[sau] [trước] [lên mức trên]
Tỉ lệ lãi thuần túy trên vốn (tức là khoản tiền mà vốn sinh ra hàng năm sau khi trừ đi tất cả các chi phí quản lí và thời gian bỏ ra để quản lí danh mục tài sản, dưới tất cả các dạng) được tính như thế nào, và tại sao nó lại xuống nhẹ trên giai đoạn rất dài, từ xấp xỉ 4%-5% vào thời Balzac và Jane Austen về khoảng 3%-4% hiện nay?
Trước khi thử tìm cách trả lời câu hỏi trên, có một vấn đề quan trọng mà ta phải làm sáng rõ luôn. Một số bạn đọc có thể thấy rằng tỉ lệ lãi trung bình 3%-4% hiện hành vào đầu những năm 2010 là khá lạc quan, so với tỉ lệ lãi thấp thê thảm mà các bạn được lĩnh trên số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình. Nhiều điểm cần được nói chính xác.
Đầu tiên, các mức trình bày trong biểu đồ G6.3-G6.4 tương ứng với các tỉ lệ lãi trước tất cả các loại thuế. Nói cách khác, đó là những khoản tiền lãi mà người sở hữu vốn sẽ thu được (trên một số lượng vốn cho trước) nếu không tồn tại bất kì một dạng thuế đánh trên vốn và trên thu nhập nào. Ta sẽ thảo luận kĩ càng trong phần cuối của sách về vai trò của các loại thuế kể trên trong quá khứ, và chúng có thể đóng thêm vai trò gì trong tương lai trong tình hình cạnh tranh chính sách thuế rất khốc liệt giữa các Nhà nước. Vào lúc này, ta hãy tạm hài lòng ghi nhớ rằng vào thế kỉ 18 và thế kỉ 19 sức ép thuế má nói chung là gần như không đáng kể, trong khi đó sức ép này là cao hơn rõ rệt vào thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21. Do đó, xét trong giai đoạn dài, tỉ lệ lãi trung bình sau thuế đã giảm nhiều hơn tỉ lệ lãi trung bình trước thuế. Hiện nay, nếu ta áp dụng các chiến lược tối ưu hóa tiền thuế, mức thuế đánh trên vốn và trên thu nhập dĩ nhiên có thể là khá thấp (một số nhà đầu tư có biệt tài thuyết phục thậm chí còn giành được tiền trợ cấp), nhưng trong đa số trường hợp mức thuế đó là rất đáng kể. Đặc biệt, ta nên biết là có rất nhiều loại thuế chứ không phải chỉ có thuế thu nhập: ví dụ thuế đất làm giảm hẳn tiền lãi trên vốn bất động sản, và thuế doanh nghiệp tương tự như vậy cũng làm giảm thu nhập từ vốn tài chính đầu tư vào các doanh nghiệp. Chỉ khi toàn bộ các loại thuế được xóa bỏ - điều này có thể xảy ra một ngày nào đó, nhưng chắc phải còn lâu nữa - thì tỉ lệ lãi trên vốn mà người chủ sở hữu thật sự nhận được mới đạt đến các mức như trong biểu đồ G6.3-G6.4. Tính tất cả các loại thuế, tỉ lệ thuế trung bình mà thu nhập từ vốn phải gánh hiện nay vào khoảng 30% tại phần lớn các nước giàu. Đó là lí do đầu tiên dẫn đến cách biệt lớn giữa tỉ lệ lãi thuần túy kinh tế và tỉ lệ lãi mà những người liên quan thật sự nhận được.
Điểm thứ hai mà ta phải nhắc lại là tỉ lệ lãi thuần túy khoảng 3%-4% nói trên là một số trung bình, tức là đã cào bằng nhiều chênh lệch rất lớn. Đối với những người chỉ có chút tiền tiết kiệm trong tài khoản làm vốn, tỉ lệ lãi là âm, bởi lẽ các khoản tiền đó không có lãi gì cả, và mỗi năm lại bị phồng giá cả gậm nhấm. Sổ tiết kiệm hay tài khoản tiết kiệm sinh lãi chỉ hơn phồng giá cả tí xíu9. Nhưng điều đáng chú ý là mặc dù những người trên rất đông đảo về số lượng, những gì họ sở hữu lại tương đối hạn chế về khối lượng. Ta nhớ lại rằng tài sản tại các nước giàu hiện nay được chia thành hai nửa tầm tầm bằng nhau: bất động sản và tài sản tài chính. Trong nội bộ tài sản tài chính: phiếu góp vốn, giấy ghi nợ và tiền gửi, sổ tiết kiệm và hợp đồng tài chính dài hạn (ví dụ như kiểu bảo hiểm nhân thọ hay lương hưu) chiếm gần như toàn bộ khối lượng tài sản. Tiền giữ trong tài khoản thông dụng không lấy lãi nói chung chiếm tương đương với 10%-20% thu nhập quốc gia, tức là chiếm nhiều nhất 3%-4% tổng tài sản (xin nhắc lại là tổng tài sản chiếm từ 500% đến 600% thu nhập quốc gia). Nếu ta cộng thêm vào đó các sổ tiết kiệm, thì ta cũng chỉ thu được không hơn 30% thu nhập quốc gia mấy, tức là suýt soát hơn 5% tổng tài sản10. Việc các tài khoản thông dụng và sổ tiết kiệm chỉ mang lại các khoản lãi còm hiển nhiên không phải là chuyện nhỏ đối với những người liên quan. Nhưng dưới góc độ tỉ lệ lãi trung bình trên vốn, việc này tựu chung lại chỉ có tầm ảnh hưởng khá hạn chế mà thôi.
Dưới góc độ lãi trung bình, ta nên để ý hơn đến giá trị tiền thuê hàng năm của bất động sản nhà ở (một nửa tổng tài sản): nó đạt nói chung khoảng 3%-4% giá trị của bất động sản đang xét. Một căn hộ có giá trị 500000 euro mang lại chẳng hạn 15000-20000 euro tiền thuê một năm (quanh mức 1500 euro một tháng), hoặc giúp tiết kiệm một khoản tiền thuê như vậy đối với những người chọn ở luôn tại đó (đằng nào cũng như nhau). Điều trên cũng đúng với các bất động sản có giá trị khiêm tốn hơn: một căn hộ có giá 100000 euro mang lại (hay giúp tiết kiệm) một khoản tiền thuê khoảng 3000 euro hay 4000 euro một năm, thậm chí cao hơn (như ta đã nhắc tới, tỉ lệ lãi đôi khi đạt tới 5% đối với những bất động sản diện tích nhỏ). Tỉ lệ lãi thu được trên các khoản đầu tư tài chính (thường chiếm phần áp đảo trong các gia sản lớn) còn cao hơn nữa. Chính tập hợp các khoản đầu tư nói trên - bất động sản và tài chính (chiếm phần chủ yếu trong khối tài sản cá nhân) - đã kéo tỉ lệ lãi trung bình cao lên.
[sau] [trước] [lên mức trên]