[sau] [trước] [lên mức trên]
Trong phần thứ hai của sách, ta đã nghiên cứu sự vận động của tỉ số vốn/thu nhập trên qui mô toàn thể một nước, và sự phân chia tổng quan của thu nhập quốc gia thành thu nhập từ vốn và thu nhập từ làm việc; mà chưa trực tiếp quan tâm tới bất bình đẳng thu nhập và sở hữu tài sản trên qui mô cá thể. Ta đã chủ yếu phân tích tầm quan trọng của các biến cố giai đoạn 1914-1945 để hiểu rõ hơn các biến động của tỉ số vốn/thu nhập và của phân chia vốn-làm việc trong thế kỉ 20; và đã thấy rằng Châu Âu cũng như thế giới vừa mới thoát ra xong khỏi ảnh hưởng của các biến cố đó. Vì vậy mà nhiều người có cảm giác rằng chủ nghĩa vốn coi trọng tài sản - nở rộ vào thời đầu thế kỉ 21 này - là một sự việc hoàn toàn mới mẻ, trong khi thực ra đó phần nhiều là lịch sử lặp lại - đặc trưng của xã hội với tăng trưởng chậm, giống như xã hội thế kỉ 19.
Giờ ta hãy trình bày cụ thể trong phần thứ ba này nghiên cứu về bất bình đẳng và phân bố của cải trên qui mô cá thể. Trong các chương tiếp theo, ta sẽ thấy rằng các cuộc Chiến tranh thế giới và các chính sách công cộng theo sau đã đóng vai trò trung tâm trong quá trình giảm thiểu bất bình đẳng tại thế kỉ 20. Quá trình này không hề tự nhiên và tự phát, ngược lại với các dự báo lạc quan của lí thuyết Kuznets. Ta cũng thấy rằng bất bình đẳng đang tăng lên rất mạnh kể từ những năm 1970-1980. Tuy vậy vẫn có nhiều khác biệt giữa các nước, điều một lần nữa gợi nhắc rằng các thể chế và các chính sách đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình đó. Ta cũng sẽ phân tích tiến trình của độ lớn tương đối giữa thừa kế và thu nhập từ làm việc trong giai đoạn rất dài, dưới góc nhìn vừa lịch sử vừa lí thuyết: niềm tin rộng rãi theo đó sự tăng trưởng hiện đại một cách tự nhiên sẽ ưu đãi làm việc so với thừa kế, năng lực so với số phận - niềm tin đó đến từ đâu, và liệu ta có chắc đến vậy không? Cuối cùng, trong chương cuối của phần thứ ba này, ta sẽ nghiên cứu triển vọng của tiến trình phân bố tài sản trên phạm vi toàn cầu trong các thập kỉ sắp tới: tương lai thế kỉ 21 liệu có bất bình đẳng hơn cả thế kỉ 19 không, hay thậm chí điều đó đã xảy ra rồi? Cấu trúc bất bình đẳng trong thế giới ngày nay thật sự khác biệt so với thời Cách mạng công nghiệp hay trong các xã hội nông thôn truyền thống ở điểm nào? Phần thứ hai đã mang lại một số hiểu biết, nhưng chỉ có phân tích cấu trúc bất bình đẳng trên qui mô cá thể mới cho phép ta trả lời được câu hỏi chính yếu này.
Trước khi đi tiếp theo hướng nghiên cứu này, đầu tiên ta hãy làm quen với các khái niệm và các số độ lớn trước. Ta ghi nhớ rằng bất bình đẳng thu nhập trong mọi xã hội đều có thể được phân tách thành ba số hạng: bất bình đẳng thu nhập từ làm việc; bất bình đẳng sở hữu vốn và thu nhập từ vốn; và mối liên hệ giữa hai loại trên. Bài diễn thuyết lừng danh mà Vautrin dành cho Rastignac trong Lão Goriot có lẽ là lời mở đầu rõ ràng sáng sủa nhất cho chủ đề này.
Bài diễn thuyết của Vautrin
Câu hỏi chính: làm việc hay thừa kế
Bất bình đẳng từ làm việc, bất bình đẳng từ vốn
Phân phối thu nhập từ vốn: luôn bất bình đẳng hơn từ làm việc
Bất bình đẳng và tập trung thu nhập: một vài số độ lớn
Tầng lớp dân dã, tầng lớp trung bình, tầng lớp trên
Đấu tranh của các tầng lớp, hay đấu tranh của các đường chia một trăm?
Bất bình đẳng từ làm việc: bất bình đẳng nhẹ nhàng?
Bất bình đẳng từ vốn: bất bình đẳng cực độ
Điều mới mẻ trọng đại của thế kỉ XX: tầng lớp trung bình về tài sản
Bất bình đẳng toàn thể thu nhập: hai thế giới
Các vấn đề mà các chỉ số tổng hợp đặt ra
Các tài liệu chính thức: vải thưa che mắt thánh
Bàn lại về “bảng xã hội” và về số học chính trị
[sau] [trước] [lên mức trên]