[sau] [trước] [lên mức trên]
Để có thể trả lời câu hỏi này, đầu tiên ta phải làm quen với các khái niệm liên quan và với các sự kiện lặp đi lặp lại đặc trưng của bất bình đẳng thu nhập từ làm việc và từ vốn trong các xã hội và các thời kì khác nhau. Ta đã thấy trong phần đầu tiên của sách rằng thu nhập luôn có thể được phân tích thành tổng số của thu nhập từ làm việc và thu nhập từ vốn. Thu nhập từ làm việc bao gồm tiền lương (phần chủ yếu), và để cho việc trình bày được đơn giản đôi khi ta dùng bất bình đẳng tiền lương để chỉ bất bình đẳng thu nhập từ làm việc. Thực ra nếu nói một cách hoàn toàn chính xác, thu nhập từ làm việc còn bao gồm thu nhập từ làm việc không lương, loại thu nhập đã từng đóng vai trò chủ yếu trong quá khứ và hiện nay vẫn đóng vai trò không bỏ qua được. Thu nhập từ vốn cũng có thể có các dạng khác nhau: nó tập hợp toàn bộ các thu nhập nhận được với tư cách chủ sở hữu vốn, độc lập với làm việc, bất kể dưới tên gọi pháp lí chính thức nào (tiền thuê nhà, lợi nhuận trên vốn góp, tiền lãi, tiền phí, lợi nhuận, giá trị thêm, v.v).
Theo định nghĩa, bất bình đẳng thu nhập trong mọi xã hội đều là kết quả của hai thành phần sau gộp lại: một mặt là bất bình đẳng thu nhập từ làm việc, và mặt khác là bất bình đẳng thu nhập từ vốn. Mỗi thành phần trong hai thành phần này được phân phối càng bất bình đẳng, thì bất bình đẳng tổng thể càng mạnh. Nói đến cùng, ta hoàn toàn có thể tưởng tượng ra những xã hội mà bất bình đẳng từ làm việc là rất cao và bất bình đẳng từ vốn thấp hơn nhiều, hoặc những xã hội khác mà điều ngược lại đúng, và cuối cùng những xã hội mà hai thành phần trên rất bất bình đẳng hoặc rất bình đẳng.
Nhân tố quyết định thứ ba là sự liên hệ giữa hai chiều nói trên: trong chừng mực nào những người có thu nhập từ làm việc cao cũng có thu nhập từ vốn cao? Sự liên hệ này (gọi là sự tương quan trong thuật ngữ thống kê) càng cao, thì bất bình đẳng tổng thể càng mạnh (tất cả các tham số khác được giữ nguyên). Trong thực tế, sự quan hệ lẫn nhau giữa hai chiều trên thường là yếu hoặc âm trong những xã hội mà bất bình đẳng từ vốn mạnh đến mức nó cho phép chủ sở hữu không phải làm việc (ví dụ, các nhân vật chính của Jane Austen thường quyết định không cần có nghề nghiệp). Hiện nay việc này ra sao, và nó sẽ như thế nào trong thế kỉ tới?
Cũng cần nói thêm là bất bình đẳng thu nhập từ vốn có thể mạnh hơn bản thân bất bình đẳng vốn, nếu những người sở hữu tài sản lớn tìm được cách thu về tỉ lệ lãi trung bình cao hơn tỉ lệ lãi trên các tài sản trung bình và nhỏ. Ta sẽ thấy rằng cơ chế này có thể là tác nhân làm tăng rất mạnh biên độ của bất bình đẳng, đặc biệt là trong thế kỉ sắp tới. Trong trường hợp đơn giản khi tỉ lệ lãi trung bình là như nhau ở tất cả các cấp bậc tài sản, thì mặc nhiên hai bất bình đẳng trên sẽ trùng nhau.
Khi nghiên cứu về bất bình đẳng trong phân bố thu nhập, ta nhất thiết phải phân biệt riêng rẽ tỉ mỉ các chiều và các thành phần khác nhau này, trước hết là vì các lí do chuẩn mực và đạo đức (cách đặt vấn đề về sự chính đáng của bất bình đẳng là rất khác nhau tùy theo đó là bất bình đẳng thu nhập từ làm việc, từ thừa kế hay từ tiền lãi trên vốn), tiếp đến là vì các cơ chế kinh tế, xã hội và chính trị có khả năng giải thích cho các tiến trình lịch sử khác nhau là hoàn toàn phân biệt. Đối với bất bình đẳng thu nhập từ làm việc, các cơ chế chính bao gồm cơ chế cung cấp-nhu cầu đối với người lao động có tay nghề, trạng thái của hệ thống giáo dục, và các luật lệ cũng như thể chế gây ảnh hưởng lên sự vận hành của thị trường lao động và sự hình thành tiền lương. Đối với bất bình đẳng thu nhập từ vốn, các quá trình quan trọng nhất là các lựa chọn tiết kiệm và đầu tư, các luật lệ về chuyển nhượng và thừa kế tài sản, sự vận hành của thị trường bất động sản và tài chính. Thông thường các số đo thống kê về bất bình đẳng thu nhập được các nhà kinh tế học sử dụng và được bàn luận trọng các cuộc tranh luận công chúng là những chỉ số tổng hợp (chẳng hạn như chỉ số Gini): chúng trộn lẫn những thứ rất khác nhau, đáng chú ý là bất bình đẳng từ làm việc và từ vốn, do vậy không thể tách riêng một cách rõ ràng các cơ chế vận động và các chiều hướng đa dạng của bất bình đẳng. Chúng ta ngược lại sẽ cố gắng phân biệt chúng chính xác nhất có thể.
[sau] [trước] [lên mức trên]