[sau] [trước] [lên mức trên]
Giờ tiến trình chung của tỉ số vốn/thu nhập và của sự phân chia công cộng-cá nhân trong giai đoạn dài đã được hiểu rồi; ta sẽ đi tiếp theo dòng lịch sử, đặc biệt ta sẽ tìm hiểu những lí do dẫn đến sự sụp đổ rồi sự tăng lên ngoạn mục sau đó của tỉ số vốn/thu nhập trong thế kỉ 20.
Ta hãy nói rõ ngay rằng đó là một hiện tượng chung cho toàn bộ các nước Châu Âu. Tất cả các nguồn số liệu hiện có đều chỉ ra rằng những tiến trình quan sát được tại Liên hiệp Anh, tại Pháp và tại Đức (chỉ ba nước này đã chiếm hơn hai phần ba tổng SPTTN của khu vực Tây Âu vào năm 1910 cũng như vào năm 2010, và chúng chiếm hơn một nửa tổng SPTTN của khu vực Châu Âu) là tiêu biểu cho toàn bộ châu lục, dĩ nhiên mỗi nước có những khác biệt thú vị riêng, nhưng tất cả đều theo đi theo một lược đồ chung. Đặc biệt, tại Ý và tại Tây Ban Nha ta cũng thấy tỉ số vốn/thu nhập tăng lên rất nhanh kể từ năm 1970, và các số liệu lịch sử hiện có gợi ý rằng tỉ số vốn/thu nhập vào Thời Tươi đẹp tại hai nước trên là vào khoảng sáu-bảy năm thu nhập quốc gia. Những ước lượng hiện có cho Bỉ, Hà Lan, Áo cũng có cùng xu hướng như vậy10.
Tiếp đến ta phải nhấn mạnh rằng sự phá hủy vật lí do chiến tranh gây ra trên vốn (phá hủy tòa nhà, nhà máy, thiết bị v.v) chỉ giải thích được một phần nhỏ cho sự sụp đổ của tỉ số vốn/thu nhập trong giai đoạn 1914-1945. Tại Liên hiệp Anh cũng như tại Pháp và tại Đức, giá trị vốn quốc gia chiếm từ sáu năm rưỡi đến bảy năm thu nhập quốc gia năm 1913, rồi xuống khoảng hai năm rưỡi thu nhập quốc gia, năm 1950, tức là một sự giảm sút ngoạn mục hơn bốn năm thu nhập quốc gia (xem biểu đồ G4.4-G4.5). Những phá hủy vật lí lên vốn dĩ nhiên là rất đáng kể, đặc biệt là tại Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (khu vực tiền tuyến tại miền Đông Bắc nước Pháp đã bị tàn phá nặng nề), Pháp và Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai dưới các cuộc ném bom dữ dội năm 1944-1945 (các trận đánh ngắn hơn thời 1914-1918, nhưng công nghệ đã nâng tính phá hủy lên cao hơn hẳn). Toàn bộ sự phá hủy được đánh giá gần một năm thu nhập quốc gia tại Pháp (tương đương từ một phần năm đến một phần tư của toàn bộ sự giảm sút tỉ số vốn/thu nhập), và một năm rưỡi tại Đức (tương đương khoảng một phần ba của toàn bộ sự giảm sút). Vì vậy, những sự phá hủy vật lí, mặc dù rất đang kể, cũng chỉ giải thích được một phần nhỏ của sự giảm sút tỉ số vốn/thu nhập, kể cả tại hai nước bị ảnh hưởng chiến tranh nặng nề nhất. Tại Liên hiệp Anh, những sự phá hủy vật lí so với hai nước trên là hạn chế hơn - bằng 0 trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, và thấp hơn 10% thu nhập quốc gia trong Chiến tranh thế giới thứ hai (do các cuộc ném bom của Đức) - nhưng điều đó vẫn không ngăn được vốn quốc gia rớt xuống mất bốn năm thu nhập quốc gia (hơn những sự phá hủy vật lí bốn mươi lần), bằng với mức tại Pháp và tại Đức.
