[sau] [trước] [lên mức trên]

Bức tranh toàn cảnh về sự tăng trưởng kể từ Cách mạng công nghiệp sẽ rất không hoàn thiện nếu ta không đề cập đến vấn đề về sự phồng giá cả. Người ta có thể cho rằng sự phồng giá cả là một hiện tượng thuần túy tiền tệ không đáng bận tâm nhiều. Thật ra, tất cả các tỉ lệ tăng trưởng mà ta nói đến từ đầu sách đều tương ứng với sự tăng trưởng “thực”, tức là thu được bằng cách lấy tỉ lệ tăng trưởng “danh nghĩa” trừ đi tỉ lệ phồng giá cả (tức là sự tăng lên của chỉ số giá tiêu dùng trung bình).

Thật ra, vấn đề về sự phồng giá cả đóng vai trò chủ chốt trong nghiên cứu trình bày trong sách này. Ta đã lưu ý trong phần trước rằng chính khái niệm chỉ số giá cả “trung bình” cũng có vấn đề, bởi lẽ sự tăng trưởng luôn được đặc trưng bằng sự xuất hiện của những hàng hóa và dịch mới và bằng những biến động rất lớn của giá cả tương đối, những điều rất khó tóm gọn bằng một con số duy nhất. Điều đó dẫn tới việc quan niệm về sự phồng giá cả và về sự tăng trưởng không phải lúc nào cũng được định nghĩa chính xác: việc phân tách sự tăng trưởng danh nghĩa (sự tăng trưởng duy nhất mà ta có thể quan sát thấy bằng mắt thường, hoặc gần như vậy) thành một thành phần tăng trưởng thực và một thành phần do phồng giá cả có phần tùy tiện và dễ gây tranh cãi.

Ví dụ, với cùng mức tăng trưởng danh nghĩa 3% một năm, ta sẽ thu được mức tăng trưởng thực 1% nếu ta ước lượng tỉ lệ phồng giá cả là 2%. Nhưng nếu ta điều chỉnh tỉ lệ này thấp đi xuống mức chỉ còn 1,5%, ví dụ ta cho rằng giá thực của điện thoại thông minh và máy tính bảng đã giảm đi rất nhiều so với những gì ta nghĩ trước đó nếu ta tính đến những cải thiện đáng kể về chất lượng và hiệu năng (các nhà thống kê học thường bỏ rất nhiều công để đo lường chúng - một công việc không đơn giản), ta sẽ đi đến kết luận sự tăng trưởng thực là 1,5%. Trên thực tế, rất khó phân biệt hai con số trên một cách chắc chắn khi sự khác nhau là mờ nhạt như thế. Vả lại mỗi số đều chứa một phần sự thật: tỉ lệ tăng trưởng chắc hẳn là gần mức 1,5% hơn đối với những người ham thích điện thoại thông minh và máy tính bảng, và gần mức 1% hơn đối với những người khác.

Sự biến động giá cả tương đối có thể còn đóng vai trò quyết định hơn nữa trong khuôn khổ lí thuyết của Ricardo và trong nguyên tắc của hiếm của ông: nếu một số giá cả, như giá đất đai, bất động sản hay dầu mỏ, đạt mức cực kì cao trong những giai đoạn dài, nó có thể gây ảnh hưởng một cách lâu dài đến sự phân bố của cải theo hướng có lợi cho những người ban đầu sở hữu những nguồn tài nguyên hiếm hoi này.

Rộng hơn vấn đề về giá cả tương đối, ta sẽ thấy rằng sự phồng giá cả theo nghĩa đen, tức là sự tăng nói chung của tất cả các giá cả, cũng đóng vai trò cơ bản trong sự vận động của phân bố của cải. Đặc biệt, sự phồng giá cả chính là tác nhân chủ yếu cho phép các nước giàu thanh lí hết nợ công cộng hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ hai. Sự phồng giá cả cũng đã sinh ra đủ các loại phân phối lại của cải giữa các nhóm xã hội trong thế kỉ 20 một cách khá lôn xộn và thiếu kiểm soát. Ngược lại, xã hội coi trọng tài sản nở rộ ở thế kỉ 18 và 19 gắn liền với sự ổn định tiền tệ rất cao đặc trưng cho giai đoạn rất dài này35.

35: người dịch. Ở đây “sự ổn định tiền tệ rất cao” ý nói tương đương với sự phồng giá cả rất thấp.

[sau] [trước] [lên mức trên]