[sau] [trước] [lên mức trên]

Để hoàn chỉnh, nói thêm là tài sản cá nhân bao gồm không chỉ tài sản và nợ do các cá nhân sở hữu (các “hộ gia đình” theo ngôn ngữ kế toán), mà còn cả tài sản và nợ do các quĩ phi lợi nhuận và các hiệp hội phi lợi nhuận khác (các “thể chế phi lợi nhuận” theo ngôn ngữ kế toán). Chỉ có các quĩ phi lợi nhuận và các hiệp hội được bao cấp chủ yếu bằng tiền quyên góp của các cá nhân hay bằng thu nhập từ tài sản của mình là được xếp vào loại nói trên: các tổ chức sống chủ yếu bằng trợ cấp công cộng được xếp vào khu vực hành chính công cộng, và các tổ chức phụ thuộc vào doanh thu từ bán hàng được xếp vào khu vực doanh nghiệp.

Trên thực tế, tất cả các biên giới nói trên đều xê dịch và bồng bềnh. Có gì đó tùy tiện trong việc bao gồm tài sản của các quĩ phi lợi nhuận vào tổng tài sản cá nhân, chứ không phải ví dụ là vào tổng tài sản công cộng, hay là xem nó như một loại riêng rẽ. Thực ra, đó đúng là một dạng sở hữu khá độc đáo, ở giữa sở hữu thuần túy cá nhân và sở hữu hoàn toàn công cộng. Trên thực tế, dù ta xem xét tài sản của Nhà thờ qua suốt các thế kỉ, hay tài sản do Thầy thuốc không biên giới sở hữu, hoặc của Bill and Melinda Gates Foundation, ta đều thấy ở đó rất nhiều đại diện pháp lí đa dạng theo đuổi các mục đích chuyên biệt.

Tuy nhiên, khối tài sản nói trên là tương đối hạn chế: những gì các đại diện pháp lí này sở hữu nói chung là khá ít so với tài sản do chính chủ nắm giữ. Nếu ta xem xét các ước lượng hiện có tại các nước giàu trong giai đoạn 1970-2010, ta thấy phần đóng góp của các quĩ phi lợi nhuận và các hiệp hội phi lợi nhuận khác trong tổng tài sản cá nhân luôn thấp hơn 10%, nhìn chung là dưới 5% (tất nhiên có những khác biệt thú vị giữa các nước: suýt soát 1% tại Pháp, khoảng 3%-4% tại Nhật, và lên tới 6%-7% tổng tài sản cá nhân tại Mĩ) và không có xu hướng rõ rệt nào cả. Các số liệu lịch sử hiện có chỉ ra rằng tổng giá trị tài sản của Nhà thờ tại Pháp vào thế kỉ 18 đạt khoảng 7%-8% tổng tài sản cá nhân, tức là xấp xỉ 50%-60% thu nhập quốc gia thời đó (một phần các tài sản này đã bị tịch thu và bán trong Cách mạng Pháp, nhằm giải tán hết đống nợ công cộng do Chế độ Cũ để lại25). Nói cách khác, vào thời Chế độ Cũ, khối tài sản mà Nhà thờ tích lũy được trong suốt chiều dài lịch sử của nó lớn hơn tài sản của những quĩ phi lợi nhuận giàu có của Mĩ thời đầu thế kỉ 21 này. Nhà thờ giàu hơn, nhưng rất trùng hợp là hai khối tài sản này tương đối gần nhau.

Đó là những khối tài sản rất đáng kể, nhất là khi ta so sánh chúng với lượng tài sản mỏng mảnh - khi thì dương, khi thì âm - thuộc sở hữu của các cơ quan công quyền vào những thời khác nhau. Nhưng so với tài sản cá nhân, nó vẫn khá khiêm tốn. Đặc biệt, việc có cộng hay không tài sản của các quĩ phi lợi nhuận vào tài sản của các hộ gia đình không ảnh hưởng mấy đến tiến trình chung của tỉ số giữa vốn cá nhân và thu nhập quốc gia trong giai đoạn dài. Việc tính các quĩ phi lợi nhuận vào tài sản cá nhân là khá chính đáng còn bởi lẽ: thường không dễ vạch ra đường biên giới rõ ràng giữa một bên là các cấu trúc pháp lí đa dạng - quĩ phi lợi nhuận, trust fund26, v.v - hiện nay được những người có gia tài lớn sử dụng để quản lí tài sản và đẩy mạnh lợi ích cá nhân của họ (các tổ chức này theo nguyên tắc sẽ được gộp trực tiếp vào khu vực cá nhân trong các sổ sách quốc gia, tất nhiên giả sử là chúng được xác định đúng với bản chất của mình), và bên kia là các quĩ phi lợi nhuận và các hiệp hội với danh nghĩa phục vụ lợi ích công cộng. Ta sẽ trở lại bàn về vấn đề tế nhị này trong phần thứ ba của sách khi ta nghiên cứu sự vận động của bất bình đẳng tài sản toàn cầu (đặc biệt là các tài sản rất lớn) tại thế kỉ 21.

25: Xem phụ lục kĩ thuật.
26: người dịch. Một dạng quĩ tài chính được lập ra chủ yếu với mục đích tài trợ và đảm bảo an toàn tài chính cho các cá nhân (ví dụ con cháu trong gia đình) hoặc tổ chức (ví dụ tổ chức từ thiện, phi lợi nhuận).

[sau] [trước] [lên mức trên]