[sau] [trước] [lên mức trên]
Châu Âu lục địa - đặc biệt là nước Pháp - sống trong hoài niệm về Ba mươi năm huy hoàng, nghĩa là giai đoạn ba mươi năm từ cuối những năm 1940 đến cuối những năm 1970: thời đó châu lục này đã tăng trưởng nhanh ngoại lệ. Người ta vẫn không hiểu điều quỉ quái gì đã bắt họ phải chịu một sự tăng trưởng thấp đến thế kể từ cuối những năm 1970 đầu những năm 1980. Đến tận đầu những năm 2010 hiện nay, người ta vẫn mơ tưởng rằng điệp khúc dở tệ “Ba mươi năm thảm hại” này (thực tế là sắp đến ba mươi lăm hoặc bốn mươi năm) sẽ sớm khép lại, rằng giấc mơ xấu xí này sẽ kết thúc và rằng tất cả sẽ bắt đầu lại tốt đẹp như trước.
Thật ra nếu ta nhìn mọi việc trong bối cảnh lịch sử rộng hơn, ta thấy rõ ràng chính giai đoạn Ba mươi huy hoàng mới là ngoại lệ. Đơn giản là vì tại Châu Âu sự chậm trễ tăng trưởng so với Mĩ đã dồn đọng trong vòng những năm 1914-1945; và nó đã được khẩn trương lấp đầy trong Ba mươi năm huy hoàng. Một khi sự rượt đuổi này chấm dứt, Châu Âu và Mĩ cùng hiện diện ở giới hạn trên của kinh tế toàn cầu, và bắt đầu tăng với cùng nhịp độ - nhịp độ chậm đặc trưng của các nước ở giới hạn trên của kinh tế toàn cầu.
Tiến trình của tỉ lệ tăng trưởng so sánh giữa Châu Âu và nước Mĩ được trình bày trong biểu đồ G2.3 đã chứng minh tất cả những điều trên một cách hiển nhiên. Tại Bắc Mĩ, không ai hoài niệm Ba mươi năm huy hoàng cả, đơn giản vì Ba mươi năm huy hoàng chưa bao giờ tồn tại: sản phẩm theo đầu người tăng xấp xỉ theo cùng nhịp độ trong suốt giai đoạn 1820-2012, xung quanh 1,5%-2% một năm. Dĩ nhiên, nhịp độ chậm đi chút trong những năm 1930-1950, suýt soát hơn 1,5%. Sau đó nó lên hơn 2% một chút trong giai đoạn 1950-1970, rồi giảm xuống dưới 1,5% một chút trong giai đoạn 1990-2012. Tại Tây Âu - châu lục bị ảnh hưởng lâu dài hơn bởi hai cuộc Chiến tranh thế giới - tỉ lệ tăng trưởng biến thiên mạnh hơn hẳn: sản phẩm theo đầu người ngưng trệ từ năm 1913 đến năm 1950 (tăng trưởng suýt soát hơn 0,5% một năm), rồi nhảy lên hơn 4% một năm từ năm 1950 đến năm 1970 trước khi rơi đột ngột xuống mức chỉ hơn Mĩ chút xíu trong những năm 1970-1990 (hơn 2% một chút) và 1990-2012 (suýt soát 1,5%). Tây Âu đã trải qua thời tăng trưởng hoàng kim từ năm 1950 đến năm 1970. Rồi tỉ lệ tăng trưởng đã giảm xuống hai lần - thậm chí ba lần - trong những thập niên tiếp theo. Nói rõ thêm là biểu đồ G2.3 ước lượng thấp hơn thực tế sự hụt hẫng này, vì theo nguyên tắc ta đã bao gồm Liên hiệp Anh vào Tây Âu, trong khi trên thực tế tiến trình phát triển của Anh tại thế kỉ 20 là khá ổn định giống như Bắc Mĩ. Nếu ta chỉ xét Châu Âu lục địa, tỉ lệ tăng trưởng sản phẩm theo đầu người trung bình sẽ cao hơn 5% từ năm 1950 đến năm 1970 - mức tăng trưởng cao chưa từng thấy trong lịch sử tất cả các nước giàu trong những thế kỉ vừa qua.
