[sau] [trước] [lên mức trên]

Dựa trên những số liệu tốt nhất hiện có, ta vừa xem xét tỉ lệ lãi trên vốn đã tiến triển như thế nào trong lịch sử. Giờ ta hãy nói về các cơ chế lí giải cho tiến trình đó: tỉ lệ lãi trên vốn hiện hành trong một xã hội nhất định được xác định như thế nào? Đâu là những lực kéo kinh tế và xã hội chính, các tiến trình lịch sử phải được tính đến ra sao, và nhất là có thể dự báo gì về tiến trình của tỉ lệ lãi trên vốn tại thế kỉ 21?

Theo các mô hình kinh tế đơn giản nhất với giả thiết rằng cạnh tranh trên thị trường vốn cũng như trên thị trường lao động là “trong sáng và hoàn hảo”, thì tỉ lệ lãi trên vốn phải chính xác bằng với “sản lượng lề” của vốn (nghĩa là phần đóng góp vào quá trình sản xuất của một đơn vị vốn bổ sung). Trong các mô hình phức tạp và thực tế hơn, tỉ lệ lãi trên vốn còn phụ thuộc vào sức mặc cả và tương quan sức mạnh giữa các tác nhân kinh tế, và tùy theo tình hình và khu vực kinh tế nó có thể cao hơn hoặc thấp hơn sản lượng lề của vốn (mà ngay cả sản lượng lề của vốn không phải lúc nào cũng đo lường chính xác được).

Trong mọi tình huống, tỉ lệ lãi trên vốn chủ yếu được quyết định bởi hai lực sau: thứ nhất là bởi công nghệ (vốn để làm gì?), và thứ hai là bởi sự dồi dào của dự trữ vốn (quá nhiều vốn giết chết vốn).

Công nghệ hiển nhiên giữ vai trò chính. Nếu vốn không có tích sự gì trong quá trình sản xuất, thì theo định nghĩa sản lượng lề của nó phải bằng 0. Nói đến cùng, ta hoàn toàn có thể tưởng tượng ra một xã hội nơi mà vốn không có ích gì trong quá trình sản xuất, nơi mà không đầu tư nào giúp cải thiện năng suất đất nông nghiệp, không công cụ hay thiết bị nào giúp sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn, nơi mà việc có một mái nhà để ngủ không mang lại bất cứ sự dễ chịu nào hơn là ngủ ngoài trời. Kể cả như vậy vốn có lẽ vẫn sẽ có một vai trò quan trọng trong xã hội đó: vai trò dự trữ giá trị thuần túy: ví dụ, mọi người có thể quyết định tích lũy hàng đống thức ăn (giả sử rằng điều kiện bảo quản cho phép làm như vậy) để dự trù cho một nạn đói trong tương lai, hay chỉ để ngắm cho đẹp (trong trường hợp này, có lẽ phải thêm vào hàng đống đồ trang sức và trang hoàng các loại). Nói đến cùng, không có gì ngăn cấm việc tưởng tượng ra một xã hội nơi mà tỉ số vốn/thu nhập β là cực kì cao, nhưng tại xã hội đó tỉ lệ lãi trên vốn r chính xác bằng 0. Trong trường hợp đó, phần thu nhập từ vốn trong thu nhập quốc gia α = r × β cũng sẽ chính xác bằng 0. Trong một xã hội như vậy, toàn bộ thu nhập quốc gia và toàn bộ sản lượng đều đến từ làm việc.

Không gì ngăn cấm ta tưởng tượng như trên. Nhưng trong tất cả các xã hội con người từng thấy, kể cả các xã hội sơ khai nhất, mọi việc diễn ra rất khác. Trong tất cả các nền văn minh, vốn đảm nhận hai chức năng kinh tế lớn: một mặt là để ở (nghĩa là để sinh ra các “dịch vụ nhà ở”, mà giá trị được đo bằng tiền thuê chỗ ở: đó là giá trị của sự dễ chịu đến từ việc được ăn ngủ dưới một mái nhà so với sống ngoài trời), và mặt khác như một nhân tố sản xuất để sinh ra các hàng hóa và dịch vụ khác (quá trình sản xuất ra các hàng hóa và dịch vụ này có thể cần đến đất nông nghiệp, công cụ, nhà xưởng, văn phòng, máy móc, thiết bị, chứng chỉ, v.v). Trong lịch sử, các dạng tích lũy vốn đầu tiên là tích lũy công cụ (đá lửa, v.v) và tích lũy cải tạo hạ tầng nông nghiệp (rào chắn, tưới tiêu, v.v), cũng như những dạng nhà ở thô sơ (hang động, lều, trại, v.v), trước khi chuyển sang các dạng vốn ngày càng tinh vi hơn: vốn công nghiệp, vốn nghề nghiệp và các loại chỗ ở ngày một tiên tiến hơn.

[sau] [trước] [lên mức trên]