[sau] [trước] [lên mức trên]
Sản lượng lề của vốn được định nghĩa là giá trị của phần sản lượng phụ trội do một đơn vị vốn bổ sung mang lại. Ví dụ, giả sử rằng trong một xã hội nông nghiệp, việc có thêm một số đất đai hoặc công cụ bổ sung tương đương với 100 euro cho phép tăng sản lượng lương thực tương đương với 5 euro một năm (tất cả các tham số khác vẫn giữ nguyên, trong đó có số lượng lao động); thì ta nói rằng sản lượng lề của vốn là 5 euro trên 100 euro đầu tư, nói cách khác là 5% một năm. Trong các điều kiện cạnh tranh lành mạnh và hoàn hảo, đó chính là tỉ lệ lãi hàng năm mà người sở hữu vốn (chủ đất hoặc chủ công cụ) sẽ thu được từ người nông dân. Nếu anh ta muốn lấy nhiều hơn 5%, người lao động sẽ đi thuê đất và công cụ của một người sở hữu vốn khác. Và nếu người lao động định trả thấp hơn 5%, đất đai và công cụ sẽ tìm một người lao động khác. Hiển nhiên, có thể tồn tại những tình huống mà người chủ vốn độc quyền về đất đai hoặc công cụ, hoặc được chọn thuê người lao động (gọi là “độc quyền mua”): trong trường hợp đó người chủ vốn có thể áp đặt một tỉ lệ lãi cao hơn sản lượng lề kể trên.
Trong một nền kinh tế phức tạp hơn, nơi mà vốn được dùng một cách đa dạng - người ta có thể đầu tư 100 euro vào khai thác nông nghiệp, nhưng cũng có thể đầu tư vào bất động sản nhà ở hoặc vào một doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ -, sẽ rất khó xác định chính xác sản lượng lề của vốn. Trên nguyên tắc, chức năng của hệ thống trung gian tài chính (nhất là ngân hàng và thị trường tài chính) chính là để tìm ra cách sử dụng vốn tốt nhất, sao cho mỗi đơn vị vốn nhàn rỗi được đầu tư vào chỗ mà nó sinh ra nhiều sản phẩm nhất - kể cả nơi nào đó xa lắc xa lơ nếu cần - và mang lại cho chủ sở hữu tỉ lệ lãi cao nhất có thể. Một thị trường vốn được gọi là “hoàn hảo” nếu nó cho phép mỗi đơn vị vốn được đem đầu tư vào mục đích sử dụng tốt nhất và thu được sản lượng lề cao nhất có thể. Nếu điều kiện cho phép, điều này sẽ được thực hiện trong khuôn khổ một danh mục đầu tư đa dạng một cách hoàn hảo (sao cho nó được hưởng tỉ lệ lãi trung bình của nền kinh tế mà không hề chịu rủi ro nào), và tất nhiên tất cả các việc trên chỉ phải trả chi phí trung gian tối thiểu.
Trong thực tế, các thể chế tài chính và thị trường chứng khoán nhìn chung rất xa rời lí tưởng hoàn hảo nói trên: chúng thường được đặc trưng bởi các bất ổn theo chu kì, các làn sóng đầu cơ và các bong bóng tài sản lặp đi lặp lại. Phải nói rằng việc phát hiện ra đâu là cách sử dụng tốt nhất có thể cho một đơn vị vốn là không hề đơn giản trên phạm vi toàn hành tinh (trên qui mô một nước cũng đã rất khó rồi) - chưa nói đến việc “tư duy ăn sổi” và gian lận kế toán đôi khi là những con đường ngắn nhất dẫn đến lợi nhuận cá nhân tối đa ngay tức thời. Nhưng, dù các thể chế hiện hữu có không hoàn hảo đi nữa, hệ thống trung gian tài chính hiển nhiên vẫn đóng vai trò trung tâm và không thay thế được trong lịch sử phát triển kinh tế. Quá trình này luôn có rất nhiều nhân vật tham gia chứ không phải chỉ có các ngân hàng và các thị trường tài chính chính thức: ví dụ, tại thế kỉ 18 và 19, các viên chức pháp luật đóng vai trò trung tâm trong việc kết nối những người có tiền đi đầu tư và những người có dự án tiềm năng, như hình ảnh của lão Goriot với các xưởng sản xuất bột nhào hoặc của César Birotteau với các dự án bất động sản15.
Ta nên nói rõ là khái niệm sản lượng lề của vốn được định nghĩa độc lập với các thể chế và các luật lệ (hoặc sự thiếu vắng các luật lệ) định hình sự phân chia vốn-làm việc trong một xã hội nhất định. Ví dụ, nếu một người sở hữu đất và công cụ tự khai thác vốn của mình, thì có thể là anh ta sẽ không tính toán riêng rẽ tiền lãi từ vốn và tiền lãi từ làm việc (cả hai đều là thu nhập của anh này). Mặc dù vậy, vốn vẫn không kém phần hữu ích, và sản lượng lề của vốn trong ví dụ trên vẫn bằng với sản lượng lề trong trường hợp tiền lãi từ vốn được trả cho một chủ sở hữu bên ngoài. Mọi việc vẫn thế ngay cả khi hệ thống kinh tế hiện hành quyết định tập thể hóa toàn bộ hay một phần tổng dự trữ vốn, hoặc trong trường hợp cực độ (ví dụ Liên bang Soviet) là xóa bỏ mọi khoản lãi cá nhân từ vốn. Trong trường hợp này, tỉ lệ lãi cá nhân từ vốn là thấp hơn tỉ lễ lãi “xã hội”, nhưng tỉ lệ lãi xã hội theo định nghĩa vẫn luôn bằng sản lượng lề của một đơn vị vốn bổ sung. Câu hỏi liệu có thích đáng và có ích đối với xã hội không khi người giữ vốn được nhận phần sản lượng lề này như là thu nhập đến từ danh hiệu chủ sở hữu của họ (và từ tiền tiết kiệm trong quá khứ của họ, hay từ tiền tiết kiệm của ông cha họ), mà không cần đóng góp bất cứ lao động mới nào, hiển nhiên là một câu hỏi trung tâm, mà ta sẽ có nhiều dịp trở lại sau.
[sau] [trước] [lên mức trên]