[sau] [trước] [lên mức trên]
Trước khi phân tích các tiến trình lịch sử tại các nước khác nhau, ta hãy kể cụ thể hơn về các số độ lớn đặc trưng chung cho bất bình đẳng từ làm việc và từ vốn. Mục đích là để giúp bạn đọc làm quen với các con số và các khái niệm - đường chia mười, đường chia một trăm, v.v. - bề ngoài có vẻ hơi kĩ thuật, thậm chí ngán ngẩm đối với một số người, nhưng thực tế chúng rất có ích khi phân tích và tìm hiểu các chuyển biến của cấu trúc bất bình đẳng trong các xã hội khác nhau, miễn là chúng được dùng đúng.
Ta trình bày trong các bảng T.7.1, T.7.2 và T.7.3 một số ví dụ về phân bố tài sản quan sát được tại các nước khác nhau trong các thời kì khác nhau. Các con số được chủ ý làm tròn xấp xỉ, nhưng nó giúp nắm được ý tưởng đầu tiên về thế nào là bất bình đẳng thấp, thế nào là trung bình hay bất bình đẳng cao trong xã hội quanh ta và trong quá trình lịch sử; một bên là bất bình đẳng thu nhập từ làm việc, bên kia là bất bình đẳng sở hữu vốn, và cuối cùng là tổng thể bất bình đẳng thu nhập - thu được bằng cách cộng thu nhập từ làm việc và thu nhập từ vốn.
Ví dụ, đối với bất bình đẳng thu nhập từ làm việc, ta nhận thấy rằng trong các xã hội bình đẳng nhất, ví dụ các nước Scandinavia trong những năm 1970-1980 (bất bình đẳng đã tăng nhẹ tại Bắc Âu kể từ thời đó, nhưng các nước này vẫn là các nước ít bất bình đẳng nhất), sự phân bố xấp xỉ như sau. Nếu ta xét toàn bộ dân số trưởng thành, thì 10% dân số có thu nhập cao nhất nhận suýt soát hơn 20% tổng khối lượng thu nhập từ làm việc (chủ yếu là khối tiền lương), 50% dân số được trả thấp nhất nhận khoảng 35%, và 40% những người ở giữa lĩnh khoảng 45% tổng thu nhập (xem bảng T.7.18). Dĩ nhiên đó vẫn không phải là một sự bình đẳng hoàn hảo, bởi vì nếu vậy mỗi nhóm sẽ phải được nhận tương đương với tỉ lệ của nhóm mình trong toàn bộ dân số (10% những người được trả cao nhất phải được nhận chính xác 10% khối lượng thu nhập, và 50% những người được trả thấp nhất phải được nhận 50%). Nhưng đó là một sự bất bình đẳng không quá cực độ, ít ra là so với những gì ta thấy tại các nước khác và các thời kì khác, và nhất là so với bất bình đẳng sở hữu vốn xảy ra gần như khắp mọi nơi - bao gồm cả các nước Scandinavia.
Bảng T.7.1: Tổng thể bất bình đẳng thu nhập từ làm việc trong không gian và thời gian
Bảng T.7.2: Bất bình đẳng sở hữu vốn trong không gian và thời gian
Bảng T.7.3: Tổng thể bất bình đẳng thu nhập (từ làm việc và từ vốn) trong không gian và thời gian
Để giúp bạn đọc hình dung ra ý nghĩa thực sự của các con số kể trên, ta hãy liên hệ giữa một bên là cách biểu diễn phân phối theo phần trăm, và bên kia là những khoản tiền lương bằng tiền tươi thóc thật mà những người lao động bằng xương bằng thịt được lĩnh, hay những bất động sản và tài sản tài chính dưới sở hữu của các ông chủ thật: tức là những khoản tiền và những con người làm nên các phân phối và các thứ bậc nói trên.
Cụ thể, nếu 10% những người được trả cao nhất nhận 20% khối lượng tiền lương, theo định nghĩa điều này có nghĩa là mỗi người trong nhóm này trung bình sẽ kiếm được gấp đôi so với tiền lương trung bình hiện hành tại nước đang xét. Cũng như vậy, nếu 50% những người được trả thấp nhất nhận 35% khối lượng tiền lương, thì nó sẽ tự khắc kéo theo rằng mỗi người trong nhóm này trung bình sẽ kiếm được hơn hai phần ba tiền lương trung bình một chút (chính xác là 70%). Và nếu 40% những người ở giữa nhận 45% khối lượng tiền lương, thì điều đó có nghĩa là tiền lương trung bình của họ sẽ cao hơn một chút (45/40) so với tiền lương trung bình của toàn xã hội.
Ví dụ, nếu tiền lương tại nước đang xét là 2000 euro một tháng, phân phối kể trên sẽ dẫn tới 10% những người được trả cao nhất kiếm được trung bình 4000 euro một tháng, 50% những người được trả thấp nhất lĩnh 1400 euro một tháng, và 40% những người ở giữa nhận trung bình 2250 euro một tháng9. Theo nghĩa đó, nhóm trung gian này tương ứng với “tầng lớp trung bình” đông đảo, tầng lớp mà mức sống thường khá gần với thu nhập trung bình của xã hội đang xét.
[sau] [trước] [lên mức trên]