[sau] [trước] [lên mức trên]

Ngoài tất cả các qui luật thú vị trên, ta không quên rằng các nguồn số liệu thuế ta dùng ở đây vẫn có những hạn chế của nó. Trước tiên, trong các biểu đồ G8.3-G8.4, ta chỉ tính đến duy nhất các thu nhập từ vốn xuất hiện trong các bản kê khai thu nhập. Điều này dẫn đến việc ta đánh giá các thu nhập này thấp hơn thực tế, vừa do việc trốn thuế (giấu thu nhập từ đầu tư dễ hơn giấu tiền lương, ví dụ thông qua các tài khoản tại nước ngoài - các nước không mấy hợp tác với nước mà người giữ các tài khoản này đang cư trú) vừa do sự tồn tại của các chế độ thiếu luật pháp cho phép một số loại thu nhập từ vốn thoát nghĩa vụ đóng thuế thu nhập một cách hoàn toàn hợp pháp (trong khi về gốc gác, nguyên tắc chung của thuế thu nhập, tại Pháp cũng như tại tất cả các nước, là thu thuế trên mọi loại thu nhập, bất kể dưới dạng nào). Do thu nhập từ vốn chiếm đa số trong nhóm đường chia mười phía trên, sự kê khai thiếu thu nhập từ vốn nói trên sẽ dẫn đến việc phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên và đường chia một trăm phía trên trình bày trong biểu đồ G8.1-G8.2 (chỉ dựa trên các thu nhập được kê khai), tại Pháp cũng như tại tất cả các nước mà ta sẽ nghiên cứu, đều bị đánh giá thấp hơn thực tế. Những phần thu nhập này (thế nào đi nữa cũng chỉ là các ước lượng xấp xỉ; và góc hay nhất của chúng là ở thông tin về các số độ lớn mà chúng mang lại - giống như tất cả mọi thống kê kinh tế và xã hội), phải được xem như là một ước lượng thấp của bất bình đẳng thu nhập thực sự trong xã hội.

Trong trường hợp nước Pháp, ta có thể ước lượng qua việc đối chiếu các bản kê khai thu nhập với các nguồn số liệu khác (đặc biệt là các bản kê khai tài sản quốc gia và các nguồn số liệu trực tiếp về sự phân bố tài sản), rằng sai số của việc kê khai các thu nhập từ vốn thấp đi có thể lên tới nhiều điểm14 của thu nhập quốc gia (thậm chí có khả năng tới 5 điểm nếu ta dùng các số liệu đánh giá lớn nhất cho các khoản thuế trốn; nhưng thực tế hơn nó sẽ ở mức khoảng 2-3 điểm), tức là không hề nhỏ. Nói cách khác, phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên trong thứ bậc thu nhập (theo biểu đồ G8.1 nó đi từ khoảng 45%-50% thu nhập quốc gia trong những năm 1900-1910 xuống 30%-35% trong những năm 2000-2010), trong thực tế chắc hẳn là ở mức gần 50% (thậm chí cao hơn thế chút xíu) vào Thời Tươi đẹp, và hiện nay nó cao hơn 35% một chút15. Tuy nhiên điều này có vẻ không gây ảnh hưởng đáng kể lên tiến trình tổng thể của bất bình đẳng thu nhập, bởi lẽ mặc dù các phương án trốn thuế trong pháp luật và ngoài pháp luật có xu hướng tăng lên trong các thập niên gần đây (nhất là với sự phát triển của các thiên đường thuế - ta sẽ trở lại điểm này sau), ta không nên quên rằng vấn đề kê khai thấp hơn thực tế các thu nhập từ vốn động cũng đã rất phổ biến vào đầu thế kỉ 20 và trong giai đoạn giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới rồi (và có vẻ như các “bảng ghi chép phiếu lĩnh tiền”16 được các chính phủ thời đó phát minh cũng chẳng đáng tin cậy hơn các hiệp ước song phương17 ngày nay mấy).

Nói cách khác, một cách xấp xỉ, ta có thể xem rằng nếu ta tính đến các khoản thuế trốn (hợp pháp hay không), thì mức độ bất bình đẳng (được đo lường dựa trên các bản kê khai thu thập) sẽ tăng lên theo tỉ lệ tương xứng tại các thời kì khác nhau, và vì thế sẽ không làm thay đổi đáng kể các xu hướng và các tiến trình trong thời gian.

Tuy nhiên, xin lưu ý là hiện giờ chúng tôi chưa bỏ công chỉnh lại các sai số này một cách hệ thống và thống nhất cho từng nước. Đó là một hạn chế lớn của World Top Incomes Database. Đặc biệt, nó dẫn đến việc các dãy số của chúng tôi chắc sẽ đánh giá thấp hơn thực tế chút ít sự tăng lên của bất bình đẳng tại phần lớn các nước kể từ năm 1970-1980; nhất là chúng tôi đã đánh giá thấp vai trò của thu nhập từ vốn. Thật sự mà nói, các bản kê khai thu nhập đang trở thành một nguồn dữ liệu ngày càng kém thích hợp để nghiên cứu về thu nhập từ vốn, và nhất định ta phải bổ sung bằng các nguồn số liệu khác, dù đó là các nguồn dữ liệu có tính kinh tế qui mô lớn (chẳng hạn các nguồn được dùng trong phần thứ hai khi nghiên cứu về sự vận động của tỉ số vốn/thu nhập và sự phân chia vốn-làm việc trong thu nhập quốc gia) hay có tính kinh tế qui mô nhỏ (chẳng hạn các nguồn cho phép nghiên cứu trực tiếp sự phân bố tài sản - nguồn sẽ được dùng nhiều trong các chương tiếp theo).

