[sau] [trước] [lên mức trên]

Vào năm 1932, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế, thu nhập từ vốn vẫn là nguồn thu nhập chính trong nhóm 0,5% các thu nhập cao nhất (xem biểu đồ G8.35). Nếu ta đo lường thành phần của các thu nhập cao những năm 2000-2010 theo cách như trên, ta nhận thấy rằng thực trạng đã thay đổi rất sâu sắc. Dĩ nhiên, hiện nay cũng như trong quá khứ, thu nhập từ làm việc biến mất dần khi ta lên cao dần trong thứ bậc thu nhập, và thu nhập từ vốn dần dần trở nên áp đảo tại các đường chia một trăm và một nghìn phía trên. Thực tế có tính cấu trúc này vẫn được giữ nguyên. Nhưng điểm khác biệt mấu chốt là: ngày nay ta phải đi lên cao hơn rất nhiều so với trước đây trong thứ bậc xã hội để vốn áp đảo hẳn lao động. Hiện tại, thu nhập từ vốn chỉ áp đảo thu nhập từ làm việc trong nội bộ một nhóm xã hội tương đối hẹp: nhóm 0,1% những thu nhập cao nhất (xem biểu đồ G8.4). Vào năm 1932, nhóm xã hội này đông đảo hơn gấp năm lần; vào Thời Tươi đẹp, đông đảo hơn gấp mười lần.


PIC
Biểu đồ G8.3: Thành phần các thu nhập cao tại Pháp năm 1932


PIC
Biểu đồ G8.4: Thành phần các thu nhập cao tại Pháp năm 2005

Xin nhắc lại để tránh hiểu sai: đó là một thay đổi ra trò. Thật vậy, nhóm đường chia một trăm phía trên chiếm nhiều chỗ trong một xã hội cho trước (nó cấu thành khung cảnh kinh tế và chính trị của xã hội đó); nhưng đường chia một nghìn phía trên chiếm chỗ ít hơn rất nhiều6. Đó là một câu chuyện về cấp độ, nhưng rất đáng lưu tâm: đôi lúc các con số thô thiển vậy lại nói lên được nhiều điều hay. Sự thay đổi trên cũng giải thích tại sao phần thu nhập của đường chia một trăm phía trên trong phân phối thu nhập quốc gia hiện nay chỉ cao hơn chút đỉnh so với phần thu nhập của đường chia một trăm phía trên trong phân phối tổng khối lượng tiền lương: thu nhập từ vốn chỉ bắt đầu có tầm quan trọng quyết định kể từ đường chia một nghìn phía trên, thậm chí mười nghìn phía trên, do thế mà nó có trọng lượng rất nhẹ nhàng trong phần thu nhập của nhóm đường chia một trăm phía trên tính trong toàn bộ thu nhập.

Nói một cách rộng rãi, chúng ta đã chuyển từ xã hội của những người cho thuê tài sản sang xã hội của những nhà quản lí, nghĩa là từ một xã hội mà đường chia một trăm phía trên bị lấn át gần hết bởi những người cho thuê tài sản (những người có tài sản đủ lớn để có thể sống bằng tiền thuê do số vốn này mang lại) sang một xã hội mà đỉnh của thứ bậc thu nhập - bao gồm cả đường chia một trăm phía trên - gồm đa số là những người có tiền lương rất cao, những người sống bằng thu nhập từ lao động của họ. Một cách chính xác hơn (hay nếu ta nhìn sự việc ít tích cực hơn), ta cũng có thể nói rằng chúng ta đã chuyển từ xã hội của những người cho thuê tài sản siêu việt sang xã hội của những người cho thuê tài sản ít cực độ hơn so với quá khứ, nơi mà sự thành đạt bởi công việc và thành đạt bởi vốn là cân bằng hơn. Ta nên nhấn mạnh rằng sự đảo lộn rất lớn này tại Pháp không phải là do bất cứ sự nới rộng của thứ bậc tiền lương nào cả (xét tổng thể nó ổn định trên giai đoạn dài: lương bổng không bao giờ là một khối đồng nhất như người ta đôi khi vẫn tưởng tượng), mà hoàn toàn đến từ sự giảm sút của các thu nhập cao từ vốn.

Tóm lại: tại Pháp, chính những người cho thuê tài sản - hay ít ra là chín phần mười trong số họ - đã chuyển xuống đứng dưới các nhà quản lí; chứ không phải các nhà quản lí đã chuyển lên đứng trên những người cho thuê tài sản. Chúng ta cần phải tìm hiểu lí do của sự chuyển biến dài hạn này, một sự chuyển biến nhìn qua không có gì là hiển nhiên, bởi lẽ chúng ta đã thấy trong phần thứ hai rằng tỉ số vốn/thu nhập vào đầu thế kỉ 21 này đã bắt lại không còn xa mức độ rực rỡ của nó vào Thời Tươi đẹp. Sự sụp đổ của những người cho thuê tài sản từ năm 1914 đến năm 1945 là phần hiển nhiên của câu chuyện; nhưng sẽ là phức tạp hơn, và theo nghĩa nào đó là quan trọng và thú vị hơn, để hiểu được các lí do chính xác tại sao các tài sản này không được gây dựng lại sau đó. Trong số các nhân tố có tính cấu trúc làm hạn chế sự tập trung tài sản kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai và góp phần ngăn cản - cho đến hôm nay - sự gây dựng lại một xã hội của những người cho thuê tài sản cực độ như xã hội thời trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, ta dĩ nhiên nghĩ tới sự triển khai một hệ thống thuế tăng dần rất dốc đánh trên thu nhập cũng như trên tài sản và thừa kế (loại thuế gần như không tồn tại vào thế kỉ 19 và đến những năm 1920). Nhưng ta sẽ thấy rằng các nhân tố khác cũng đóng vai trò đáng kể, và có khả năng quan trọng không kém nhân tố đầu.

5: Trong biểu đồ G8.3 (và các biểu đồ cùng loại tiếp theo), ta đã sử dụng cùng các kí hiệu như trong Các thu nhập cao tại Pháp vào thế kỉ 20 (sách đã dẫn) và trong World Top Incomes Database, để chỉ các “phần kẹp giữa đường chia” trong thứ bậc thu nhập: “P90-95” tập hợp những người nằm giữa đường chia một trăm thứ 90 và 95 (nửa nghèo nhất trong 10% những người giàu nhất), “P95-99” tập hợp những người nằm giữa đường chia một trăm thứ 95 và 99 (tức là 4% tiếp theo), “P99,5-99,9” gồm 0,5% tiếp theo (nửa nghèo nhất trong 1% những người giàu nhất), “P99,99-100” gồm 0,01% những người giàu nhất (tức là một phần mười nghìn phía trên).
6: Cho dễ nhớ, đường chia một trăm phía trên tập hợp 500000 người trưởng thành trên 50 triệu người tại Pháp đầu những năm 2010.

[sau] [trước] [lên mức trên]