[sau] [trước] [lên mức trên]
Để tránh mọi hiểu nhầm: sự phát triển của một “tầng lớp trung bình về tài sản” thực thụ là chuyển biến có tính cấu trúc chính yếu trong sự phân phối của cải tại các nước phát triển trong thế kỉ 20.
Hãy lùi lại một thế kỉ trước, vào Thời Tươi đẹp, xung quanh năm 1900-1910. Tại tất cả các nước Châu Âu, sự tập trung vốn lúc đó còn cực độ hơn ngày nay rất nhiều. Ta nên biết đến các số độ lớn này (trình bày trong bảng T.7.2). Khoảng năm 1900-1910, tại Pháp, Liên hiệp Anh hay Thụy Điển, cũng như tại tất cả các nước mà ta có số liệu, 10% những người giàu nhất sở hữu gần như toàn bộ tài sản quốc gia: phần sở hữu của nhóm đường chia mười phía trên đạt tới 90%. Chỉ mình 1% những người giàu nhất đã sở hữu hơn 50% tổng tài sản. Phần sở hữu của nhóm đường chia một trăm phía trên thậm chí còn vượt quá 60% tại một số nước đặc biệt bất bình đẳng, ví dụ Liên hiệp Anh. Ngược lại, 40% ở giữa sở hữu suýt soát hơn 5% tài sản quốc gia (từ 5% đến 10%, tùy từng nước), nghĩa là không hơn 50% những người nghèo nhất mấy - nhóm này thời đó sở hữu ít hơn 5% tổng tài sản giống như hiện nay.
Nói cách khác, không tồn tại tầng lớp trung bình, theo nghĩa là 40% ở giữa về mặt tài sản cũng gần như nghèo bằng 50% những người nghèo nhất. Sự phân phối vốn thời đó gồm một số lớn rất đỗi đông đảo những người gần như không sở hữu gì, và một số nhỏ những người nắm giữ gần như toàn bộ tài sản. Dĩ nhiên đó là một thiểu số không ít ỏi (đường chia mười phía trên đại điện cho một nhóm tinh túy đông đảo hơn rất nhiều so với đường chia một trăm phía trên - bản thân nhóm thứ hai này cũng là một nhóm xã hội đáng kể về số lượng rồi), nhưng dù gì vẫn là thiểu số. Đường cong phân phối thời đó hiển nhiên là liên tục, như tại tất cả các xã hội khác. Nhưng độ dốc của đường cong này là cực kì mạnh tại lân cận đường chia mười và chia một trăm phía trên, đến mức mà ta lập tức chuyển từ thế giới của 90% những người nghèo nhất (nơi mà theo thước đo hiện nay mỗi người chỉ giữ vài chục nghìn euro tài sản là kịch kim) sang thế giới của 10% những người giàu nhất, nơi mà mỗi người sở hữu tương đương với nhiều triệu euro, thậm chí nhiều chục triệu euro27.
Sẽ rất sai lầm khi đánh giá thấp điều mới mẻ có tính lịch sử trọng đại nhưng mong manh: sự nổi lên của một tầng lớp trung bình về tài sản. Dĩ nhiên, ta có thể cố nài nì rằng sự tập trung tài sản ngày nay vẫn là cực kì cao: phần sở hữu của đường chia mười phía trên đạt 60% tại Châu Âu vào đầu thế kỉ 21 này, và vượt quá 70% tại Mĩ28. Còn nửa dân số phía dưới, họ ngày nay vẫn nghèo về mặt tài sản y như trong quá khứ: vào năm 2010, họ sở hữu suýt soát 5% tổng tài sản, giống năm 1910. Thực chất mà nói, tầng lớp trung bình chỉ cấu được vài mảnh vụn: tại Châu Âu: hơn một ba tổng tài sản tí xíu, tại Mĩ: suýt soát một phần tư. Nhóm ở giữa này tập hợp một số lượng dân đông gấp bốn lần so với nhóm đường chia mười phía trên, thế mà khối lượng tài sản họ nắm giữ lại ít hơn từ hai đến ba lần. Ta có thể dễ dãi kết luận rằng không có gì thực sự thay đổi: vốn luôn đem đến bất bình đẳng cực độ (xem bảng T.7.2).
