[sau] [trước] [lên mức trên]

Trên đây là những lí do khác nhau khiến chúng tôi cho rằng các bảng phân phối mà ta đã xem xét trong chương này là công cụ thích hợp nhất để nghiên cứu phân phối của cải. Nó thích hợp hơn nhiều so với các chỉ số tổng hợp và các tỉ số giữa các đường chia mười.

Thêm nữa, cách tiến hành của chúng ta là cách nhất quán nhất với các chuẩn kế toán quốc gia. Khi mà hiện nay, tại phần lớn các nước, các bản ghi chép tài sản quốc gia đã cho phép tính được thu nhập quốc gia và tài sản quốc gia (vì vậy cũng tính được thu nhập trung bình và tài sản trung bình, bỡi lẽ các nguồn số liệu dân số cho phép dễ dàng tính được tổng dân số); một cách tự nhiên, bước tiếp theo sẽ là phân tách khối thu nhập và tài sản đó thành các đường chia mười và chia một trăm khác nhau. Cách làm này đã được giới thiệu rành mạch trong nhiều báo cáo với mục tiêu cải thiện và “người hóa”38 kế toán quốc gia, nhưng tới nay vẫn có rất ít tiến triển39. Tách biệt 50% những người nghèo nhất, 40% tiếp theo và 10% những người giàu nhất có thể được xem một cách chính đáng như là bước đầu tiên để tiến lên theo hướng này. Đặc biệt, cách tiếp cận như vậy cho phép mọi người nhận ra ở mức độ nào sự tăng trưởng sản lượng trong nước và thu nhập quốc gia rơi vào - hay không rơi vào - các thu nhập mà các nhóm xã hội khác nhau thực sự nhận được. Ví dụ, chỉ có biết rõ con số cụ thể về phần sở hữu của đường chia mười phía trên mới cho phép ta thấy được phần trên cao của phân phối tài sản đã dành được miếng to ra sao trong tổng tăng trưởng thu nhập. Quan sát hệ số Gini hay tỉ số giữa các đường chia mười không cho phép trả lời câu hỏi vừa nêu một cách chính xác và minh bạch như vậy.

Điểm cuối cùng: các bảng phân phối mà ta khuyên dùng có phần khá giống với các “bảng xã hội” (social tables) rất thịnh hành vào thế kỉ 18 và đầu thế kỉ 19. Được phát minh tại Liên hiệp Anh và tại Pháp cuối thế kỉ 17 và trong thế kỉ 18, các bảng xã hội này đã được dùng rộng rãi, được chỉnh sửa và bình luận tại Pháp vào Thế kỉ ánh sáng, chẳng hạn như trong bài viết lừng danh “số học chính trị” trong Từ điển bách khoa Diderot. Từ những bản đầu tiên do Gregory King thiết lập năm 1668 đến các bảng tinh xảo hơn do Expilly hay Isnard lập ra ngay trước Cách mạng Pháp, hay bởi Peuchet, Colquhoun hoặc Blodget trong giai đoạn Napoléon, các bảng này luôn cố gắng đem đến một cách nhìn toàn thể về cấu trúc xã hội: chúng đưa ra số lượng quí tộc, số lượng người có tài sản riêng, quí ông, thợ thủ công, nông dân, v.v, và những ước lượng về mức thu nhập (và đôi khi tài sản) của họ, rồi liên hệ tới các ước lượng đầu tiên về thu nhập và tài sản quốc gia (cũng được thực hiện bởi các tác giả này). Tuy nhiên, có một sự khác biệt chính, đó là các bảng này dùng các phân loại xã hội vào thời của chúng và không tìm cách phân phối của cải theo các đường chia mười và chia một trăm40.

Tuy thế, các bảng này - nhờ tính xác thực và trần trụi về bất bình đẳng mà nó mang đến, nhờ sự nhấn mạnh vào phần sở hữu của các nhóm xã hội khác nhau trong toàn bộ của cải quốc gia (đặc biệt là cắt lớp các nhóm tinh túy khác nhau) - có sự gần gũi hiển nhiên với cách tiếp cận mà ta đang theo đuổi. Đảo lại, chúng rất xa cách với tinh thần của các số đo thống kê sạch trơn về bất bình đẳng được dùng quá nhiều tại thế kỉ 20. Các số đo này, như kiểu hệ số Gini hay Pareto, có xu hướng tự nhiên hóa41 vấn đề về phân phối của cải; và xem xét vấn đề đó một cách cố định trong tiến trình thời gian cũng như không đặt nó trong sự đối lập giữa các nhóm xã hội. Cách thức đo lường bất bình đẳng không bao giờ là trung tính cả. Ta sẽ trở lại thảo luận về vấn đề này trong các chương tiếp theo khi ta nói đến chủ đề Pareto và các hệ số lừng danh của ông.

38: người dịch. Nguyên bản: “humaniser”.
39: Ví dụ xem báo cáo Stiglitz-Sen-Fitoussi xuất bản năm 2009.
40: Các “bảng” trên nên được xem xét (ít nhất là trong tâm trí) cùng với Bảng kinh tế lừng danh do Fran¸cois Quesnay xuất bản năm 1758. Bảng này thể hiện một biểu diễn tổng hợp đầu tiên về sự vận hành của nền kinh tế và các trao đổi giữa các nhóm xã hội. Ta cũng gặp các “bảng xã hội” cũ hơn tại nhiều nước kể từ thời Cổ đại. Xem các bảng rất thú vị do B.Milanovic, P.Lindert và J.Williamson tập hợp trong “Measuring ancient inequality”, NBER, 2007 (người dịch. Tạm dịch: “Đo lường bất bình đẳng thời Cổ đại”). Xem thêm B.Milanovic, The Haves and the Have-Nots: A Brief and Idiosyncratic History of Global Inequality, Basic Books, 2010 (người dịch. Tạm dịch: Người có của và người không có của: Tóm gọn nét riêng của lịch sử bất bình đẳng toàn cầu.). Độ tương tự và tương đồng của các tài liệu này không may là không phải lúc nào cũng đạt yêu cầu.
41: người dịch. Nguyên bản: “naturaliser”.

[sau] [trước] [lên mức trên]