[sau] [trước] [lên mức trên]
Ta hãy tiếp tục xem xét các số độ lớn của bất bình đẳng. Dưới thước đo nào bất bình đẳng thu nhập từ làm việc là vừa phải, có lí, hay nhẹ nhàng ? Dĩ nhiên, bất bình đẳng từ làm việc luôn thấp hơn rất nhiều so với bất bình đẳng từ vốn. Tuy nhiên, sẽ rất sai lầm khi bỏ qua nó, một mặt là do thu nhập từ làm việc chiếm nói chung từ hai phần ba đến ba phần tư thu nhập quốc gia, mặt khác là do cách biệt giữa các phân phối thu nhập từ làm việc hiện hành tại các nước khác nhau là hết sức đáng kể - điều gợi ý rằng các chính sách công cộng và các sự khác biệt giữa các nước có thể có hệ quả quan trọng đối với bất bình đẳng và đối với điều kiện sống của những nhóm dân số rộng lớn.
Tại các nước có thu nhập từ làm việc bình đẳng nhất, như các nước Scandinavia trong những năm 1970-1980, 10% những người được trả cao nhất nhận khoảng 20% tổng khối lượng thu nhập từ làm việc, và 50% những người được trả thấp nhất nhận 35%. Tại các nước có mức độ bình đẳng trung bình, như phần lớn các nước Châu Âu ngày nay (ví dụ Pháp hoặc Đức), nhóm đầu tiên nhận khoảng 25%-30% tổng thu nhập, và nhóm thứ hai khoảng 30%. Và tại các nước cực kì bất bình đẳng, như nước Mĩ đầu những năm 2010 (chắc hẳn là một trong những mức độ bất bình đẳng thu nhập từ làm việc cao nhất trong lịch sử, như ta sẽ thấy trong phần sau), đường chia mười phía trên chạm 35% tổng thu nhập, trong khi nửa dưới xuống còn 25%. Nói cách khác, điểm cân bằng giữa hai nhóm kể trên đã gần như bị đảo ngược hoàn toàn. Tại các nước bình đẳng nhất, 50% những người được trả thấp nhất nhận gần gấp đôi tổng khối lượng tiền lương so với 10% những người được trả cao nhất (sẽ có người cho rằng nhóm thứ hai tối thiểu cũng phải nhận được như vậy, bởi lẽ nhóm này đông đảo gấp năm lần nhóm thứ nhất!). Tại các nước bất bình đẳng nhất, nhóm thứ hai nhận được ít hơn một phần ba so với nhóm thứ nhất. Nếu xu hướng tăng dần sự tập trung thu nhập từ làm việc tại Mĩ tiếp diễn, thì vào khoảng năm 2030, 50% những người được trả thấp nhất sẽ nhận tổng khối lượng tiền lương ít hơn hai lần so với 10% những người được trả cao nhất (xem bảng T.7.1). Hiển nhiên, không có gì chắc chắn rằng tiến trình này sẽ tiếp diễn, nhưng ví dụ này cho phép minh họa cho việc rằng các chuyển biến nói trên là không hề nhỏ.
Cụ thể, nếu lương trung bình là 2000 euro một tháng, phân phối Scandinavia bình đẳng nhất tương ứng với 4000 euro một tháng cho 10% những người được trả cao nhất (trong đó 10000 euro cho nhóm 1%), 2250 euro cho 40% ở giữa, và 1400 euro cho 50% những người được trả thấp nhất, trong khi đó phân phối Mĩ bất bình đẳng nhất mà ta đang thấy hiện nay tương ứng với các thứ bậc rõ rệt hơn hẳn: 7000 euro đối với 10% phía trên (trong đó 24000 euro cho nhóm 1%), 2000 euro đối với 40% ở giữa, và chỉ 1000 euro một tháng đối với 50% phía dưới.
Đối với một nửa dân số ít được ưu đãi nhất, cách biệt thu nhập đến từ các phân phối khác nhau là không dễ gì bỏ qua: khi người ta có suốt đời 40% thu nhập bổ sung - 1400 euro thay vì 1000 euro, chưa tính đến các hiệu ứng từ hệ thống thuế và chuyển nhượng16 -, nó sẽ kéo theo các hệ quả đáng kể đối với các lựa chọn trong cuộc sống, chỗ ở ra sao, đi nghỉ hay không, chi phí cho các dự án, cho con cái thế nào, v.v. Cũng cần nhấn mạnh rằng, tại phần lớn các nước, phụ nữ cơ bản chiếm số rất lớn trong nhóm 50% nhận lương thấp nhất, do đó những khác biệt rất lớn nói trên giữa các quốc giá phần lớn phản ánh khác biệt về khoảng cách tiền lương giữa nam giới và nữ giới: nhỏ hơn tại Bắc Âu so với các nơi khác.
Đối với phần dân số được ưu đãi nhất, cách biệt thu nhập đến từ các phân phối khác nhau cũng rất đáng kể: khi người ta có suốt đời 7000 euro một tháng thay vì 4000 euro (hay thậm chí 24000 euro thay vì 10000 euro), người ta sẽ không chi tiêu như trước, và sẽ có nhiều quyền lực hơn không chỉ về mặt sức mua mà còn đối với những người khác - ví dụ có thể dùng những người lương thấp hơn phục vụ cho mình. Nếu xu hướng của Mĩ tiếp diễn, thu nhập hàng tháng vào năm 2030 (nếu lương trung bình vẫn là 2000 euro một tháng) sẽ là 9000 euro đối với 10% phía trên (trong đó 34000 euro cho nhóm 1%), 1750 euro đối với 40% ở giữa, và chỉ 800 euro một tháng đối với 50% phía dưới. Cụ thể, chỉ cần bỏ ra một phần nhỏ trong thu nhập của mình, nhóm 10% phía trên có thể thuê một phần không nhỏ nhóm 50% phía dưới về giúp việc nhà17.
Qua đó ta thấy rằng, với cùng một mức lương trung bình, phân phối thu nhập từ làm việc khác nhau có thể dẫn đến các thực tế xã hội và kinh tế cực kì cách biệt đối với các nhóm xã hội tương ứng, và trong một số trường hợp có thể dẫn đến các bất bình đẳng không chút yên ả. Do những nguyên do trên, ta nhất định phải tìm hiểu các lực kéo kinh tế, xã hội và chính trị định hình nên mức độ bất bình đẳng thu nhập hiện hành tại các nước khác nhau.
[sau] [trước] [lên mức trên]