[sau] [trước] [lên mức trên]

Trang sử dài và hỗn loạn của lịch sử nợ công cộng - từ những người cho thuê tài sản thư thái của thế kỉ 18 và 19 đến sự trưng thu tài sản thông qua phồng giá cả của thế kỉ 20 - đã in dấu sâu đậm lên các kí ức và biểu hiện tập thể. Kinh nghiệm lịch sử này cũng ghi dấu lên suy nghĩ của các nhà kinh tế học. Ví dụ, khi David Ricardo năm 1817 phát biểu giả thuyết mà ngày nay được biết đến dưới tên gọi “phép tương đương kiểu Ricardo”, theo đó sự vay nợ công cộng dưới một số điều kiện sẽ không ảnh hưởng gì đến sự tích lũy vốn quốc gia, hiển nhiên là ông đã bị ảnh hưởng bởi những gì ông thấy xung quanh mình. Ngay chính thời điểm ông viết giả thuyết đó, nợ công cộng của Anh đã đạt xung quanh mức 200% SPTTN, vậy mà điều đó có vẻ không hề làm khô kiệt đầu tư cá nhân và tích lũy vốn. Hiện tượng crowding out30 rất đáng ngại đã không xảy ra, và sự tăng cao của nợ công cộng có vẻ như đã được chi trả bằng sự gia tăng tương ứng của tiết kiệm cá nhân. Dĩ nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc giả thuyết trên là một qui luật phổ quát, đúng mọi lúc mọi nơi: chắc hẳn mọi việc phụ thuộc vào sự giàu có của nhóm xã hội liên quan (trong trường hợp ta đang xét, một số ít người Anh có đủ tiền để sinh ra khoản tiền tiết kiệm cần thiết), vào tỉ lệ lãi được trả và tất nhiên vào lòng tin đối với chính phủ. Nhưng việc mà Ricardo - dù không có các dãy số lịch sử hoặc các phép đo giống như được trình bày trong biểu đồ G3.3, nhưng nhờ sự hiểu biết cặn kẽ về chủ nghĩa đồng vốn trong thời đại mình đến đường tơ kẽ tóc - có thể chỉ ra rõ ràng rằng khối nợ công cộng khổng lồ bao quanh ông không có ảnh hưởng gì lên tài sản quốc gia, và chỉ đơn giản là khoản nợ mà một phần đất nước nợ phần còn lại, là rất xứng đáng được ghi nhớ31.

Tương tự như vậy, khi Keynes năm 1936 bàn về “cái chết êm ái của những người cho thuê tài sản”, ông cũng bị gây ấn tượng bởi những gì ông thấy xung quanh mình: xã hội của những người cho thuê tài sản thời trước Chiến tranh thế giới thứ nhất đang sụp đổ, và trên thực tế không tồn tại một giải pháp chính trị chấp nhận được nào khác cho phép vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế và ngân sách đang diễn ra. Đặc biệt, Keynes cảm thấy rõ ràng rằng sự phồng giá cả (mà Liên hiệp Anh thời đó mới chỉ miễn cưỡng chấp nhận, do mối gắn bó bền chặt của giới chính trị phe bảo thủ với hệ thống tiền tệ bảo đảm bằng vàng trước năm 1914) là cách đơn giản nhất, nếu không muốn nói là đúng nhất có thể, để làm giảm khối nợ công cộng và tài sản đến từ quá khứ.

Kể từ những năm 1970-1980, những phân tích về nợ công cộng mắc phải nhược điểm là các nhà kinh tế học lúc đó phụ thuộc quá mức vào các mô hình gọi là “tác nhân tiêu biểu”, tức là các mô hình mà mỗi tác nhân được giả sử có cùng thu nhập và cùng tài sản (do vậy nói riêng họ cũng có cùng số lượng nợ công cộng). Một sự đơn giản hóa thế giới thực tế như vậy đôi khi có ích, nhằm tách riêng những mối quan hệ logic khó phân tích trong những mô hình phức tạp hơn. Thế nhưng qua việc loại bỏ hoàn toàn vấn đề bất bình đẳng trong phân bố thu nhập và tài sản, các mô hình này thường xuyên đưa đến những kết luận cực đoan và không mấy thực tế, và thường làm mập mờ hơn là sáng tỏ sự việc. Đối với vấn đề nợ công cộng, những mô hình tác nhân tiêu biểu có thể dẫn đến kết luận rằng nợ công cộng có vai trò hoàn toàn trung tính, không chỉ lên mức tổng vốn quốc gia, mà còn lên sự phân bố tiền thuế phải đóng. Sự diễn giải lại phép tương đương kiểu Ricardo như trên - được đề xuất bởi nhà kinh tế học người Mĩ Robert Barro32 - là khá cực đoan. Nó không tính đến việc phần lớn nợ công cộng - ví dụ tại Liên hiệp Anh tại thế kỉ 19 - được sở hữu bởi một số ít người, vì thế nợ công cộng thật sự dẫn đến sự phân phối lại của cải trong nội bộ một nước, cả trong trường hợp nó được trả lại lẫn trong trường hợp nó không được trả. Do sự tập trung cao độ đặc trưng của sự phân bố tài sản từ trước đến nay (ta sẽ phân tích tiến trình của nó trong phần ba của sách), lờ đi bất bình đẳng giữa các nhóm xã hội khi nghiên cứu những vấn đề nói trên tức là ta đang thật sự bỏ qua phần lớn đối tượng nghiên cứu và thực trạng xã hội.

30: người dịch. Tạm dịch: hiệu ứng gạt bỏ. Ý nói đến hiệu ứng kinh tế học trong đó sự gia tăng chi tiêu công cộng khiến đầu tư và tiêu dùng cá nhân giảm sút.
31: Tuy nhiên những đoạn văn mà Ricardo viết để bàn vấn đề này trong cuốn Principles of Political Economy and Taxation (1817) (người dịch. Tạm dịch: Những nguyên tắc kinh tế chính trị và thuế má) không hoàn toàn trong sáng. Về giai đoạn này, bạn đọc xem thêm phân tích nhìn lại quá khứ rất thú vị của G.Clark: “Debt, deficits, and crowding out: England, 1727-1840”, European review of Economic History, 2001 (người dịch. Tạm dịch: “Nợ, thiếu hụt ngân sách, và hiện tượng gạt bỏ: nước Anh giai đoạn 1727-1840”).
32: Xem R.Barro, “Are government bonds net wealth?”, Journal of Political Economy, 1974 (người dịch. Tạm dịch: “Giấy ghi nợ chính phủ có phải là của cải nét không?”); cũng như “Government spending, interest rates, prices, and budget deficits in the United Kingdom, 1701-1918”, Journal of Monetary Economics, 1987 (người dịch. Tạm dịch: “Chi tiêu chính phủ, tỉ lệ lãi, giá cả, và thiếu hụt ngân sách tại Liên hiệp Anh giai đoạn 1701-1918”).

[sau] [trước] [lên mức trên]