[sau] [trước] [lên mức trên]
Nhân tiện xin nói rõ là cách gọi tên “tầng lớp dân dã” (được định nghĩa là 50% dưới thấp), “tầng lớp trung bình” (40% ở “giữa”, nghĩa là 40% kẹp giữa 50% dưới thấp và 10% trên cao) và “tầng lớp cao” (10% trên cao), mà ta dùng trong bảng T.7.1-T.7.3, hiển nhiên là tùy tiện và có thể gây tranh cãi. Ta đã đưa chúng vào một cách thuần túy minh họa và gợi mở, để cố định ý tưởng, chứ thực ra các thuật ngữ này không đóng vài trò gì trong phân tích của ta cả, và ta hoàn toàn có thể gọi chúng là “tầng lớp A”, “tầng lớp B” và “tầng lớp C”. Ấy vậy mà trong khuôn khổ các cuộc tranh luận công chúng, vấn đề đặt tên thuật ngữ nói chung không phải là hoàn toàn vô tư trong sáng: cách thức mỗi người phân định các tầng lớp thường phản ánh quan điểm chính trị (kín đáo hay lộ liễu) của người đó về tính chính đáng và tính hợp lí của các mức thu nhập và tài sản do các nhóm xã hội khác nhau sở hữu.
Ví dụ, một số người sử dụng thuật ngữ “tầng lớp trung bình” một cách rất rộng lượng: họ chỉ những người nằm rõ rệt trong đường chia mười phía trên của thứ bậc xã hội (10% những người thu nhập cao nhất), thậm chí gần xịt đường chia một trăm phía trên (1% những người thu nhập cao nhất). Nói chung, mục đích là để nhấn mạnh vào việc những người này, mặc dù có thu nhập khá hơn mức trung bình của xã hội đang xét, vẫn không tách xa trung bình lắm: qua đó muốn nói rằng những người này không thật giàu gì và họ hoàn toàn xứng đáng được hưởng sự khoan dung của chính quyền, nhất là của cơ quan thuế.
Một số khác (đôi khi cùng là những người trên) phủ nhận toàn bộ khái niệm “tầng lớp trung bình”, và ưa thích miêu tả cấu trúc xã hội như là sự đối lập giữa một số lớn đông đảo “tầng lớp dân dã và trung bình” (”dân chúng”) và một nhúm ít ỏi “tầng lớp trên” (giới “tinh túy”). Cách phân chia như vậy có thể là hợp lí để miêu tả một số xã hội nhất định, hay đúng ra là để phân tích một số hoàn cảnh chính trị và lịch sử trong một số xã hội nhất định. Ví dụ, tại Pháp năm 1789, người ta ước lượng rằng giới cầm quyền chiếm từ 1% đến 2% dân số, giới giáo sĩ chiếm ít hơn 1%, và “đẳng cấp thứ ba” - nghĩa là tất cả dân chúng, từ nông dân cho đến giới có tài sản, trong khuôn khổ hệ thống chính trị dưới Chế độ Cũ - chiếm hơn 97%.
Mục đích của chúng ta ở đây không phải là để thiết lập lực lượng cảnh sát giữ an ninh ngôn từ. Trong câu chuyện chỉ mặt đặt tên này, ai cũng vừa đúng vừa sai. Ai cũng đúng khi chọn dùng những thuật ngữ của mình, và ai cũng sai khi chê bai thuật ngữ của người khác. Cách chúng tôi định nghĩa “tầng lớp trung bình” (40% những người “ở giữa”) rất dễ gây tranh cãi, bởi lẽ theo chính cách phân chia này tất cả những người mà chúng tôi gộp vào trong nhóm này trong thực tế là có thu nhập (hoặc tài sản) cao hơn vị trí giữa của xã hội đang xét10. Ta cũng có thể cắt xã hội đang xét thành ba phần, và gọi đúng một phần ba ở giữa là “tầng lớp trung bình”. Tuy nhiên chúng tôi thấy định nghĩa của chúng tôi sát với cách dùng phổ biến hơn: thuật ngữ “tầng lớp trung bình” nói chung được dùng để chỉ những người khá giả hơn rõ rệt đám đông dân chúng, nhưng vẫn cách khá xa giới tinh túy thực thụ. Nhưng mọi việc đều rất dễ gây bàn cãi, và chúng tôi không đứng hẳn về bên nào trong vấn đề tế nhị này - vấn đề vừa có tính ngôn ngữ lại vừa có tính chính trị.
Thật sự mà nói, mọi miêu tả về bất bình đẳng dựa trên một số lượng nhỏ các tầng lớp tất thẩy đều có tính giản lược và thô thiển, bởi lẽ thực tế xã hội luôn ngầm chứa một phân phối tầng lớp liên tục. Tại mọi cấp độ thu nhập và tài sản cho trước, luôn tồn tại một nhóm người bằng xương bằng thịt có thu nhập và tài sản như vậy, mà các đặc tính và độ đông đảo biến đổi chậm và đều tùy theo hình dạng của phân phối tầng lớp hiện hành trong xã hội đang xét. Không bao giờ tồn tại các đứt gãy không liên tục giữa các tầng lớp xã hội khác nhau, giữa “dân chúng” và giới ”tinh túy”. Chính vì lẽ đó nghiên cứu của chúng ta hoàn toàn dựa trên các khái niệm thống kê với cơ sở là các đường chia mười (10% cao nhất, 40% ở giữa, 50% phía dưới). Các đường này có cái hay là được định nghĩa hoàn toàn giống nhau trong các xã hội khác nhau, vì vậy cho phép thực hiện các phép so sánh nghiêm ngặt và khách quan trong không gian và trong thời gian, mà không cần phải phủ nhận sự phức tạp riêng của từng xã hội, trong đó có tính chất cơ bản là sự liên tục của bất bình đẳng xã hội.
[sau] [trước] [lên mức trên]