[sau] [trước] [lên mức trên]
Xuất bản năm 1835, Lão Goriot là một trong các tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Balzac. Đó chắc hẳn là một phát biểu văn học ngọn ngành nhất về cấu trúc bất bình đẳng và vai trò trung tâm của thừa kế và tài sản trong xã hội thế kỉ 19.
Động cơ của Lão Goriot rất trong sáng. Là một cựu công nhân mì sợi, lão Goriot đã làm giàu trong nghề bột nhào và buôn bán hạt trong giai đoạn Cách mạng Pháp và Napoléon. Góa vợ, lão đã hi sinh tất cả để gả bằng được hai cô con gái, Delphine và Anastasie, vào xã hội thượng lưu Paris những năm 1810-1820. Lão chỉ giữ lại vừa đủ tiền ăn ở trong một nhà trọ tồi tàn, nơi ông gặp Eugène de Rastignac, quí tộc trẻ tuổi nhưng nhẵn túi từ tỉnh lên Paris học luật. Đầy tham vọng, lại chết vì nghèo, Eugène âm mưu qua một người anh em họ xa thâm nhập vào các salon sang trọng, nơi hay qua lại của giới cầm quyền, giới có nhiều tài sản và tài chính cao cấp thời Bourbon quay lại ngôi vua. Anh ta yêu ngay Delphine, đang bị chồng, nam trước Nucingen, ruồng bỏ. Đó là một tay tài phiệt lợi dụng chính của hồi môn của vợ mình trong rất nhiều phi vụ đầu cơ. Rastignac hết luôn ảo tưởng khi khám phá ra sự vô liêm sỉ của một xã hội hoàn toàn bị tiền lũng đoạn. Anh ta hãi hùng khám phá ra lão Goriot đã bị các con gái bỏ rơi như thế nào; các cô này quá xấu hổ về việc đó và không gặp ông mấy kể từ khi họ có được gia tài của ông ra sao; họ bận bịu bởi sự thành đạt của mình như thế nào. Lão đã chết trong sự cô đơn và khốn khổ nhơ nhuốc. Rastignac một mình tới dự đám tang lão. Nhưng vừa bước chân ra khỏi nghĩa trang Père-Lachaise, gục ngã trước cảnh giàu sang của Paris trải rộng phía xa dọc theo bờ sông Seine, anh ta quyết định dấn thân vào cuộc chinh phục vốn: “Giờ chỉ còn hai ta!”. Khóa học về tình người đã chấm dứt, kể từ nay hắn cũng không có chỗ cho lòng thương cảm.
Thời khắc đen tối nhất trong tiểu thuyết, lúc mà các lựa chọn xã hội và đạo đức mà Rastignac phải đối diện được diễn tả sáng rõ và sống sượng nhất, chắc hẳn là bài diễn thuyết mà Vautrin dành cho hắn vào giữa truyện1. Cũng tá túc trong nhà trọ Vauquer sập sệ, Vautrin là một người dày dạn, nói hay và cuốn hút. Vautrin cũng che đậy quá khứ tù tội nặng trĩu của mình, kiểu như Edmond Dantès trong Bá tước Monte-Cristo hay Jean Valjean trong Những người khốn khổ. Nhưng ngược với hai nhân vật gộp hết là tích cực nói trên, Vautrin rất xấu xa và vô liêm sỉ. Hắn âm mưu lôi kéo Rastignac vào một vụ giết người để cuỗm một gia sản thừa kế. Trước việc đó, hắn đã lên lớp Rastignac bằng một bài diễn thuyết cực kì chính xác và ghê rợn về những số phận khác nhau, những cuộc đời khác nhau đang chờ đợi một người trẻ tuổi như anh ta trong xã hội Pháp thời đó.