Cũng xin nói rõ rằng những sự khác biệt về luật thuế đánh trên thu nhập từ vốn cũng có thể làm sai lệch các so sánh giữa các quốc gia. Nhìn chung, tiền thuê nhà, tiền lãi và lợi nhuận trên vốn góp được các nước tính toán theo cách khá giống nhau18. Nhưng, cách tính các giá trị thêm có nhiều khác biệt lớn. Ví dụ, các giá trị thêm được tính một cách đầy đủ và đồng nhất trong các số liệu thuế tại Pháp (vì thế chúng tôi đã đơn giản loại hẳn chúng ra), trong khi đó tại Mĩ chúng chỉ được ghi chép một cách tạm ổn. Điều này có thể gây ra những khác biệt lớn, bởi lẽ các giá trị thêm - đặc biệt là các khoản lời thu được lúc bán phiếu góp vốn - là một dạng thu nhập từ vốn tập trung chủ yếu trong nhóm những thu nhập rất cao (đôi khi nhóm này có thu nhập còn cao hơn cả nhóm hưởng lợi nhuận trên phiếu góp vốn). Ví dụ, nếu ta bao gồm các giá trị thêm vào các đường biểu diễn trong biểu đồ G8.3-G8.4, thì phần thu nhập từ vốn tại mức đường chia mười nghìn phía trên sẽ không phải là 60%, mà đúng ra là vào khoảng 70%-80%, tùy từng năm19. Nhằm không làm sai lệch các phép so sánh, trong trường hợp nước Mĩ, chúng tôi đã cẩn thận trình bày các kết quả thu được khi bao gồm các giá trị thêm và các kết quả thu được khi không bao gồm các giá trị thêm.

Một hạn chế lớn khác của các bản kê khai thu nhập là nguồn số liệu này, theo định nghĩa, không chưa bất cứ thông tin nào về nguồn gốc tài sản. Tại một thời điểm cho trước, ta chỉ thấy các thu nhập sinh ra từ vốn của người kê khai, nhưng ta hoàn toàn không biết liệu khoản vốn đó đến từ thừa kế, hay được người đó tích lũy trong đời từ thu nhập từ lao động của mình (hay từ thu nhập do các khoản vốn khác sinh ra). Nói cách khác, một bất bình đẳng thu nhập từ vốn cho trước có thể ứng với nhiều thực trạng rất khác nhau, và ta không sẽ không biết gì về chúng nếu ta chỉ giới hạn trong các bản kê khai thu nhập. Nhìn chung, đối với các thu nhập rất cao từ vốn, khối tài sản tương ứng có vẻ quá lớn đến mức khó tưởng tượng được rằng nó đến từ một khoản tiết kiệm khiêm tốn từ tiền lương (hay kể cả một khoản tiết kiệm dày hơn từ lương của một nhà quản lí rất cao cấp): nó khiến ta nghĩ rằng ở đây thừa kế hẳn phải có trọng lượng vượt trội. Ngoài ra, như ta sẽ thấy trong các chương tiếp theo, độ lớn tương đối của thừa kế và tiết kiệm trong cấu thành của tài sản đã tiến triển rất nhiều trong quá trình lịch sử, và vấn đề này xứng đáng được được nghiên cứu một cách kĩ lưỡng. Một lần nữa, ta sẽ phải viện đến các nguồn số liệu đề cập trực tiếp đến tài sản và thừa kế.

14: người dịch. Ý nói nhiều phần trăm.
15: Xem phụ lục kĩ thuật.
16: người dịch. Nguyên bản: “bordereaux de coupons”. Ý nói đến hệ thống được áp dụng thời những năm 1920 tại Pháp, theo đó các cơ quan quản lí ghi lại tất cả các khoản thu nhập được trả vào các tài khoản ngân hàng. Đây được xem như một biện pháp chống trốn thuế thu nhập thời đó.
17: người dịch. Nguyên bản: conventions bilatérales. Ý nói đến các hiệp ước song phương giữa các quốc gia nhằm tránh việc đánh thuế thu nhập hai lần hoặc trốn thuế thu nhập.
18: Đặc biệt, chúng tôi luôn luôn tính toàn bộ tiền thuê nhà, tiền lãi và lợi nhuận trên vốn góp xuất hiện trong bản các kê khai thu nhập, ngay cả trong trường hợp có một số thu nhập không tuân theo định chuẩn luật lệ chung và được hưởng khấu trừ chuyên biệt hay được giảm thuế.
19: Xem phụ lục kĩ thuật.

[sau] [trước] [lên mức trên]