[sau] [trước] [lên mức trên]

Trước khi nghiên cứu cụ thể hơn về pha tăng lên của tỉ số vốn/thu nhập trong nửa sau của thế kỉ 20 và phân tích các viễn cảnh cho thế kỉ 21 (ta sẽ đề cập trong chương tiếp theo), giờ đã đến lúc ta vượt qua khuôn khổ Châu Âu và xem xét các dạng và mức độ của đồng vốn tại Châu Mĩ.

Nhiều sự thật bật ra rất rõ ràng. Đầu tiên, Châu Mĩ - Thế giới Mới - là nơi mà đồng vốn không hệ trọng như ở Thế giới Cũ, tức là Châu Âu già cỗi. Chính xác hơn, giá trị dự trữ vốn quốc gia, dựa theo nhiều ước lượng được thực hiện trước đây (mà chúng tôi đã tập hợp và đối chiếu với nhau như đã làm cho các nước khác), đạt suýt soát hơn ba năm thu nhập quốc gia vào thời điểm nước Mĩ tuyên bố Độc lập, khoảng năm 1770-1810. Giá trị đất nông nghiệp chiếm khoảng từ một năm đến một năm rưỡi thu nhập quốc gia (xem biểu đồ G4.6). Bất kể những sự không chắc chắn trong các phép đo, không nghi ngờ gì là tỉ số vốn/thu nhập thời đó tại các thuộc địa Châu Mĩ thấp hơn tại Liên hiệp Anh và Vương quốc Pháp rất nhiều (tại hai nước này vốn quốc gia bằng khoảng bảy năm thu nhập quốc gia, trong đó đất nông nghiệp chiếm khoảng bốn năm thu nhập quốc gia - xem biểu đồ G3.1-G3.2).


PIC
Biểu đồ G4.6: Đồng vốn tại Mĩ giai đoạn 1770-2010

Điểm cốt yếu là Bắc Mĩ tất nhiên có nhiều đất nông nghiệp theo đầu người hơn Châu Âu già cỗi. Vì vậy, theo số lượng, Bắc Mĩ có nhiều vốn theo đầu người hơn. Nhưng chính vì nó có quá nhiều mà giá trị thị trường của đất đai bị giảm xuống mức rất thấp: ai cũng sở hữu lượng đất đai khổng lồ, nên đất đai không có giá trị mấy. Nói cách khác, hiệu ứng giá cả15 còn mạnh hơn hiệu ứng khối: một khi mà số lượng của một loại vốn nhất định vượt qua ngưỡng nào đó, không tránh khỏi là giá của nó sẽ rớt xuống mức thấp đến nỗi mà tích của hai số trên, nghĩa là giá trị của vốn, sẽ thấp hơn giá trị tương ứng với một số lượng chừng mực hơn.

Khoảng cách đáng kể giữa giá đất đai tại Thế giới Mới và tại Châu Âu cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19 cũng được xác nhận trong tất cả các số liệu lịch sử hiện có về các giao dịch hay chuyển đổi đất nông nghiệp (ví dụ các danh mục tài sản lúc qua đời hoặc các giấy khai thừa kế.

Việc các loại vốn khác (nhà ở và các loại vốn trong nước khác) cũng ở mức tương đối thấp tại Mĩ vào thời thuộc địa và thời điểm khai sinh ra nước Cộng hòa Mĩ thể hiện một logic khác, nhưng cũng không gây ngạc nhiên lắm. Những người nhập cư mới đến - chiếm phần lớn dân số Mĩ thời đó - đã không vượt Đại Tây Dương với vốn nhà ở và máy móc, và cần phải có thời gian để họ tích lũy được một số vốn bất động sản và thiết bị nghề nghiệp tương đương nhiều năm thu nhập quốc gia.

Xin nhắc lại để tránh nhầm lẫn: mức thấp của tỉ số vốn/thu nhập tại Châu Mĩ thể hiện những khác biệt cơ bản trong cấu trúc bất bình đẳng xã hội so với Châu Âu. Việc toàn bộ tài sản chỉ đạt gần ba năm thu nhập quốc gia tại Mĩ, so với hơn bảy năm tại Châu Âu, có nghĩa rất cụ thể là trọng lượng của các chủ sở hữu và các tài sản tích lũy trong quá khứ tại Thế giới Mới không lớn như tại Châu Âu. Tại Châu Mĩ, chỉ vài năm lao động và sản xuất là khoảng cách tài sản ban đầu giữa các nhóm xã hội có thể được san bằng - hoặc ít ra san bằng nhanh hơn so với Châu Âu.

