[sau] [trước] [lên mức trên]
Từ Ricardo và Marx ở thế kỉ 19 đến những phân tích của Simon Kuznets ở thế kỉ 20, có thể nói ngành nghiên cứu kinh tế học đã thay đổi hẳn khẩu vị - có lẽ hơi quá đà - khi đã đi từ những dự báo thảm họa tận thế đến việc mê mẩn những câu chuyện cổ tích, hoặc ít ra là “happy ends”18. Theo lí thuyết của Kuznets, bất bình đẳng thu nhập sẽ được giảm đi trong những pha phát triển tiến bộ của nền kinh tế đồng vốn, bất chấp những chính sách hoặc đặc thù từng nước, sau đó sẽ chững lại ở một mức độ chấp nhận được. Đề xuất vào năm 1955, đây đúng là một lí thuyết dành cho thế giới đắm mình trong “Ba mươi năm huy hoàng”: chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi chút là tăng trưởng sẽ có lợi cho tất cả mọi người19. Câu tiếng Anh cửa miệng sau tổng kết trung thực triết lí thời đó: “Growth is a rising tide that lifts all boats”20. Thời khắc lạc quan này rất gần với phân tích của Robert Solow vào năm 1956 về điều kiện của một “lối đi tăng trưởng cân bằng”. Nghĩa là một quĩ đạo tăng trưởng mà tất cả các số độ lớn – sản lượng, thu nhập, lợi nhuận, lương bổng, vốn, giá chứng khoán và bất động sản, v.v – đi lên cùng nhịp độ, sao cho mọi nhóm xã hội được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này theo những phần bằng nhau mà không có sự chênh lệch lớn nào21. Phân tích này ngược lại hẳn với đường xoắn ốc bất bình đẳng kiểu Ricardo hoặc kiểu Marx và những phân tích thảm họa tận thế của thế kỉ 19.
Để hiểu rõ ảnh hưởng đáng kể của lí thuyết Kuznets, ít nhất đến những năm 1980-1990, trong chừng mực nào đó đến tận ngày nay, cần phải nhấn mạnh rằng đó là lí thuyết đầu tiên trong lĩnh vực này dựa trên công cụ thống kê kĩ càng. Phải đợi đến giữa thế kỉ 20 thì cuối cùng dãy số liệu lịch sử đầu tiên về phân bố thu nhập mới được thiết lập. Cùng với việc này là tác phẩm vĩ đại của Kuznets dành cho Phần đóng góp của nhóm thu nhập cao trong thu nhập và tiết kiệm. Cụ thể hơn, Kuznets chỉ dùng số liệu về một nước (nước Mĩ), trong giai đoạn 30 năm (1913-1948); công trình của ông mặc dù vậy vẫn là một đóng góp chủ chốt: nó đã huy động hai nguồn số liệu mà những tác giả thế kỉ 19 hoàn toàn không có được: một là, khai báo thu nhập được bắt đầu thu thập từ năm 1913 bởi cục thuế liên bang Mĩ; hai là, ước lượng về thu nhập quốc gia của Mĩ, được chính Kuznets thiết lập vài năm trước đó. Đây là lần đầu tiên một kế hoạch về đo lường bất bình đẳng tham vọng đến vậy được thực hiện22.
Điểm quan trọng ta phải hiểu là nếu không có hai nguồn số liệu bắt buộc và bổ trợ này, ta không thể đo lường được bất bình đẳng của sự phân bố thu nhập và tiến trình của nó. Những thử nghiệm đầu tiên về đánh giá thu nhập quốc gia diễn ra vào cuối thế kỉ 17, đầu thế kỉ 18 tại Anh và Pháp, và được nhân rộng trong thế kỉ 19. Nhưng đó vẫn là những đánh giá riêng lẻ: phải đợi đến thế kỉ 20 và giai đoạn giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới, theo sáng kiến của những nhà nghiên cứu như Kuznets và Kendrick ở Mĩ, Bowley và Clark ở Anh, hoặc Dugé de Bernonville ở Pháp, những dãy số về thu nhập quốc gia hàng năm mới được phát triển. Nguồn số liệu đầu tiên này cho phép đo lường tổng thu nhập quốc gia. Để tính được những thu nhập cao và phần đóng góp của chúng trong thu nhập quốc gia, ta còn cần phải có khai báo thu nhập nữa: nguồn số liệu thứ hai được ghi chép dựa vào thuế tăng dần đánh trên thu nhập toàn phần, bắt đầu được dùng khắp nơi vào khoảng Chiến tranh thế giới thứ nhất (1913 ở Mĩ, 1914 ở Pháp, 1909 ở Anh, 1922 ở Ấn Độ, 1932 ở Argentina)23.
Điều đáng nói là nếu không có số liệu về thuế thu nhập vẫn sẽ có đủ loại thống kê về những thành phần thuế hiện hành (ví dụ về phân bố số lượng cửa và cửa sổ theo vùng tại Pháp thế kỉ 18 - không hẳn vô dụng), nhưng sẽ không có số liệu nào về thu nhập cả. Mà, nếu không phải khai báo thuế, người ta thường cũng chẳng nắm rõ thu nhập của chính mình nữa. Tình hình cũng giống vậy đối với thuế doanh nghiệp và thuế tài sản. Thuế không chỉ là cách mọi người đóng góp cho những chi tiêu công cộng và những dự án chung, và giúp phân chia sự đóng góp này một cách hợp lí nhất; thuế còn dùng để phân loại, sinh ra hiểu biết và sự minh bạch dân chủ.
Nói dông dài thế nào thì những số liệu này cũng đã cho phép Kuznets tính được tiến trình của phần đóng góp trong thu nhập quốc gia Mĩ của những nhóm thu nhập cao, qua việc phân chia số liệu theo những đường chia mười hoặc đường chia một trăm phía trên24. Thế ông đã tìm ra gì? Ông nhận thấy bất bình đẳng giảm mạnh từ năm 1913 đến 1948. Cụ thể hơn, trong những năm 1910-1920, 10% những người giàu nhất nhận được tới 45%-50% thu nhập quốc gia. Cuối những năm 1940, phần đóng góp của nhóm này đạt mức 30%-35% thu nhập quốc gia. Mức giảm sút hơn mười điểm25 trong thu nhập quốc gia là rất đáng kể: tương đương với chẳng hạn một nửa thu nhập của 50% những người Mĩ nghèo nhất26. Sự giảm thiểu bất bình đẳng là rõ rệt và không thể chối cãi được. Việc này có một tầm quan trọng đáng kể và một tác động to lớn lên những cuộc tranh luận kinh tế học thời kì sau Chiến tranh, trong các trường đại học cũng như trong các tổ chức quốc tế.
Đã nhiều thập niên kể từ khi Malthus, Ricardo, Marx và nhiều người khác bàn về bất bình đẳng. Nhưng không ai mang đến một nguồn số liệu, một phương pháp dù là nhỏ nhất, giúp so sánh chính xác những thời kì và phân tách riêng rẽ những giả thiết khác nhau. Lần đầu tiên một cơ sở khách quan được đề xuất. Tất nhiên nó không hoàn hảo. Nhưng nó xứng đáng tồn tại. Thêm nữa, công trình này được ghi chép cực kì tốt: tuyển tập dày cộp được Kuznets xuất bản vào năm 1953 đã trình bày một cách minh bạch nhất có thể tất cả những chi tiết về nguồn tư liệu và phương pháp, đến mức có thể kiểm tra được từng phép tính. Hơn thế nữa, Kuznets mang đến một tin tốt lành: bất bình đẳng giảm đi.
[sau] [trước] [lên mức trên]