Các nước khác nhau đã có những trải nghiệm rất riêng biệt về quá trình tăng trưởng kinh tế tại nước mình trong thế kỉ 20. Điều này phần nào giải thích tại sao họ lại có những quan điểm và thái độ rất khác biệt về vấn đề toàn cầu hóa thương mại và tài chính, thậm chí về chủ nghĩa đồng vốn nói chung. Tại Châu Âu lục địa, đặc biệt là tại Pháp, có thể hiểu được tại sao người ta tiếp tục coi những thập niên đầu tiên thời sau chiến tranh (thời kì được đánh dấu bởi chủ nghĩa nhà nước can thiệp kinh tế) là một giai đoạn tốt lành cho sự tăng trưởng; và phong trào tự do hóa kinh tế khởi đầu quanh những năm 1980 thường bị cho là nguyên nhân của sự xa sút diễn ra sau đó.
Tại Liên hiệp Anh và Mĩ, lịch sử thời sau chiến tranh đã diễn ra khác hẳn. Từ những năm 1950 đến những năm 1970, các nước nói tiếng Anh đã bị các nước thua trận đuổi kịp rất nhanh. Vào cuối những năm 1970, nhan nhản các trang bìa tạp chí tại Mĩ lên tiếng tố giác về sự đi xuống của nước Mĩ và sự thành công của các ngành công nghiệp Đức và Nhật. Tại Liên hiệp Anh, SPTTN theo đầu người đã xuống thấp hơn Đức, Pháp và Nhật, thậm chí cả Ý. Không gì ngăn ta nghĩ rằng chính cảm giác bị đuổi kịp này (hoặc thậm chí bị vượt qua trong trường hợp nước Anh) đã đóng vai trò chủ chốt khơi mào cho cuộc “Cách mạng phe bảo thủ”. Thatcher tại Liên hiệp Anh rồi Reagan tại Mĩ hứa rằng họ sẽ xem xét lại hệ thống Welfare State31 đang làm mềm yếu những người chủ doanh nghiệp, và hứa sẽ làm sống lại chủ nghĩa đồng vốn thuần túy của thế kỉ 19; họ cho rằng những chính sách này sẽ giúp Liên hiệp Anh và Mĩ lấy lại ngôi trên. Ngày nay, tại hai nước này, cuộc Cách mạng phe bảo thủ vẫn thường được coi là một chính sách thành công không phải bàn cãi, bởi lẽ nhờ có nó họ đã kết thúc giai đoạn tăng trưởng chậm hơn Châu Âu lục địa và Nhật.
Trên thực tế, phong trào tự do hóa kinh tế bắt đầu quanh những năm 1980 và phong trào nhà nước hóa kinh tế triển khai năm 1945 không xứng đáng được tán tụng cũng như phê bình quá mức. Rất có thể là Pháp, Đức và Nhật vẫn sẽ bắt kịp khoảng cách tụt hậu về tăng trưởng, hậu quả của sự sụp đổ những năm 1914-1945, dù họ theo đuổi chính sách nào đi nữa (ít nhất 99,9% là như vậy). Ta chỉ có thể nói không hơn không kém rằng chủ nghĩa nhà nước đã không có hại cho nền kinh tế. Cũng như vậy, một khi mà các nước đó chạm tới giới hạn trên của kinh tế thế giới, không có gì ngạc nhiên là sự tăng trưởng với nhịp độ nhanh hơn nhóm các nước nói tiếng Anh diễn ra trong quá trình rượt đuổi đã chấm dứt: tỉ lệ tăng trưởng tại các nhóm nước nói trên trở nên tương đương nhau, như được minh họa trong biểu đồ G2.3 (ta sẽ có cơ hội quay lại vấn đề này sau). Nói tương đối, những chính sách tự do hóa kinh tế có lẽ đã không ảnh hưởng lắm - không làm tăng cũng chẳng làm giảm - thực tế đơn sơ trên.
[sau] [trước] [lên mức trên]