[sau] [trước] [lên mức trên]

Sự kiện chính thứ ba bật ra từ biểu đồ G8.1-G8.2: lịch sử bất bình đẳng không phải là một dòng sông dài phẳng lặng. Nó được làm nên bởi vô số các cú bật nảy, và chắc chắn nó không chảy suốt theo một xu hướng đều đặn để đổ về một điểm cân bằng “tự nhiên” nào đó. Tại Pháp cũng như tại tất cả các nước khác, lịch sử bất bình đẳng luôn là một câu chuyện hỗn loạn và đấy tính chính trị, được ghi dấu bởi các cú giật nhảy, bởi rất nhiều các vận động xã hội, chính trị, quân sự, văn hóa, và các vận động thuần túy kinh tế (đương nhiên rồi): chúng cùng nhau tạo nên nhịp độ xã hội tại nước đang xét trong một giai đoạn nhất định. Bất bình đẳng xã hội-kinh tế, chênh lệch thu nhập và tài sản giữa các nhóm xã hội luôn vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả cho các sự kiện và các vòng ảnh hưởng khác; và tất cả các chiều trên luôn luôn đan xen, chồng chéo vào nhau. Chính vì vậy, tại bất cứ thời đại nào, lịch sử phân phối của cải luôn là một bảng tra cứu thực thụ để thấu rõ tổng quan lịch sử của một nước nhất định.

Trong trường hợp đang xét, thật choáng váng khi chứng kiến sự co hẹp của bất bình đẳng thu nhập tại Pháp thế kỉ 20 đã diễn ra một cách rất tập trung xung quanh một giai đoạn khá đặc biệt: giai đoạn các biến cố những năm 1914-1945. Phần sở hữu của nhóm đường chia mười phía trên cũng như đường chia một trăm phía trên trong tổng thu nhập đã chạm đáy ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, và có vẻ vẫn chưa hồi phục hẳn sau các biến cố cực kì kinh khủng này (xem biểu đồ G8.1-G8.2). Nói một cách rộng rãi, sự giảm thiểu bất bình đẳng trong thế kỉ vừa qua là một sản phẩm hỗn loạn của các cuộc chiến, và các biến cố kinh tế và chính trị mà các cuộc chiến này gây ra, chứ không phải là sản phẩm của một tiến trình nhẹ nhàng, từ từ và được đồng thuận rộng khắp. Trong thế kỉ 20, chính các cuộc chiến tranh, chứ không phải các lẽ thường yên ả về mặt dân chủ hay kinh tế, đã quét quá khứ sạch trơn.

Ta đã đề cập tới các biến cố này trong phần thứ hai: những sự phá hủy do hai cuộc xung đột toàn cầu, sự phá sản do cuộc khủng hoảng những năm 1930 và nhất là các chính sách công cộng đa dạng được triển khai trong giai đoạn này (từ chính sách giữ giá thuê nhà đến quốc gia hóa tài sản, rồi cái chết êm ái của những chủ nợ công cộng do phồng giá cả) đã dẫn đến việc tỉ số vốn/thu nhập rớt mạnh từ năm 1914 đến năm 1945 và phần thu nhập từ vốn trong thu nhập quốc gia giảm sút đáng kể. Thế nhưng vốn vẫn đậm đặc hơn lao động rất nhiều, đến mức mà các thu nhập từ vốn chiếm đại đa số trong nhóm đường chia mười phía trên (và đặc biệt là nhóm đường chia một trăm phía trên) của thứ bậc thu nhập. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi các cú sốc mà vốn (đặc biệt là vốn cá nhân) phải gánh chịu trong giai đoạn 1914-1945 đã làm phần sở hữu của đường chia mười phía trên giảm sút đi (phần sở hữu của đường chia một trăm phía trên còn giảm nhiều hơn thế nữa), để rồi kết quả là toàn thể bất bình đẳng thu nhập đã co hẹp lại rất ghê gớm.

Thật không may, do thuế thu nhập tại Pháp mãi đến tận 1914 mới được thực thi (Thượng viện Pháp đã ngăn chặn cuộc cải cách thuế kể từ những năm 1890, và đến tận ngày 15 tháng 7 năm 1914 luật này cuối cùng mới được thông qua, trước tuyên bố chiến tranh vài tuần, trong một bầu không khí căng thẳng tột độ), ta không có các số liệu chi tiết hàng năm về cấu trúc thu nhập cho giai đoạn trước đó. Có rất nhiều ước lượng về phân bố thu nhập được thực hiện xung quanh năm 1900-1910 (nhằm rục rịch triển khai thuế thu nhập và ước tính khoản thuế sẽ thu được), chúng cho phép thấy được, dù là xấp xỉ, sự tập trung thu nhập rất mạnh vào Thời Tươi đẹp. Nhưng chúng không đủ để đưa đến một cái nhìn lịch sử toàn cảnh về các cú sốc do Chiến tranh thế giới thứ nhất gây ra (để làm được điều này có lẽ thuế thu nhập phải được triển khai vài thập niên trước đó4). Ta sẽ thấy rằng, rất may là, các dữ liệu từ thuế trên tài sản thừa kế, được áp dụng kể từ năm 1791, sẽ giúp ta nghiên cứu tiến trình phân bố tài sản trong suốt thế kỉ 18 và thế kỉ 19, và giúp xác nhận vai trò trung tâm của các biến cố những năm 1914-1945: ngay trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, không có dấu hiệu nào khiến ta dự đoán rằng sự tập trung sở hữu vốn sẽ tự nhiên giảm đi - trái lại là đằng khác. Nguồn số liệu này cũng chứng minh rằng thu nhập từ vốn trong những năm 1900-1910 chiếm phần đa số trong các thu nhập thuộc nhóm đường chia một trăm phía trên.

4: Các ước lượng trình bày trong biểu đồ G8.1-G8.2 đã được thực hiện dựa trên các bản kê khai thu nhập và tiền lương (thuế thu nhập đã được thể chế hóa tại Pháp vào năm 1914, và thuế thu nhập theo loại đánh trên tiền lương vào năm 1917 - điều cho phép kể từ hai thời điểm nói trên tiến hành các đo lường hàng năm về các mức thu nhập cao và tiền lương cao một cách riêng rẽ), và các bản kê khai tài sản quốc gia (các bản kê khai này cho phép nắm được tổng thu nhập quốc gia cũng như tổng khối lượng tiền lương), dựa theo phương pháp do Kuznets khởi xướng (ta đã nói ngắn gọn về phương pháp này trong phần Vào đề). Các dữ liệu thuế được bắt đầu ghi chép từ các thu nhập của năm 1915 (năm mà loại thuế mới này lần đầu được áp dụng), và chúng tôi đã hoàn chỉnh dữ liệu cho những năm 1910-1914 qua việc bổ sung các ước lượng do các cơ quan thuế và các nhà kinh tế học thời đó thực hiện trước chiến tranh. Xem phụ lục kĩ thuật.

[sau] [trước] [lên mức trên]