[sau] [trước] [lên mức trên]
Trước khi chuyển qua nghiên cứu chi tiết các tiến trình lịch sử tại các nước khác nhau và tìm cách trả lời các câu hỏi trên, hãy nói kĩ hơn nhiều điểm có tính phương pháp. Đặc biệt, ta trình bày trong bảng T.7.1-T.7.3 các hệ số Gini tương ứng với các phân phối đã được xét. Hệ số Gini - theo tên của nhà thống kê học người Ý, Corrado Gini, người đã sống và làm việc vào đầu thế kỉ 20 và trong giai đoạn giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới - là một trong những chỉ số tổng hợp về bất bình đẳng được dùng thường xuyên nhất trong các báo cáo chính thức và trong các cuộc tranh luận công chúng. Theo cách xây dựng nên chỉ số này, nó luôn nằm giữa 0 và 1: nó bằng 0 trong trường hợp bình đẳng toàn phần, và bằng 1 trong trường hợp bất bình đẳng tuyệt đối, nghĩa là nếu một nhóm vô cùng nhỏ nắm giữ toàn bộ tài nguyên hiện có.
Cụ thể, ta thấy là hệ số Gini biến động xấp xỉ giữa 0,2 và 0,4 đối với các phân phối thu nhập từ làm việc gặp trong thực tế tại các xã hội khác nhau, từ 0,6 đến 0,9 đối với các phân phối sở hữu vốn, và từ 0,3 đến 0,5 đối với bất bình đẳng thu nhập toàn thể. Dù có hệ số Gini là 0,19, phân phối thu nhập từ làm việc tại các nước Scandinavia không cách xa bình đẳng tuyệt đối lắm. Ngược lại, dù có hệ số Gini là 0,85, phân phối tài sản tại Châu Âu vào Thời Tươi đẹp là không cách xa bất bình đẳng tuyệt đối nhiều33.
Các hệ số này (cũng như các hệ số khác, chẳng hạn hệ số Theil) đôi khi rất có ích, nhưng cũng đặt ra rất nhiều vấn đề. Chúng cho rằng có thể tóm gọn toàn bộ một phân phối bất bình đẳng cho trước trong một chỉ số duy nhất, dù đó là khoảng chia cách giữa phần dưới thấp và phần ở giữa, hay giữa phần ở giữa và phần phía trên, hay giữa phần phía trên và phần phía trên cao hơn của kim tự tháp bất bình đẳng. Việc có thể biểu diễn hết bất bình đẳng chỉ bằng một con số duy nhất thoạt trông có vẻ đơn giản và hấp dẫn, nhưng không tránh khỏi ít nhiều ảo tưởng. Thật ra, không thể tóm gọn một thực trạng nhiều chiều bằng một chỉ số một chiều, trừ phi ta đơn giản hóa một cách thái quá thực trạng đó và trộn lẫn những thứ mà đúng ra không được làm như vậy. Thực trạng xã hội hay ý nghĩa kinh tế và chính trị của bất bình đẳng là khác nhau rất nhiều tùy theo các mức độ phân phối, vì thế ta phải phân tích chúng một cách riêng biệt. Chưa nói đến việc hệ số Gini và các chỉ số tổng hợp khác nhìn chung có xu hướng trộn lẫn bất bình đẳng từ làm việc và bất bình đẳng từ vốn; trong khi đó mỗi loại bất bình đẳng đều có các cơ chế kinh tế (và bộ máy hợp thức-chuẩn mực hóa34) riêng rẽ. Xét tất cả các lí do trên, chúng tôi thấy nhất định nên phân tích bất bình đẳng dựa trên các bảng phân phối chỉ rõ phần sở hữu của các đường chia mười và chia một trăm khác nhau trong tổng thu nhập và tổng tài sản, hơn là dùng các chỉ số tổng hợp - chẳng hạn như hệ số Gini.
Ngoài ra, các bảng phân phối như vậy còn có cái hay là buộc người ta phải đo lường cụ thể các mức thu nhập và tài sản của các nhóm xã hội khác nhau tạo nên thứ bậc xã hội hiện hành, và biểu diễn các mức thu nhập và tài sản đó bằng tiền tươi thóc thật (hay bằng tỉ lệ phần trăm của thu nhập và tài sản trung bình tại nước đang xét), chứ không phải theo một đơn vị thống kê giả tưởng và khó giải mã. Các bảng phân phối cho phép ta có một cái nhìn cụ thể và trần trụi hơn về bất bình đẳng xã hội, và cũng giúp ta có ý thức tốt hơn về thực tế và sự hạn chế của các số liệu có được khi tiến hành nghiên cứu các vấn đề nói trên. Ngược lại, các chỉ số thống kê tổng hợp như hệ số Gini đưa đến một cái nhìn trừu tượng và tiệt trùng về bất bình đẳng - điều không những không cho phép ta tìm ra vị trí của mình trong thứ bậc xã hội đương đại (việc này luôn có ích, nhất là khi người ta ở trong nhóm đường chia một trăm phía trên và có xu hướng quên khuấy mất điều đó - trường hợp khá hay xảy ra đối với các nhà kinh tế học), mà còn đôi khi ngăn cản ta nhận ra rằng các số liệu được dùng có những khiếm khuyết và sự không thống nhất của nó, hay ít ra là không hoàn toàn tương đồng trong thời gian và giữa các nước (ví dụ do phần phía trên của phân phối bị cắt đi, hay do bỏ sót thu nhập từ vốn đối với một số nước). Việc phơi bày các bảng phân phối bắt ta phải chú ý hơn đến sự thống nhất và sự minh bạch.
[sau] [trước] [lên mức trên]