[sau] [trước] [lên mức trên]

Ta hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu một cách kĩ càng trường hợp nước Pháp - trường hợp được ghi chép cẩn thận (các nguồn số liệu lịch sử hiện có rất dồi dào), tương đối đơn giản và thẳng thắn (lịch sử bất bình đẳng đơn giản thẳng thắn thế là cùng), và nhất là có tính đại diện cho các tiến trình tại nhiều nước Châu Âu khác, ít ra là Châu Âu lục địa (dưới một số khía cạnh, trường hợp Liên hiệp Anh là trung gian giữa Châu Âu và Mĩ); hay rộng hơn là trường hợp Nhật. Tiếp đó ta sẽ chuyển qua trường hợp nước Mĩ, và cuối cùng sẽ mở rộng phân tích ra toàn bộ các nước phát triển và các nước mới nổi mà ta có các số liệu lịch sử thích hợp.

Ta trình bày trong biểu đồ G8.1 hai tiến trình: một mặt là tiến trình của phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên trong thứ bậc thu nhập quốc gia; và mặt khác là tiến trình của phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên trong thứ bậc tiền lương. Ba sự kiện hiện ra một cách rõ ràng.

Trước tiên, bất bình đẳng thu nhập đã giảm đi rất mạnh tại Pháp kể từ Thời Tươi đẹp: phần thu nhập của đường chia mười phía trên đã giảm từ khoảng 45%-50% thu nhập quốc gia ngay trước Chiến tranh thế giới thứ nhất xuống 30%-35% hiện nay.

Đây là một sự giảm sút ứng với gần 15 điểm trong thu nhập quốc gia, tức là rất đáng kể: nó tương đương với việc 10% những người giàu nhất nhận được ít đi khoảng một phần ba lượng của cải làm ra hàng năm, hay 90% những người còn lại nhận được nhiều hơn cũng khoảng một phần ba. Nó cũng xấp xỉ tương đương với ba phần tư thu nhập mà nửa dân số phía dưới nhận được vào Thời Tươi đẹp, và hơn một nửa thu nhập mà họ nhận được ngày nay1. Xin nhắc lại rằng trong phần này ta đang nghiên cứu tiến trình của bất bình đẳng thu nhập trước thuế (nghĩa là trước khi tính đến thuế và chuyển nhượng). Trong phần tiếp theo, ta sẽ tìm hiểu xem bất bình đẳng sẽ giảm thiểu ra sao khi tính đến các loại thuế và chuyển nhượng. Cũng nói rõ là sự giảm sút của bất bình đẳng nói trên không có nghĩa là ngày nay chúng ta đang sống trong một xã hội bình đẳng hơn: nó chỉ đơn giản diễn đạt điều sau đây: xã hội Thời Tươi đẹp là cực kì bất bình đẳng, một trong các xã hội bất bình đẳng nhất trong lịch sử, thể hiện dưới các dạng và tuân theo các logic có lẽ rất khó được chấp nhận ngày nay.


PIC
Biểu đồ G8.1: Bất bình đẳng thu nhập tại Pháp giai đoạn 1910-2010

Sự kiện thứ hai hiện ra rõ rệt qua biểu đồ G8.1: bất bình đẳng thu nhập trong thế kỉ vừa qua đã co hẹp rất mạnh là hoàn toàn nhờ vào sự sút giảm của các thu nhập cao từ vốn. Nếu ta loại thu nhập từ vốn và chỉ tập trung xét bất bình đẳng tiền lương, ta sẽ thấy rằng phân phối dài hạn là rất ổn định. Trong những năm 1900-1910 cũng như trong những năm 2010, phần sở hữu của đường chia mười phía trên trong thứ bậc tiền lương luôn đạt xung quanh mức 25% tổng khối lượng tiền lương. Các nguồn số liệu mà ta có cũng chỉ ra rằng bất bình đẳng tiền lương tại phần dưới của phân phối cũng ổn định trong giai đoạn dài. Ví dụ, 50% những người được trả thấp nhất luôn nhân được khoảng 25%-30% tổng khối lượng tiền lương (tức là tiền lương trung bình trong nhóm này vào khoảng 50%-60% tiền lương trung bình của toàn xã hội), và không có xu hướng dài hạn rõ rệt2. Mức lương hiển nhiên đã thay đổi rất nhiều kể từ thế kỉ trước, và cấu trúc các nghề nghiệp và tay nghề cũng đã chuyển biến toàn bộ. Nhưng thứ bậc tiền lương vẫn được giữ xấp xỉ như cũ. Nếu không có sự giảm sút của các thu nhập cao từ vốn, bất bình đẳng thu nhập đã không giảm đi trong thế kỉ 20.

