[sau] [trước] [lên mức trên]
Theo định nghĩa, qui luật β = s∕g chỉ đề cập đến các dạng vốn có thể tích lũy được, và không tính đến giá trị của tài nguyên thiên nhiên thuần túy, trong đó có đất đai thuần túy, nghĩa là trước khi được con người cải thiện. Việc qui luật β = s∕g cho phép tính được gần như toàn bộ dự trữ vốn vào năm 2010 (từ 80% đến 100% tùy từng nước) khiến ta nghĩ rằng đất đai thuần túy chỉ chiếm một phần nhỏ trong vốn quốc gia. Nhưng giá trị chính xác của phần nhỏ này là bao nhiêu? Các số liệu hiện có không cho phép trả lời câu hỏi một cách hoàn toàn chính xác.
Trước tiên hãy xét trường hợp đất nông nghiệp trong các xã hội nông thôn truyền thống. Rất khó để xác định chính xác phần nào tương ứng với các khoản do con người đầu tư và cải thiện trong suốt tiến trình lịch sử - nhất là dưới dạng khai hoang, tưới tiêu, rào dậu, sửa sang các loại -, và phần nào ứng với giá trị thuần túy của đất đai tồn tại trước khi được con người khai thác. Tuy nhiên có vẻ mọi người đều công nhận là các khoản đầu tư và cải thiện chiếm phần đa số trong giá trị của đất đai. Tại thế kỉ 18, giá trị của đất nông nghiệp đạt mức tương đương với bốn năm thu nhập quốc gia tại Pháp cũng như tại Liên hiệp Anh44. Theo các ước lượng được thực hiện trước đây, ta có thể đánh giá rằng các khoản đầu tư và cải thiện chiếm ít nhất ba phần tư giá trị của đất đai, và chắc hẳn là còn cao hơn. Giá trị của đất đai thuần túy chiếm nhiều nhất một năm thu nhập quốc gia, và có lẽ là ít hơn nửa năm. Kết luận này chủ yếu dựa trên việc giá trị hàng năm của các công việc khai hoang, tưới tiêu v.v riêng nó đã là những khoản tiền rất lớn, vào khoảng 3%-4$ thu nhập quốc gia. Thế mà tỉ lệ tăng trưởng là khá chậm, dưới 1% một năm, nên giá trị tích tụ của các khoản đầu tư như trên sẽ gần như chiếm hết (thậm chí vượt quá) toàn bộ tổng giá trị đất nông nghiệp45.
Rất thú vị là Thomas Paine, trong bản đề xuất lừng danh “Công lí cho nghề nông” gửi quốc hội Pháp năm 1795, cũng đi đến kết luận là phần không tích lũy được của tài sản quốc gia (unimproved land46) tương ứng với khoảng một phần mười tài sản quốc gia, tức là hơn nửa năm thu nhập quốc gia một chút.
Tuy nhiên các ước lượng như vậy không tránh khỏi việc có tính chất rất xấp xỉ. Khi nhịp độ tăng trưởng hàng năm yếu, chỉ cần những thay đổi rất nhẹ trong tỉ lệ đầu tư là có thể dẫn đến các khác biệt rất lớn trong giá trị dài hạn của tỉ số vốn/thu nhập β = s∕g. Điểm quan trọng cần ghi nhớ ở đây là phần lớn vốn quốc gia trong các xã hội truyền thống cũng đã dựa trên tích lũy và đầu tư rồi: không có gì thật sự thay đổi, có chăng chỉ trừ việc sự xuống giá của vốn đất đai là rất thấp so với sự xuống giá của vốn bất động sản và vốn nghề nghiệp hiện đại: chúng cần được thay thế và sửa chữa thường xuyên hơn nhiều (có lẻ điều này đã góp phần mang lại cảm giác rằng vốn ngày nay “linh động” hơn). Nhưng với các số liệu rất hạn chế và không chính xác hiện có về chủ đề đầu tư trong các xã hội nông thôn truyền thống, rất khó có thể đẩy phân tích đi xa hơn.
Đặc biệt, gần như là không thể so sánh chính xác giá trị đất đai thuần túy tại thế kỉ 20 với thế kỉ 21. Điểm mấu chốt ngày nay là đất thành thị: đất nông nghiệp có giá trị dưới 10% thu nhập quốc gia tại Pháp cũng như tại Liên Hiệp Anh. Nhưng vấn đề là, giống như đối với đất nông nghiệp tại thế kỉ 18, rất khó xác định giá trị đất thành thị thuần túy, độc lập không chỉ với các tòa nhà hay công trình, mà còn với các cơ sở hạ tầng và qui hoạch khiến nó trở nên hấp dẫn hơn. Theo các ước lượng của chúng tôi, dòng tiền đầu tư hàng năm trong các thập kỉ gần đây cho phép giải thích đúng gần như toàn bộ giá trị tài sản (đặc biệt là bất động sản) năm 2010. Nói cách khác, phần lớn sự tăng lên của tỉ số vốn/thu nhập không đến từ sự gia tăng giá trị của đất thành thị thuần túy (nói xấp xỉ nó có vẻ khá tương đồng với giá trị đất nông nghiệp thuần túy tại thế kỉ 18: từ nửa năm đến một năm thu nhập quốc gia). Tuy nhiên lề sai số là rất lớn.
Hai điểm sau cần được nói thêm. Thứ nhất, việc tổng giá trị vốn hóa tài sản (đặc biệt là bất động sản) tại các nước giàu được giải thích khá đầy đủ qua sự tích lũy của dòng tiền tiết kiệm và đầu tư tất nhiên không ngăn được sự tồn tại của các giá trị thêm rất lớn có tính địa phương tại một số địa bàn đặc biệt (nhất là các thành phố lớn) đến từ các hiệu ứng tập trung dân cư. Hẳn là không có nghĩa mấy nếu ai đó cho rằng có thể giải thích sự tăng lên của giá trị bất động sản trên đại lộ Champs-Élysées, hay Paris nói chung, chỉ bằng cách cộng tổng số các dòng tiền đầu tư. Ở đây ta đang nói đơn giản là các ước lượng hiện có gợi ý rằng các giá trị thêm có tính địa phương của bất động sản tại một số địa bàn phần lớn đã được bù trừ lại bằng các giá trị bớt của bất động sản tại các địa bàn kém hấp dẫn hơn, ví dụ tại các thành phố cỡ vừa hoặc tại một số khu vực dân cư bị bỏ bê.
Thứ hai, sự lên giá của đất đai thuần túy không giải thích được nhiều cho sự lên lại của tỉ số vốn/thu nhập tại các nước giàu. Nhưng dĩ nhiên ta không thể nói chắc tương lai vẫn sẽ giống như thế. Dưới góc độ lí thuyết, không tồn tại bất kì lực kéo nào đảm bảo cho sự ổn định dài hạn của giá trị đất đai, chứ chưa nói đến tổng thể các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ta sẽ xem xét lại vấn đề này khi ta phân tích sự vận động của tài sản nói chung và tài sản ngoài nước của các nước dầu mỏ nói riêng47.
[sau] [trước] [lên mức trên]