc hẳn ông còn là nạn nhân của việc ông đã đóng chặt kết luận của mình từ năm 1848, trước khi cất công thực hiện những nghiên cứu có thể chứng minh những kết luận đó. Rõ ràng Marx đã viết trong không khí tung hô chính trị. Đôi khi hoàn cảnh này dẫn ông đến những việc làm tắt vội vã khó tránh khỏi. Vì lẽ đó nhất thiết phải gắn những phát biểu lí thuyết với cơ sở lịch sử đầy đủ nhất có thể: Marx đã không thực sự tìm cách thực hiện việc này như lẽ ra ông phải làm17. Chưa tính đến việc Marx chẳng mấy khi đặt câu hỏi về tổ chức chính trị và kinh tế trong một xã hội mà quyền sở hữu vốn cá nhân bị xóa bỏ hoàn toàn. Có thể nói đấy là một vấn đề phức tạp, như ta đã thấy qua những chuyển thể toàn trị bi đát của những chế độ rẽ theo con đường này.

Tuy thế, như ta sẽ thấy trong phần sau của sách, bất chấp những hạn chế của nó, phân tích kiểu Marx vẫn giữ được sự thích đáng nhất định trên một số quan điểm. Đầu tiên, Marx xuất phát từ một vấn đề thật (sự tập trung của cải đến khó tin trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp) và cố gắng lí giải nó với những phương tiện mà ông có: đây là cách làm việc mà các nhà kinh tế học thời nay nên học hỏi. Nhất là tiếp theo, nguyên tắc tích lũy vô hạn mà Marx bảo vệ hàm chứa một trực quan có tính nền tảng để phân tích tình hình thế kỉ 21 cũng như nó đã được dùng cho thế kỉ 19. Nguyên tắc này có những mặt còn đáng lo ngại hơn cả “nguyên tắc của hiếm” con cưng của Ricardo. Một khi mà tỉ lệ tăng dân số và sản lượng ở mức khá thấp, những tài sản tích lũy được trong quá khứ sẽ có một tầm quan trọng đáng kể, có khi quá lớn và làm mất ổn định xã hội. Nói cách khác, tăng trưởng thấp chỉ cho phép bù trừ lại nguyên tắc tích lũy vô hạn của Marx một cách rất ít ỏi: kết quả là một trạng thái cân bằng không đến mức tận thế như Marx dự đoán, nhưng cũng không kém phiền phức. Tích lũy của cải dừng lại tại một điểm hữu hạn, nhưng điểm này có thể rất cao và có tính gây mất ổn định. Như ta sẽ thấy trong phần sau của sách, sự tăng giá rất mạnh của tài sản cá nhân, đo bằng số năm thu nhập quốc gia tương đương, diễn ra từ những năm 1970-1980 tại tất cả các nước giàu – sẽ trực tiếp nêu lên logic này.

11: người dịch. Chính là tập sách đồ sộ của Marx từ lâu đã được thừa nhận gọi tên là bộ Tư bản. Nguyên bản tiếng Pháp cũng là từ “Capital”. Trong bản dịch này chúng tôi dịch là “vốn” hoặc “đồng vốn”, tùy theo ngữ cảnh: từ này gần gũi dễ hiểu hơn, hơn nữa tránh được một số hiểu lầm ví dụ như khi dịch khái niệm “capital publique”.
12: người dịch. Piketty muốn nói đến đạo luật đầu tiên về lao động trẻ em được Daniel Legrand khởi xướng năm 1841. Đạo luật này ban đầu có ý định cấm trẻ em dưới 12 tuổi làm việc trong các nhà máy, nhưng trên thực tế khi được thông qua chỉ cấm trẻ em dưới 8 tuổi. Có thể vì vậy Piketty đã dùng từ “rụt rè”.
13: Frederich Engels (1820-1895), sau này trở thành bạn và cộng tác viên của Marx, có kinh nghiệm trực tiếp với đối tượng nghiên cứu của mình: ông chuyển đến sống ở Manchester năm 1842, điều hành một xí nghiệp sản xuất của bố ông.
14: Nhà sử học Robert Allen gần đây đã đề xuất đặt tên cho giai đoạn ngưng trệ lương bổng này “giờ giải lao Engels”. Xem R.Allen, “Engel’s pause: a pessimist’s guide to the Bristish industrial revolution Oxford University”, 2007 (người dịch. Tạm dịch: “Giờ giải lao Engels: chỉ dẫn của người bi quan cho Cách mạng công nghiệp Anh”). Xem thêm R.Allen “Engel’s pause: technical change, capital accumulation, and inequality in the British industrial revolution”, Exploration in Economic History, 2009 (người dịch. Tạm dịch: “Giờ giải lao Engels: thay đổi kĩ thuật, tích lũy vốn, và bất bình đẳng trong Cách mạng công nghiệp Anh”).
15: Câu đầu tiên này được hùng hồn viết tiếp: “Tất cả sức mạnh của Châu Âu già cỗi hãy tập hợp dưới vầng hào quang này: giáo hoàng và Nga hoàng, Metternich và Guizot, những kẻ cực đoan Pháp và những viên cảnh sát Đức” . Tài năng văn chương và hùng biện của Karl Marx - nhà triết học và kinh tế học người Đức - chắc chắn lí giải phần nào sự ảnh hưởng rộng khắp của ông.
16: Marx xuất bản năm 1847 cuốn sách: Sự khốn cùng của triết học. Tên sách được ông chơi chữ đảo ngược cuốn Triết học của sự khốn cùng, được Proudhon xuất bản vài năm trước đó.
17: Trong chương 6, chúng ta sẽ trở lại bàn về mối liên hệ giữa Marx và các số liệu thống kê. Tóm tắt như sau: đôi khi Marx có xu hướng huy động tối đa công cụ thống kê hiện thời (ngành này đã có một số tiến bộ kể từ thời Malthus và Ricardo, nhưng vẫn còn khá thô sơ), nhưng rất điểm xuyết đại thể, và những mối liên quan giữa thống kê và lập luận lí thuyết của ông không được xác lập một cách sáng tỏ.

[sau] [trước] [lên mức trên]