[sau] [trước] [lên mức trên]
Kinh hoàng nhất trong bài diễn thuyết của Vautrin là sự chính xác của các con số và của bức tranh xã hội mà hắn vẽ ra. Như ta sẽ thấy trong phần sau, theo tình trạng cấu trúc thu nhập và tài sản tại Pháp vào thế kỉ 19, mức độ dư dả mà những người ở trên cùng nấc thang thừa kế có được thực tế là cao hơn rất nhiều so với các thu nhập ở trên cùng nấc thang làm việc. Nếu đã như vậy thì làm việc để làm gì, thậm chí cư xử tử tế để làm gì: bất bình đẳng xã hội xét toàn thể đã là vô đạo đức, không chính đáng rồi, tại sao không đi đến cùng sự không đạo đức để vơ vét vốn bằng mọi phương tiện?
Chi tiết các con số có thế nào đi nữa (rất sát thực tế trong trường hợp đang xét nói riêng), sự kiện trung tâm vẫn là: tại Pháp đầu thế kỉ 19 cũng như Thời Tươi đẹp, làm việc và học vấn không giúp đạt được cùng độ sung túc như thừa kế và thu nhập từ tài sản. Đối với mỗi người thời đó, thực tế này hiển nhiên đến mức, chất chứa đến mức mà Balzac không hề cần đến các số liệu thống kê tiêu biểu, các đường chia mười hay chia một trăm được định nghĩa tỉ mỉ để biết chắc nó là đúng. Ta cũng thấy một thực tế như vậy tại Liên hiệp Anh thế kỉ 18 và thế kỉ 19. Đối với các nhân vật chính của Jane Austen, câu hỏi làm việc còn không hề được đả động: chỉ có tài sản, có được qua thừa kế hoặc hôn nhân, là đáng được tính tới. Nói rộng hơn, tình hình cũng như vậy trong gần như tất cả mọi xã hội cho đến tận Chiến tranh thế giới thứ nhất - thời khắc kết liễu của các xã hội coi trọng tài sản. Một trong những ngoại lệ hiếm hoi là nước Mĩ, hay ít ra là các xã hội nhỏ “tiên phong” tại các bang phía Bắc và phía Tây, nơi không có nhiều vốn thừa kế tại thế kỉ 18 và thế kỉ 19 (tình trạng này không kéo dài lâu). Tại các bang phía Nam (nơi ngự trị một sự pha trộn giữa vốn đất đai và vốn nô lệ), thừa kế cũng nặng đô không kém so với Châu Âu già cỗi. Trong tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió, những người theo đuổi Scarlett O’Hara cũng không trông cậy nhiều hơn Rastignac mấy vào học vấn hay tài năng để bảo đảm sự sung túc tương lai của mình: kích cỡ đồn điền của cha họ - hay của cha vợ họ - quan trọng hơn rất nhiều. Để tỏ rõ sự khinh thường của hắn đối với mọi khái niệm đạo đức, năng lực hay công bằng xã hội, Vaurin nói thêm trong bài diễn thuyết dành cho anh chàng Eugène trẻ tuổi rằng hắn thể nào cũng sống quãng đời cuối như một chủ nô lệ tại phía Nam nước Mĩ và sẽ bơi trong nhung lụa bằng tiền lãi từ nô lệ4. Hiển nhiên là Châu Mĩ mà Tocqueville vẽ ra không cuốn hút tên cựu tù lắm5.
Bất bình đẳng trong thu nhập từ làm việc dĩ nhiên còn xa mới luôn luôn công bằng; và có lẽ cũng là quá trớn khi rút gọn vấn đề công bằng xã hội thành sự so sánh độ lớn tương đối giữa thu nhập từ làm việc và thu nhập từ thừa kế. Mặc dù vậy, niềm tin rằng các bất bình đẳng nên được đến từ lao động và năng lực cá nhân, hay ít ra là niềm hi vọng đặt vào một sự chuyển biến theo hướng đó, là một yếu tố cấu thành nên thể chế hiện đại dân chủ của chúng ta. Thật vậy, ta sẽ thấy là bài diễn văn của Vautrin trong chừng mực nào đó đã không còn đúng nữa, ít nhất là tạm thời, trong các xã hội Châu Âu thế kỉ 20. Trong các thập kỉ sau chiến tranh, tài sản thừa kế đã rút xuống còn rất ít so với thực tế trước đó, và có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, làm việc và học vấn trở thành con đường lên top chắc chắn nhất. Vào thời đầu thế kỉ 21 này, mặc dù đủ loại bất bình đẳng lại nổi lên, và rất nhiều điều hiển nhiên về tiến bộ xã hội và dân chủ đang lung lay, quan điểm rộng rãi và áp đảo - rằng thế giới đã thay đổi tận gốc rễ kể từ thời Vautrin - vẫn được giữ nguyên. Ngày nay có ai khuyên một sinh viên luật trẻ tuổi bỏ học và theo đuổi chiến lược tiến thân như tên cựu tù đã gợi ý? Dĩ nhiên, có thể có những trường hợp hiếm hoi mà chạm tay vào gia sản thừa kế vẫn là chiến lược tốt nhất6. Nhưng có phải đặt cược vào học vấn, lao động và sự thành đạt trong công việc, không chỉ có lợi hơn, mà còn có đạo đức hơn, trong đại đa số các trường hợp không?
Đó chính là hai câu hỏi mà bài diễn thuyết của Vautrin đã dẫn ta tới. Hai câu hỏi mà ta sẽ cố gắng trả lời trong các chương tiếp theo, dựa vào các dữ liệu (không hoàn hảo) mà ta có. Đầu tiên, có chắc chắn là cấu trúc thu nhập từ làm việc và thu nhập từ thừa kế đã chuyển biến kể từ thời Vautrin không, và chuyển biến theo tỉ lệ nào? Tiếp theo và cũng rất quan trọng: giả sử rằng một sự chuyển biến như vậy đã xảy ra, ít nhất là một phần, thì đâu là nguyên do chính xác cho việc đó, và có phải nó không thể đảo ngược không?
[sau] [trước] [lên mức trên]