Trên thực tế, các cú sốc ngân sách và chính trị do chiến tranh gây ra có hiệu ứng phá hủy vốn còn lớn hơn cả chính các trận đánh. Ngoài sự phá hủy vật lí, những nhân tố chính giải thích cho sự giảm sút chóng mặt của tỉ số vốn/thu nhập từ năm 1913 đến năm 1950 là những nhân tố sau: thứ nhất là sự sụp đổ của các danh mục tài sản ngoài nước và mức tiết kiệm rất thấp đặc trưng cho giai đoạn này (hai nhân tố này cùng với sự phá hủy vật lí giải thích từ hai phần ba đến ba phần tư của toàn bộ sự giảm sút), và thứ hai là mức giá tài sản thấp trong hoàn cảnh chính trị mới với quyền sở hữu pha trộn và kiểm soát quyền sở hữu thời sau chiến tranh (giải thích từ một phần tư đến một phần ba của toàn bộ sự giảm sút).
Ở trên ta đã nhắc tới độ lớn của sự mất mát tài sản ngoài nước, nhất là tại Liên Hiệp Anh, nước mà vốn ngoài nước nét đã giảm từ gần hai năm thu nhập quốc gia ngay trước Chiến tranh thế giới thứ nhất xuống mức âm nhẹ trong những năm 1950. Tức là sự giảm sút của các danh mục tài sản quốc tế tại Liên hiệp Anh lớn hơn hẳn những sự phá hủy vật lí lên vốn trong nước tại Pháp hay Đức, và ăn đứt những phá hủy ít ỏi xảy ra trên đất Anh.
Sự giảm sút của vốn ngoài nước được giải thích một mặt bằng sự trưng thu tài sản diễn ra trong các cuộc cách mạng và các quá trình giải phóng thuộc địa (ta có thể nghĩ tới ví dụ các giấy ghi nợ của Nga, loại tài sản được những người tiết kiệm của Pháp vào Thời Tươi đẹp kí mua rất nhiều, sau đó bị những người Bolshevik từ chối chi trả; rồi sự quốc gia hóa kênh đào Suez bởi chính quyền Nasser năm 1956, dưới con mắt tức giận của những người giữ phiếu góp vốn Anh và Pháp, những người từng sở hữu kênh đào này và từng lĩnh tiền lợi nhuận trên vốn góp và tiền phí suốt từ năm 1869), và mặt khác, quan trọng hơn, bởi mức tiết kiệm quốc gia rất thấp tại các nước Châu Âu từ năm 1914 đến năm 1945 - việc đã khiến những người tiết kiệm Anh và Pháp phải bán dần tài sản ngoài nước của mình đi (tại Đức tình hình có vẻ nhẹ nhàng hơn chút). Tăng trưởng chậm và suy thoái lặp đi lặp lại, những năm 1914-1945 là một giai đoạn đen tối đối với tất cả những người Châu Âu, đặc biệt là đối với những người sở hữu tài sản - những người mà thu nhập không còn được dồi dào như Thời Tươi đẹp nữa. Vì thế tỉ lệ tiết kiệm cá nhân đã xuống khá thấp (nhất là khi trừ đi chi phí sửa chữa và thay thế các thiệt hại chiến tranh), và để duy trì mức sống như cũ một số người đã quyết định bán dần dần một phần tài sản của mình. Những vụ sụp đổ từ cuộc khủng hoảng những năm 1930 cũng làm nhiều người giữ phiếu góp vốn và ôm giấy ghi nợ sạt nghiệp.
Số tiền tiết kiệm cá nhân ít ỏi lại bị thiếu hụt ngân sách khổng lồ nuốt hết, nhất là trong các cuộc chiến tranh: tiết kiệm quốc gia, tổng của tiết kiệm cá nhân và tiết kiệm công cộng, ở mức cực kì thấp tại Liên hiệp Anh cũng như tại Pháp và tại Đức từ năm 1914 đến năm 1945. Những người tiết kiệm cho chính phủ vay vô tội vạ, đôi khi bán cả tài sản ngoài nước của mình. Các khoản vay này cuối cùng lại bị trưng thu hết thông qua phồng giá cả: quá trình trưng thu diễn ra rất nhanh tại Pháp và tại Đức, chậm hơn tại Liên hiệp Anh. Điều này gây cảm tưởng rằng tài sản cá nhân của Anh trụ vững vàng hơn tài sản cá nhân của các nước Châu Âu lục địa. Nhưng trên thực tế, tài sản quốc gia đều bị ảnh hưởng như nhau trong cả hai trường hợp (xem biểu đồ G4.4-G4.5). Đôi khi các chính phủ11 vay trực tiếp từ ngoài nước: chính nhờ vậy mà nước Mĩ từ mức tài sản âm ngay trước Chiến tranh thế giới thứ nhất đã lên mức tài sản dương trong những năm 1950; và tài sản quốc gia của Liên hiệp Anh hoặc của Pháp đã giảm từ dương xuống âm đúng bằng như vậy12.
