[sau] [trước] [lên mức trên]
Ta hãy quay về thời xưa. Sự việc quan trọng đầu tiên ta nên ghi nhớ là sự phồng giá cả trong chừng mực nào đó là một phát kiến của thế kỉ 20. Trong những thế kỉ trước đó, cho đến Chiến tranh thế giới thứ nhất, tỉ lệ phồng giá cả ở mức bằng 0 hoặc gần như bằng 0. Giá cả đôi lúc có thể lên hoặc xuống rất mạnh trong vòng vài năm, đôi khi vài chục năm, nhưng sau một thời gian sự biến động lên hoặc xuống này nói chung bù trừ nhau. Tình hình đều giống như vậy tại tất cả các nước mà ta có số liệu về giá cả trong giai đoạn dài.
Đặc biệt, nếu ta tính sự tăng giá cả trung bình trong giai đoạn 1700-1820, rồi so sánh với sự tăng giá cả trung bình trong giai đoạn 1820-1913, ta thấy rằng sự phồng giá cả là không đáng kể tại Pháp và Liên hiệp Anh cũng như tại Mĩ và Đức: mức lớn nhất là 0,2%-0,3% một năm. Đôi khi ta còn thấy những mức âm nhẹ, ví dụ tại Liên hiệp Anh và Mĩ tại thế kỉ 19 (trung bình -0,2% một năm từ năm 1820 đến năm 1913 tại cả hai nước trên).
Dĩ nhiên, sự ổn định tiền tệ này cũng có vài lần chao đảo. Nhưng lần nào cũng vậy, nó chỉ diễn ra trong giai đoạn ngắn, và sự quay trở lại mức bình thường xảy đến rất nhanh. Một trường hợp đặc biệt tiêu biểu là Cách mạng Pháp. Ngay cuối năm 1789, chính phủ cách mạng cho phát hành đồng “assignat”, và nó đã trở thành một đơn vị tiền tệ lưu hành và trao đổi đích thực ngay từ năm 1790-1791 (đây là một trong những đồng tiền giấy đầu tiên trong lịch sử). Việc này đã gây ra một cú phồng giá cả (đo theo đồng assignats) rất lớn. Nhưng điểm quan trọng là sau đó Pháp đã quay lại dùng tiền kim loại: đồng “franc germinal”. Đồng tiền này đã được phát hành ngang giá với đơn vị tiền tệ của Chế độ Cũ. Luật ngày 18 tháng Germinal năm 3 (tức ngày 7 tháng 4 năm 1795) đã bãi bỏ đồng livre tournois cũ - đồng tiền gợi nhắc quá nhiều chế độ quân chủ - và thay thế bằng đồng franc - từ giờ trở thành đơn vị tiền tệ chính thức của đất nước - và chứa cùng một lượng kim loại so với đồng tiền cũ. Đồng 1 franc chứa chính xác 4,5 gam bạc tinh (giống với đồng livre tournois kể từ năm 1726). Điều này đã được xác lập trong luật năm 1796 rồi luật năm 1803 - bộ luật đã thể chế hóa hoàn toàn hệ thống tiền tệ được bảo đảm bằng hai kim loại vàng-bạc tương đương nhau36.
Sau mọi chuyện, giá cả đo bằng đồng franc trong những năm 1800-1810 đã về mức xấp xỉ như giá cả đo bằng đồng livre tournois trong những năm 1770-1780, tức là nếu ta bỏ qua sự đổi đơn vị tiền tệ năm 1795, cuộc Cách mạng đã không thay đổi gì đối với sức mua của đồng tiền. Những nhà tiểu thuyết đầu thế kỉ 19, bắt đầu bằng Balzac, liên tục chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác khi họ miêu tả về thu nhập và gia sản: đối với tất cả người đọc thời đó, đồng franc germinal (hoặc “franc-vàng”) và đồng livre tournois là những đơn vị tiền giống nhau. Đối với lão Goriot, sở hữu “một nghìn hai trăm livre” tiền thuê nhà hay “mười hai lần một trăm franc”37 là hoàn toàn tương đương, và không cần phải nói rõ đơn vị tiền tệ theo sau.
Giá trị tương đương tính theo vàng của đồng franc cố định năm 1803 mãi tới năm 1928 mới chính thức được thay đổi theo bộ luật tiền tệ ngày 25 tháng 6. Trên thực tế, kể từ tháng 8 năm 1914, Ngân hàng Pháp đã được miễn thanh toán đồng tiền giấy bằng số lượng vàng hay bạc tương đương, và đồng “franc-vàng” thực tế đã trở thành đồng “franc-giấy” từ năm 1914 cho đến cuộc ổn định hóa tiền tệ năm 1926-1928. Tuy vậy sự tương đương kim loại nói trên cũng đã được áp dụng từ năm 1726 đến 1914 - một giai đoạn không hề ngắn ngủi.
Ta thấy Liên hiệp Anh với đồng pound sterling38 cũng trải qua một sự ổn định tiền tệ như vậy. Mặc dù có vài hiệu chỉnh nhỏ, tỉ lệ qui đổi các đơn vị tiền tệ giữa hai nước này là cực kì ổn định trong vòng hai thế kỉ: đồng pound sterling luôn trị giá khoảng 20-25 livre tournois hoặc franc germinal trong suốt thế kỉ 18, 19 và đến tận năm 191439. Đối với những nhà tiểu thuyết Anh thời đó, đồng pound sterling và các đồng mệnh giá thấp hơn (đồng guinea và đồng shilling) có giá trị vững như đá, giống như đồng livre tournois và đồng franc-vàng đối với các nhà tiểu thuyết Pháp40. Dường như tất cả các đơn vị tiền tệ trên đều đo lường những độ lớn không thay đổi theo thời gian. Chúng là những điểm mốc cho phép xác định giá trị muôn thuở của tiền bạc và của địa vị xã hội.
Tình hình cũng như vậy tại các nước khác: định nghĩa thêm đơn vị tiền tệ hay phát hành đồng tiền mới là những thay đổi quan trọng duy nhất, chẳng hạn như trường hợp đồng dollar Mĩ năm 1775 và đồng mark-vàng năm 1873. Nhưng một khi giá trị kim loại tương đương của các đồng tiền này được cố định, không có gì thay đổi nữa cả: tại thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, ai cũng biết rằng một pound trị giá khoảng 5 dollar, 20 mark hay 25 franc. Giá trị của đồng tiền đã không hề thay đổi từ nhiều thập kỉ, và chẳng có có lí do để mọi việc diễn ra khác đi trong tương lai.
[sau] [trước] [lên mức trên]