[sau] [trước] [lên mức trên]

Một khác biệt lớn nữa giữa lịch sử vốn tại Châu Mĩ và tại Châu Âu là vốn ngoài nước chỉ có tầm quan trọng tương đối hạn chế tại Mĩ. Điều này là biểu hiện của việc nước Mĩ - thuộc địa đầu tiên dành được độc lập - chưa bao giờ tự mình là một cường quốc thuộc địa.

Trong suốt chiều dài thế kỉ 19, nước Mĩ có cán cân tài sản ở mức âm nhẹ so với phần còn lại của thế giới: những gì dân Mĩ sở hữu trong phần còn lại của thế giới ít hơn những gì dân cư phần còn lại của thế giới - nhất là người Anh - sở hữu tại Mĩ. Tuy nhiên sự khác nhau là rất nhỏ, bởi nó chiếm nhiều nhất vào khoảng 10%-20% thu nhập quốc gia của Mĩ, và nói chung thường dưới 10% từ những năm 1770 đến những năm 1910.

Ví dụ, ngay trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, vốn trong nước của Mĩ (đất nông nghiệp, nhà ở, các loại vốn trong nước khác) được định giá vào khoảng 500% thu nhập quốc gia của Mĩ. Trong toàn bộ khối tài sản này, các sở hữu do các nhà đầu tư ngoài nước nắm giữ trừ đi sở hữu ngoài nước do các nhà đầu tư Mĩ nắm giữ chiếm tương đương 10% thu nhập quốc gia. Vì vậy vốn quốc gia (hoặc tài sản quốc gia nét) của Mĩ bằng với khoảng 490% thu nhập quốc gia. Nói cách khác, 98% nước Mĩ do người Mĩ sở hữu, và 2% do người ngoài nước sở hữu. Vì thế nó rất gần với tình trạng cân bằng, nhất là khi so sánh với khối sở hữu ngoài nước lớn khủng khiếp do người Châu Âu nắm giữ: từ một đến hai năm thu nhập quốc gia tại Pháp và tại Liên hiệp Anh, và một năm rưỡi tại Đức. Do SPTTN của Mĩ chỉ đạt suýt soát hơn một nửa SPTTN của Tây Âu vào năm 1913, ta suy ra là người Châu Âu vào năm 1913 chỉ có một phần nhỏ sở hữu ngoài nước của mình ở Mĩ (dưới 5% toàn bộ danh mục tài sản của họ). Tóm lại, thế giới năm 1913 là một thế giới mà Châu Âu sở hữu phần lớn Châu Phi, Châu Á và Châu Mĩ Latin, và nước Mĩ sở hữu chính mình.

Các cuộc Chiến tranh thế giới đã làm đảo lộn cán cân tài sản của nước Mĩ: từ mức âm năm 1913, rồi lên dương nhẹ kể từ những năm 1920 và giữ nguyên mức dương này cho đến những năm 1970-1980. Mĩ đã đổ tiền cho các bên tham chiến, và thế là từ con nợ Mĩ đã trở thành chủ nợ của các nước Châu Âu. Tuy vậy, sở hữu ngoài nước do người Mĩ sở hữu vẫn luôn ở mức khá khiêm tốn: suýt soát 10% thu nhập quốc gia (xem biểu đồ G4.6).

Nói riêng trong những năm 1950-1960, vốn ngoài nước nét do Mĩ sở hữu ở mức khá hạn chế (suýt soát 5% thu nhập quốc gia, trong khi vốn trong nước đạt quanh mức 400%, tức là lớn hơn tám mươi lần). Đầu tư của các công ti đa quốc gia của Mĩ tại Châu Âu và trong phần còn lại của thế giới thời đó có vẻ đạt mức cao đáng kể; ít ra là những người Châu Âu sẽ nghĩ vậy: họ đã quen sở hữu cả thế giới, giờ lại phải sống chật vật do đã trót vay nợ Chú Sam và chương trình Marshall để trang trải một phần chi phí xây dựng lại đất nước. Trên thực tế, nếu gạt ra ngoài những chấn thương nội bộ quốc gia đó, các khoản đầu tư trên vẫn có biên độ rất hạn chế khi so sánh với khối tài sản các cường quốc thuộc địa cũ sở hữu trên toàn thế giới vài thập kỉ trước đó. Ngoài ra, các khoản tiền mà Mĩ đặt tại Châu Âu và các nơi khác được bù lại bởi mức đầu tư vững vàng từ nước ngoài vào Mĩ, nhất là từ Liên hiệp Anh. Trong bộ phim dài tập Mad Men, lấy bối cảnh đầu những năm 1960, hãng quảng cáo Sterling Cooper có trụ sở tại New York đã bị các nhà đầu tư lọc lõi người Anh mua lại; vụ mua bán lập tức gây ra một cú sốc văn hóa trong giới hành nghề quảng cáo nhỏ bé tại Madison Avenue: quả là không dễ chịu khi bị người ngoài sở hữu.

Cán cân tài sản của Mĩ đã xuống mức âm nhẹ giữa những năm 1980, rồi ngày càng âm rõ ràng hơn trong những năm 1990-2000, cùng với quá trình tích tụ thiếu hụt thương mại. Tuy vậy, đầu tư của Mĩ ra ngoài nước tiếp tục đem về nhiều lợi nhuận hơn các chi phí từ các khoản nợ: đó là đặc quyền đến từ lòng tin vào đồng dollar. Điều này cho phép hạn chế sự đi xuống của cán cân tài sản âm của Mĩ (khoảng 10% thu nhập quốc gia trong những năm 1990 và vượt qua 20% một chút vào đầu những năm 2010 - ta sẽ quay lại bàn về sự vận động của tỉ lệ lãi này trong phần sau). Kết quả là tình hình hiện nay của Mĩ khá gần với tình hình ngay trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Vốn trong nước của Mĩ được định giá khoảng 450% thu nhập quốc gia. Trong đó sở hữu do các nhà đầu tư ngoài nước nắm giữ (trừ đi sở hữu ngoài nước do các nhà đầu tư Mĩ nắm giữ) chiếm tương đương 20% thu nhập quốc gia. Vì vậy tài sản quốc gia nét của Mĩ bằng khoảng 430% thu nhập quốc gia. Nói cách khác, hơn 95% nước Mĩ do người Mĩ sở hữu, và dưới 5% do người ngoài nước sở hữu.

Tóm lại: trong tiến trình lịch sử của mình, nước Mĩ đôi lúc có cán cân tài sản âm nhẹ đối với phần còn lại của thế giới, đôi lúc dương nhẹ, nhưng cán cân tài sản này luôn có tầm quan trọng tương đối hạn chế so với khối lượng vốn do người Mĩ sở hữu (luôn dưới 5% và nói chung dưới 2%).

[sau] [trước] [lên mức trên]