Vào năm 1840, Tocqueville đã viết rất chuẩn là “số lượng các gia sản lớn là rất ít ỏi tại Mĩ, và vốn vẫn còn hiếm”, và thấy ở đó một trong những nguồn gốc rõ ràng nhất cho tinh thần dân chủ mà theo ông đang ngự trị tại Châu Mĩ. Ông viết thêm là mọi việc đều đến từ giá đất nông nghiệp thấp: “Tại Châu Mĩ, đất đai rất rẻ, và ai cũng có thể trở thành chủ đất16.”. Đây là lí tưởng kiểu Jefferson về một xã hội của các chủ đất nhỏ, tự do và bình đẳng.

Tình hình trên đã tiến triển trong thế kỉ 20. Phần đóng góp của nông nghiệp trong tổng sản lượng dần giảm sút; và giống như tại Châu Âu, giá trị đất nông nghiệp ngày càng thấp hơn. Nhưng nước Mĩ đã dự trữ được một khối vốn bất động sản và công nghiệp đáng kể, thành thử đến năm 1910 vốn quốc gia đã đạt gần năm năm thu nhập quốc gia, so với ba năm vào năm 1810. Khoảng cách với Châu Âu già cỗi vẫn còn đó, nhưng đã được giảm đi đáng kể: hai lần trong vòng một thế kỉ (xem biểu đồ G4.6). Chủ nghĩa vốn đã xuất hiện ở Châu Mĩ, nhưng tài sản tại nước Mĩ vẫn nhẹ kí hơn tại Châu Âu của Thời Tươi đẹp - ít nhất khi xét trên phạm vi toàn bộ lãnh thổ bao la của Mĩ. Nếu chỉ giới hạn ở bờ Đông, ta thấy khoảng cách giữa Mĩ và Châu Âu còn nhỏ hơn. Trong bộ phim Titanic, nhà làm phim James Cameron đã dựng lại cấu trúc xã hội năm 1912. Ông đã cho xuất hiện những người sở hữu tài sản người Mĩ mà sự giàu có (cũng như sự kiêu ngạo và tính khinh người) có vẻ đã bắt kịp giới chủ Châu Âu, dưới hình ảnh nhân vật đáng ghét Hockley, kẻ đã có ý đồ dẫn cô Rose về Phiadelphia để cưới làm vợ (rất anh dũng, Rose không chấp nhận bị đối xử như một món của cải và đã trở thành bà Rose Dawson). Các tiểu thuyết của Henry James, lấy bối cảnh Boston và New York trong những năm 1880-1910, đã tái hiện những xã hội mà bất động sản, tài sản công nghiệp và tài chính cũng quan trọng không kém so với trong các tiểu thuyết Châu Âu: thời thế đã thay đổi nhiều kể từ một Châu Mĩ không vốn thời Độc lập.

Những cú sốc của thế kỉ 20 không ảnh hưởng đến Châu Mĩ một cách tàn khốc như Châu Âu. Vì vậy tỉ số giữa vốn quốc gia và thu nhập quốc gia tại Mĩ ổn định hơn nhiều: nó dao động quanh mức từ bốn đến năm năm từ năm 1910 đến năm 2010 (xem biểu đồ G4.6), trong khi tại Châu Âu nó đi từ hơn bảy năm xuống dưới ba năm, trước khi lên lại năm-sáu năm (xem biểu đồ G3.1-G3.2).


