[sau] [trước] [lên mức trên]
Hãy tổng kết lại. Trong vòng ba thế kỉ vừa qua, sự tăng trưởng toàn cầu đã trải qua một đường cong hình chuông với biên độ rất lớn. Dù đó là sự tăng trưởng dân số hay tăng trưởng sản phẩm theo đầu người, nhịp độ tăng trưởng đã dần dần tăng tốc trong thế kỉ 18, 19 và đặc biệt trong thế kỉ 20; và hiện rất có thể đang rục rịch quay lại mức thấp hơn nhiều trong thế kỉ 21.
Tuy vậy hai đường cong hình chuông này có những khác biệt khá rõ ràng. Đường biểu diễn tỉ lệ tăng trưởng dân số đã dốc lên sớm hơn nhiều, ngay từ thế kỉ 18, và cũng dốc xuống sớm hơn hẳn. Đó chính là hiện tượng chuyển dịch dân số đã diễn ra được khá lâu rồi. Nhịp độ tăng tiến dân số toàn cầu đã đạt đỉnh điểm trong những năm 1950-1970 - gần 2% một năm, rồi kể từ đó đã giảm sút không ngừng. Mặc dù ta không thể nói chắc điều gì, nhưng rất có thể quá trình giảm sút này sẽ tiếp diễn, và tỉ lệ tăng trưởng dân số trên phạm vi toàn cầu sẽ quay trở lại mức gần như bằng 0 trong nửa sau thể kỉ 21. Đường cong hình chuông có hình dáng rất rõ ràng mạch lạc (xem biểu đồ G2.2).
Đối với sự tăng trưởng sản phẩm theo đầu người, mọi việc phức tạp hơn chút. Sự tăng trưởng thuần túy “kinh tế” này cần nhiều thời gian hơn để bắt đầu bứt phá: nó đã đứng im tại mức gần như bằng 0 tại thế kỉ 18, rồi dần đạt mức cao hơn tại thế kỉ 19, và chỉ thực sự trở thành một thực tế ai cũng thấy tại thế kỉ 20. Sự tăng trưởng sản phẩm theo đầu người toàn cầu thậm chí đã vượt quá 2% một năm: lần đầu tiên từ năm 1950 đến năm 1990 - chủ yếu nhờ vào quá trình rượt đuổi diễn ra tại Châu Âu -, rồi thêm lần nữa từ năm 1900 đến năm 2012 - nhờ vào quá trình rượt đuổi diễn ra tại Châu Á, nhất là Trung Quốc, nước có tỉ lệ tăng trưởng cao hơn 9% một năm từ năm 1990 đến năm 2012 theo những số liệu thống kê chính thức (mức độ này là cao chưa từng thấy trong lịch sử)32.
Thế còn sau năm 2012 thì sao? Ta biểu diễn trong biểu đồ G2.4 đường dự báo tăng trưởng “ở vị trí giữa”. Kịch bản này trên thực tế là khá lạc quan, bởi lẽ ta đã giả sử rằng các nước giàu nhất - Tây Âu, Bắc Mĩ, Nhật - sẽ tăng trưởng 1,2% một năm từ năm 2012 đến năm 2100 (tức là cao hơn hẳn mức mà nhiều nhà kinh tế học dự báo), và các nước nghèo hay mới nổi sẽ không vấp váp gì trong việc tiếp tục quá trình hội tụ tới các nước giàu - với tỉ lệ tăng trưởng 5% một năm từ năm 2012 đến năm 2030 và 4% một năm từ năm 2030 đến năm 2050. Nếu điều này xảy ra, lượng sản phẩm theo đầu người tại gần như tất cả các nơi sẽ bắt kịp các nước giàu nhất ngay từ năm 2050: tại Trung Quốc và Đông Âu, tại Nam Mĩ cũng như Bắc Phi và Trung Đông33. Kể từ lúc đó, sự phân bố sản phẩm toàn cầu được miêu tả trong chương 1 sẽ tiến tới gần giống với sự phân bố dân số34.
Trong kịch bản giữa-lạc quan này, sự tăng trưởng sản phẩm theo đầu người toàn cầu sẽ vượt qua 2,5% chút xíu từ năm 2012 đến năm 2030, rồi tiếp tục tăng nhanh như vậy từ năm 2030 đến năm 2050 trước khi rớt xuống mức dưới 1,5% sau năm 2050, rồi hướng đến mức 1,2% trong một phần ba cuối thế kỉ. So sánh với đường cong hình chuông của tỉ lệ tăng trưởng dân số (xem biểu đồ G2.2), đường cong hình chuông thứ hai này có hai sự khác biệt: khác biệt đầu tiên là nó đã đạt đỉnh chậm hơn rất nhiều so với đường cong thứ nhất (chậm hơn gần như một thế kỉ - giữa thế kỉ 21 thay vì thế kỉ 20); khác biệt thứ hai là nó đã không giảm về mức tăng trưởng bằng 0 hoặc gần như bằng 0, mà về mức cao hơn 1% một năm một chút, tức là cao hơn rõ rệt mức tăng trưởng của các xã hội truyền thống (xem biểu đồ G2.4).
Nếu ta cộng hai đường cong này lại với nhau, ta sẽ thu được tiến trình của tỉ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm toàn cầu (xem biểu đồ G2.5). Cho đến năm 1950, tỉ lệ tăng trưởng nói trên luôn thấp hơn 2% một năm, trước khi bật lên mức 4% từ năm 1950 đến năm 1990 - mức ngoại lệ này là do sự kết hợp giữa sự tăng trưởng dân số và sự tăng trưởng sản phẩm theo đầu người nhanh nhất trong lịch sử. Nhịp độ gia tăng sản lượng toàn cầu đã bắt đầu giảm và xuống dưới mức 3,5% một chút từ năm 1990 đến năm 2012, bất chấp sự tăng trưởng cực kì nhanh tại những nước mới nổi, nhất là Trung Quốc. Theo kịch bản giữa kể trên, nhịp độ này sẽ được giữ vững từ năm 2012 đến năm 2030, rồi sẽ qua mức 3% từ năm 2030 đến năm 2050, trước khi rớt xuống mức khoảng 1,5% trong nửa sau thế kỉ 21.
Ta đã nói kĩ ở trên rằng những dự báo “ở vị trí giữa” này chỉ có tính giả thuyết. Điểm cốt yếu là, bất kể những “chi tiết” về tỉ lệ tăng trưởng và lịch trình của chúng (những chi tiết này hiển nhiên rất quan trọng), hai đường cong hình chuông của sự tăng trưởng toàn cầu nhiều phần đã được định hình rồi. Dự báo giữa được trình bày trong biểu đồ G2.2-G2.5 là lạc quan vì hai lẽ: một mặt, nó đã giả sử sự tăng trưởng năng suất được giữ ở mức hơn 1% một năm tại những nước giàu (điều này giả sử những tiến bộ công nghệ đáng kể, nhất là trong lĩnh vực năng lượng sạch); mặt khác, có lẽ quan trọng hơn, nó đã giả sử một quá trình hội tụ liên tục giữa các nước mới nổi và các nước giàu mà không vấp phải bất cứ vấn đề chính trị hay quân sự nào, tiếp diễn từ nay cho đến năm 2050 khi các nước mới nổi bắt kịp các nước giàu, nghĩa là một nhịp độ rất nhanh. Không khó khăn gì ta có thể tưởng tượng ra những kịch bản ít lạc quan hơn, theo đó đường cong hình chuông của sự tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ rớt xuống nhanh hơn so với những đường được biểu diễn trong các biểu đồ phía trên.
[sau] [trước] [lên mức trên]