Tóm lại, sự giảm sút của tỉ số vốn/thu nhập từ năm 1913 đến năm 1950 là câu chuyện về sự tự sát của Châu Âu, và cá biệt là về cái chết êm ái của những người Châu Âu có vốn.
Tuy nhiên, lịch sử chính trị, quân sự và ngân sách nói trên sẽ không thật đầy đủ nếu ta không nói đến việc tỉ số vốn/thu nhập thời sau chiến tranh tại Châu Âu ở mức thấp như vậy phần nào là một lựa chọn tích cực: tỉ số này phản ánh một phần các lựa chọn chính sách công cộng nhằm giảm thiểu giá trị thị trường của tài sản và quyền lực kinh tế của những người sở hữu chúng (chưa bàn đến việc nó có được quyết định một cách có ý thức hay không, và hiệu quả của nó đến đâu). Cụ thể hơn, giá bất động sản cũng như giá doanh nghiệp đã xuống mức thấp lịch sử trong những năm 1950-1960 khi so sánh với giá hàng hóa và dịch vụ, và điều này phần nào giải thích cho việc tỉ số vốn/thu nhập cũng ở mức rất thấp. Nhắc lại là tất cả các dạng tài sản luôn được định giá theo giá trị trường hiện hành thời đó. Phương pháp định giá này có phần hơi tùy tiện (thị trường hay thất thường), nhưng đó là phương pháp duy nhất mà ta có để tính dự trữ vốn quốc gia: nếu không thì làm thế nào để cộng hectare nông nghiệp vào mét vuông nhà cửa hay lò luyện kim.
Thế mà giá nhà thời sau chiến tranh lại ở mức thấp lịch sử. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách giữ giá thuê nhà được triển khai tại gần như tất cả mọi nơi trong những giai đoạn giá cả phồng to (xảy ra vào đầu những năm 1920, và mạnh hơn trong những năm 1940). Tiền thuê nhà đã tăng chậm hơn các giá cả khác. Chi phí nhà ở trở nên rẻ hơn đối với những người đi thuê nhà, ngược lại nhà cho thuê đem về ít thu nhập hơn cho những người sở hữu, chính vì thế mà giá bất động sản đã giảm xuống. Cũng giống như vậy, giá doanh nghiệp, nghĩa là giá trị phiếu góp vốn và phần sở hữu các công ti niêm yết hoặc không niêm yết, đã ở mức tương đối thấp trong những năm 1950-1960. Ngoài việc lòng tin đối với thị trường chứng khoán đã bị lung lay mạnh bởi cuộc khủng hoảng những năm 1930 và bởi các cuộc quốc gia hóa tài sản thời sau chiến tranh, các chính sách mới về giám sát tài chính và thuế đánh trên lợi nhuận hoặc lợi nhuận trên vốn góp cũng đã được triển khai - điều này đã góp phần làm giảm quyền lực của những người giữ phiếu góp vốn và giá trị tài sản của họ.
Những ước lượng chi tiết mà ta vừa thực hiện cho Liên hiệp Anh, Pháp và Đức chỉ ra rằng mức giá thấp của bất động sản và chứng khoán thời sau chiến tranh giải thích một phần không bỏ qua được - mặc dù vẫn khá nhỏ - trong sự giảm sút của tỉ số vốn quốc gia/thu nhập quốc gia từ năm 1913 đến năm 1950: từ một phần tư đến một phần ba của toàn bộ sự giảm sút tùy từng nước, trong khi các hiệu ứng khối13 (tiết kiệm quốc gia thấp, mất tài sản ngoài nước, phá hủy) chiếm từ hai phần ba đến ba phần từ toàn bộ sự giảm sút14. Cũng như vậy, ta sẽ thấy trong chương tiếp theo rằng sự tăng mạnh của giá bất động sản và chứng khoán kể từ những năm 1970-1980, nhất là trong những năm 1990-2000, giải thích một phần đáng kể sự tăng lên của tỉ số vốn/thu nhập - mặc dù một lần nữa vẫn không lớn bằng các hiệu ứng khối, lần này là do sự rớt xuống có tính cấu trúc của tỉ lệ tăng trưởng.
[sau] [trước] [lên mức trên]