PIC
Biểu đồ G4.7: Của cải công cộng tại Mĩ giai đoạn 1770-2010

Dĩ nhiên, tài sản của Mĩ cũng chịu những hậu quả gián tiếp từ các cuộc khủng hoảng những năm 1914-1945. Nợ công cộng tại Mĩ tăng tiến rất mạnh do các cuộc chiến tranh - chủ yếu trong giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ hai - điều đã ảnh hưởng đến tiết kiệm quốc gia; tất cả diễn ra trong một hoàn cảnh kinh tế không ổn định: tiếp nối vào thời kì phấn chấn những năm 1920 là cuộc khủng hoảng những năm 1930 (theo Cameron, tên Hockley bỉ ổi đã tự vẫn ngay tháng 10 năm 1929). Ngoài ra, nước Mĩ dưới thời Roosevelt đã triển khai cùng loại chính sách công cộng như tại Châu Âu nhằm giảm thiểu trọng lượng của vốn cá nhân, ví dụ như giám sát giá thuê nhà. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mức độ vốn hóa bất động sản cũng như vốn hóa chứng khoán đã xuống mức thấp lịch sử. Về chính sách thuế tăng dần, Mĩ thậm chí còn đi xa hơn Châu Âu rất nhiều, bằng chứng cho thấy mối lo của Mĩ chủ yếu là giảm thiểu bất bình đẳng hơn là xóa bỏ quyền sở hữu cá nhân (ta sẽ trở lại điểm này sau). Không có chính sách quốc gia hóa tài sản ồ ạt nào được triển khai. Tuy nhiên các khoản đầu tư công cộng lớn đã được tung ra kể từ những năm 1930-1940, chủ yếu trong cơ sở hạ tầng. Sự phồng giá cả và sự tăng trưởng kinh tế cuối cùng cũng đã kéo nợ công cộng về mức khiêm tốn trong những năm 1950-1960, do đó tài sản công cộng đạt mức dương rõ rệt vào năm 1970 (xem biểu đồ G4.7). Kết quả là, tài sản cá nhân của Mĩ đã giảm từ gần năm năm thu nhập quốc gia năm 1930 xuống dưới ba năm rưỡi vào năm 1970. Đây dù sao cũng là một sự giảm sút không nhỏ (xem biểu đồ G4.8).


PIC
Biểu đồ G4.8: Vốn cá nhân và công cộng tại Mĩ giai đoạn 1770-2010

Thế nhưng đường cong hình chữ U của tỉ số vốn/thu nhập tại Mĩ thế kỉ 20 vẫn có biên độ nhỏ hơn rõ rệt so với Châu Âu. Tính theo số năm thu nhập hoặc sản lượng tương đương, vốn tại Châu Mĩ có vẻ gần như ổn định kể từ đầu thế kỉ 20 - đến mức mà sự ổn định của tỉ số vốn/thu nhập hay vốn/sản lượng đôi khi được xem như một qui luật phổ quát trong các giáo trình kinh tế Mĩ (chẳng hạn giáo trình của Samuelson). So với Châu Mĩ, vốn tại Châu Âu trong thế kỉ vừa qua đã trải qua những thời kì quá đỗi hỗn loạn, nhất là vốn cá nhân: nó đã đi từ một xã hội Thời Tươi đẹp khi mà tài sản là thống soái sang một xã hội thời sau chiến tranh mà người ta những tưởng chủ nghĩa đồng vốn đã gần như bị xóa sổ, rồi đến thời đầu thế kỉ 21 - lúc mà Châu Âu dường như đang ở vị trí tiền tiêu của chủ nghĩa đồng vốn coi trọng tài sản mới - với mức tài sản cá nhân một lần nữa vượt qua mức của Mĩ. Ta sẽ thấy trong chương sau rằng điều này có thể được giải thích bởi sự tăng trưởng kinh tế và nhất là dân số chậm đặc trưng của Châu Âu so với Châu Mĩ, điều này tự khắc dẫn đến việc của cải tích lũy trong quá khứ sẽ có trọng lượng lớn hơn tại Châu Âu. Nhưng dù thế nào chăng nữa, sự thực là Châu Mĩ đã có tỉ số vốn/thu nhập ổn định hơn Châu Âu rất nhiều trong thế kỉ vừa qua; điều giải thích tại sao công luận Mĩ có vẻ có một mối quan hệ dung hòa hơn với chủ nghĩa vốn.

15: người dịch. Nguyên bản: effet de prix.
16: Xem A. de Tocqueville, Về dân chủ tại Châu Mĩ, tập 2 (1840), phần 2, chương 19, và phần 3, chương 6.

[sau] [trước] [lên mức trên]