Không phải tất cả những điều trên đều sai, và ta phải nhận thức được thực tế đó: sự giảm thiểu của bất bình đẳng tài sản trong lịch sử là yếu hơn rất nhiều so với những gì người ta đôi khi tưởng tượng. Hơn nữa, không gì bảo đảm rằng sự co lại hạn chế của bất bình đẳng vừa nói đến là một quá trình không đảo ngược được. Thế nhưng, những gì mà tầng lớp trung bình có được vẫn là các mảnh vụn khá lớn, và sẽ thật sai lầm khi đánh giá thấp ý nghĩa lịch sử của sự thay đổi này. Khi ai đó sở hữu tương đương 200000 euro hay 300000 euro tài sản, người này có lẽ là không quá giàu, nhưng đã cách nghèo rất xa (và nói chung người đó đã bắt đầu không thích bị đối xử như một người nghèo!). Việc hàng chục triệu người (40% dân số, họ đại diện cho một phân khúc xã hội đáng kể, trung gian giữa những người nghèo và những người giàu) có sở hữu cá nhân hàng trăm nghìn euro, và toàn thể nắm giữ từ một phần tư đến một phần ba tài sản quốc gia, là một biến chuyển không êm đềm. Đó là một thay đổi rất đáng kể trong chiều dài lịch sử; nó đã làm biến đổi sâu sắc khung cảnh xã hội và cấu trúc chính trị của xã hội đang xét, và đã góp phần định nghĩa lại các điều mục của cuộc xung đột phân phối của cải. Vậy ta hãy làm rõ các lí do dẫn đến sự thay đổi này.
Sự chuyển biến vừa nêu đồng nghĩa với việc các gia tài lớn nhất đã giảm mạnh: phần sở hữu của đường chia mười phía trên đã giảm đi hơn hai lần, tại Châu Âu nó giảm từ hơn 50% đầu thế kỉ 20 xuống khoảng 20%-25% cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21. Ta sẽ thấy rằng việc này đã đóng góp rất nhiều trong việc làm thay đổi tinh thần bài diễn thuyết của Vautrin, theo nghĩa sau: nó đã làm giảm một cách mạnh mẽ và có tính cấu trúc số lượng các gia sản đủ lớn để người ta có thể sống thoải mái nhờ vào tiền lãi hàng năm, tức là làm giảm số lượng các trường hợp mà Rastignac có thể sống sướng hơn bằng cách lấy cô Victorine thay vì theo đuổi việc học luật. Sự thay đổi này càng có tầm quan trọng lịch sử lớn hơn khi mà mức tập trung tài sản cực độ mà ta thấy tại Châu Âu năm 1900-1910 không chỉ diễn ra trong tức thời mà thực ra đã kéo dài suốt cả thế kỉ 19. Tất cả các nguồn số liệu mà ta có đều chỉ ra rằng các số độ lớn này - quanh mức 90% cho nhóm đường chia mười phía trên, trong đó ít nhất là 50% cho nhóm đường chia một trăm phía trên - có vẻ cũng đặc trưng cho cả các xã hội nông thôn truyền thống, dù đó là Chế độ Cũ tại Pháp hay nước Anh thế kỉ 18. Ta sẽ thấy rằng một sự tập trung vốn như vậy thực sự là một điều kiện không thể thiếu được để các xã hội coi trọng tài sản như các xã hội được miêu tả trong các tiểu thuyết của Balzac và Jane Austen - các xã hội hoàn toàn được định đoạt bởi tài sản và thừa kế -, có thể tồn tại thịnh vượng được. Do đó, cố gắng tìm hiểu các điều kiện cho phép những mức độ tập trung tài sản như trên có thể xuất hiện, duy trì, sụp đổ và quay trở lại, là một trong những mục tiêu chính trong khuôn khổ cuốn sách này.
[sau] [trước] [lên mức trên]