Sự kiện này còn bật ra ngoạn mục hơn khi ta leo lên các thứ bậc xã hội cao hơn. Ví dụ ta hãy xem xét tiến trình của đường chia một trăm phía trên (xem biểu đồ G8.23). So với đỉnh cao bất bình đẳng Thời Tươi đẹp, phần sở hữu của đường chia một trăm phía trên trong thứ bậc thu nhập tại Pháp trong thế kỉ 20 đã sụp đổ theo đúng nghĩa đen: từ hơn 20% thu nhập quốc gia trong những năm 1900-1910 xuống còn khoảng 8%-9% trong những năm 2000-2010. Tức là phần sở hữu này đã bị chia đôi trong vòng một thế kỉ, thậm chí chia ba nếu ta xét điểm thấp nhất tại Pháp đầu những năm 1980 (suýt soát 7% thu nhập quốc gia).


PIC
Biểu đồ G8.2: Bất bình đẳng thu nhập tại Pháp giai đoạn 1910-2010

Sự giảm sút này, một lần nữa, hoàn toàn đến từ sự sụp đổ của các thu nhập cao từ vốn (hay nói đơn giản: sự sụp đổ của những người cho thuê tài sản): nếu ta chỉ tập trung xét tiền lương, thì ta sẽ thấy rằng phần sở hữu của đường chia một trăm phía trên là gần như hoàn toàn ổn định trong giai đoạn dài, xung quanh mức 6%-7% tổng khối lượng tiền lương. Ngay trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, bất bình đẳng thu nhập - nếu lấy đường chia một trăm phía trên làm chuẩn - cao hơn bất bình đẳng tiền lương ba lần; thế mà ngày nay nó chỉ cao hơn gần một phần ba, tức là xét một cách rộng rãi nó gần trùng với bất bình đẳng tiền lương, đến mức mà nhiều người có thể ngộ nhận rằng thu nhập từ vốn đã gần như mất hẳn (xem biểu đồ G8.2).

Tóm lại: sự giảm sút bất bình đẳng tại Pháp trong thế kỉ 20 phần nhiều là do sự sụp đổ của những người cho thuê tài sản và của các thu nhập cao từ vốn. Có vẻ không có quá trình có tính cấu trúc nào làm co hẹp bất bình đẳng theo nghĩa rộng (trong đó có bất bình đẳng từ làm việc) trong giai đoạn dài, ngược lại với các dự báo lạc quan của lí thuyết Kuznets.

1: Xem chương 7, bảng T.7.3.
2: Xem chương 7, bảng T.7.1 và phụ lục kĩ thuật.
3: Để biết thêm về các dãy số đầy đủ của các đường chia một trăm cho tới chia mười nghìn phía trên, cũng như các phân tích chi tiết về tiến trình của toàn bộ các dãy số trên, xem T.Piketty, Các thu nhập cao tại Pháp trong thế kỉ 20, sách đã dẫn. Ở đây ta chỉ tóm tắt các đường nét chính cùng với các kết quả nghiên cứu gần đây. Các dãy số cập nhật cũng được đăng trên mạng trong World Top Incomes Database.

[sau] [trước] [lên mức trên]