Nói gọn, Vautrin giải thích cho Rastignac rằng sự thành đạt qua đường học vấn, tài năng và làm việc là điều ảo tưởng. Hắn dựng lên cho anh ta một bức tranh rõ nét về các đường sự nghiệp nếu anh theo đuổi học vấn, ví dụ trong ngành luật hoặc thuốc, các lĩnh vực tinh túy nhất mà theo nguyên tắc, năng lực nghề nghiệp - chứ không phải gia tài được thừa kế - sẽ ngự trị. Đặc biệt, Vautrin nói rất rõ cho Rastignac về mức thu nhập hàng năm mà anh ta có thể hi vọng nhận được. Kết luận là không có gì phải bàn: thậm chí nằm trong những người có bằng luật tài năng nhất Paris, thậm chí đạt được sự nghiệp sáng sủa nhất trong ngành luật, điều tất nhiên là sẽ đòi hỏi rất nhiều hi sinh, anh ta cũng phải tự hài lòng với mức thu nhập khiêm tốn, và từ bỏ ý định chạm đến sự giàu có thực thụ:
“ Khoảng ba mươi tuổi, nếu anh chưa bỏ cuộc, anh sẽ thành quan tòa với mức lương một nghìn hai trăm franc một năm. Khi anh chạm ngưỡng bốn mươi tuổi, anh sẽ lấy cô nào đó là con gái của một chủ xưởng xay bột lĩnh khoảng sáu nghìn livre tiền cho thuê đất hay tiền lãi. Cám ơn. Nếu có ô dù, anh sẽ thành công tố viên lúc ba mươi tuổi, lương một nghìn écu [năm nghìn franc] một năm, và anh sẽ lấy con gái thị trưởng. Nếu anh dám làm vài thủ đoạn chính trị đê hèn, anh sẽ thành công tố trưởng lúc bốn mươi tuổi. [...] Tôi rất hân hạnh nhắc anh thêm rằng cả nước Pháp chỉ có hai mươi kiểm sát trưởng thôi, và có hai mươi nghìn người như anh đang thèm khát chức vụ này, trong đó có những kẻ dã tâm bán đứng gia đình của mình để leo lên một nấc. Nếu anh ghê tởm nghề này thì ta hãy xem thử nghề khác xem. Nam tước Rastignac muốn làm luật sư? Ồ, quá đẹp. Phải sống khổ sở trong vòng mười năm, tiêu một nghìn franc một tháng, phải có một thư viện, một văn phòng, phải đi lại giao du nhiều, phải bám áo của một ủy nhiệm viên2 để có các vụ kiện, phải khua môi múa mép khắp nơi. Nếu anh thấy dễ chịu với nghề này, tôi không nói là anh không nên theo; nhưng anh hãy tìm cho tôi khắp Paris năm luật sư mà lúc năm mươi tuổi kiếm nhiều hơn năm mười nghìn franc một năm3? ”
Đem so sánh, chiến lược để tiến thân mà Vautrin đề xuất cho Rastignac là hiệu quả hơn tột bậc. Nếu lấy cô Victorine, thiếu nữ ẩn dật sống cùng nhà trọ, người chỉ mê mệt mỗi chàng Eugène hào hoa, anh sẽ tức thì chạm tay vào khối tài sản 1 triệu franc. Điều này sẽ giúp anh lúc vừa tròn 20 tuổi được hưởng 50000 franc tiền lãi hàng năm (khoảng 5% tổng số vốn) và ngay lập tức đạt tới độ sung túc cao hơn mười lần những gì mà một công tố viên có được nhiều năm sau đó (và cao bằng tiền lương lúc 50 tuổi của một vài luật sư Paris giàu có nhất thời đó, sau rất nhiều năm nỗ lực và mưu mô).
Kết luận hiển hiện: không chần chừ phải lấy ngay cô Victorine, gạt qua một bên việc cô không xinh đẹp cũng không quyến rũ lắm. Eugène nuốt từng lời một, cho đến phát súng ân huệ: để cô này, hiện đang không chính danh, được cha mẹ giàu có của cô công nhận và thật sự trở thành người thừa kế của gia sản 1 triệu franc mà Vautrin vừa nói đến, trước hết phải ám sát anh trai cô ta, việc mà tay cựu tù sẵn sàng đảm nhiệm chỉ cần có thù lao. Nhưng thế hơi quá sức Rastignac: dĩ nhiên là anh ta cực kì nhạy cảm trước những lí lẽ của Vautrin về sự vượt trội của thừa kế so với học vấn, nhưng chưa đến độ phạm tới giết người.
[sau] [trước] [lên mức trên]