[sau] [trước] [lên mức trên]

Tiến trình thứ hai được biểu diễn ở biểu đồ G.I.2 thể hiện một cơ chế chia tách đơn giản và minh bạch hơn. Cơ chế này chắc hẳn còn có tính quyết định lớn hơn đối với tiến trình của sự phân bố của cải trong giai đoạn dài. Biểu đồ G.I.2 biểu diễn tiến trình của tổng giá trị tài sản tư nhân (bất động sản, tài chính và tài sản nghề nghiệp, trừ đi nợ) tại Liên hiệp Anh, Pháp và Đức, đo bằng số năm thu nhập quốc gia tương đương, từ những năm 1870 đến 2010. Đầu tiên ta nhận thấy sự hưng thịnh tài sản đặc trưng cho Châu Âu cuối thế kỉ 19 và Thời tươi đẹp63: giá trị của tài sản tư nhân đạt khoảng 6-7 năm thu nhập quốc gia, rất đáng kể. Tiếp đến ta thấy một sự giảm mạnh theo sau những biến cố trong những năm 1914-1945: tỉ số vốn/thu nhập rơi xuống đúng 2-3 năm thu nhập quốc gia. Rồi ta thấy một sự tăng liên tục kể từ những năm 1950, đến mức mà tới đầu thế kỉ 21 này, tài sản tư nhân có vẻ như đạt lại điểm đỉnh được ghi nhận vào thời ngay trước Chiến tranh thế giới thứ nhất: tỉ số vốn/thu nhập trong những năm 2000-2010 đạt khoảng 5-6 năm thu nhập quốc gia tại Liên hiệp Anh và Pháp (tại Đức tỉ số này nhỏ hơn, nhưng thật ra là do đường biểu diễn được bắt đầu từ điểm thấp hơn: xu hướng tăng cũng rõ nét như tại Anh và Pháp).

“Đường cong hình chữ U” với biện độ rất rộng này tương ứng với một chuyển biến cơ bản. Ta sẽ có rất nhiều cơ hội để quay lại vấn đề này trong phần sau của sách. Đặc biệt, ta sẽ thấy rằng, việc tỉ số giữa dự trữ vốn và dòng tiền thu nhập quốc gia tăng trở lại trong những thập niên gần đây phần nhiều được giải thích bởi sự quay trở lại của một chế độ kinh tế với tăng trưởng tương đối chậm. Trong những xã hội tăng trưởng chậm, tài sản thừa hưởng từ quá khứ sẽ rất lấn át, bởi chỉ cần một chút tiền tiết kiệm mới là đủ để làm tăng biên độ của khối tài sản dự trữ một cách liên tục và đáng kể.

Nếu thêm vào đó, tỉ lệ lãi trên vốn được thiết lập một cách chắc chắn và lâu dài ở mức cao hơn tỉ lệ tăng trưởng (điều này không phải lúc nào cũng đúng, nhưng có xác suất đúng cao hơn khi tỉ lệ tăng tưởng thấp), thì sẽ tồn tại nguy cơ lớn gây ra chêch lệch trong phân bố của cải.


PIC
Biểu đồ G.I.2: Tỉ số vốn/thu nhập tại Châu Âu giai đoạn 1870-2010

Bất đẳng thức cơ bản này, mà chúng ta kí hiệu r > g, ở đó r kí hiệu tỉ lệ lãi trên vốn (nghĩa là thu nhập đồng vốn mang lại trong vòng một năm, dưới dạng lợi nhuận, lợi nhuận từ vốn góp, tiền lãi, tiền thuê tài sản và những thu nhập khác từ vốn, tính theo phần trăm giá trị của vốn), và g đại diện cho tỉ lệ tăng trưởng (nghĩa là mức tăng hàng năm của thu nhập và sản xuất), sẽ đóng một vai trò chủ đạo trong cuốn sách này. Dưới góc độ nào đó nó tóm tắt toàn bộ logic của sách.

Một khi tỉ lệ lãi trên vốn vượt qua tỉ lệ tăng trưởng một cách rõ rệt - như ta sẽ thấy điều này gần như luôn đúng trong suốt lịch sử, ít nhất đến tận thế kỉ 19, và có cơ trở lại thành chuyện thường ngày trong thế kỉ 21 -, nó tất sẽ dẫn đến việc tài sản có được trong quá khứ sẽ tiếp tục được vốn hóa nhanh hơn nhịp độ tiến bộ trong sản xuất và thu nhập. Người thừa kế tài sản chỉ cần tiết kiệm một phần nhỏ thu nhập để tăng vốn của mình nhanh hơn tổng thể nền kinh tế. Trong những điều kiện như vậy, gần như không tránh được việc tài sản thừa kế sẽ lấn át tài sản gây dựng được trong một đời làm việc, và sự tập trung vốn sẽ đạt mức cực kì cao, có nguy cơ không phù hợp với những giá trị xã hội dựa trên tài năng là chính và những nguyên tắc công bằng làm nền tảng cho xã hội dân chủ hiện đại của chúng ta.

Lực kéo chia tách này ngoài ra có thể được tăng cường bởi những cơ chế bổ sung, ví dụ nếu tỉ lệ lãi trên tiết kiệm tăng mạnh theo độ lớn của cải64, hoặc hơn nữa nếu tỉ lệ lợi nhuận trung bình càng lớn khi vốn ban đầu càng lớn (ta sẽ thấy rằng điều này càng ngày càng phổ biến hơn). Tính chất ngẫu nhiên và không dự báo được của lợi nhuận từ vốn và những hình thái làm giàu từ lợi nhuận này cũng tạo nên một dạng đặt lại vấn đề về lí tưởng xã hội dựa trên tài năng là chính. Cuối cùng, tất cả những hiệu ứng này có thể được làm mạnh thêm thêm bởi một cơ chế theo kiểu Ricardo về biến động có tính cấu trúc của giá bất động sản và dầu mỏ.

Ta hãy tóm tắt lại những điểm trên. Quá trình tích lũy và phân bố tài sản chứa đựng những lực chia tách rất mạnh, dẫn đến mức độ bất bình đẳng cực kì cao. Cũng tồn tại những lực hội tụ, rất có khả năng thắng thế tại một số nước hoặc một số thời kì, nhưng những lực chia tách có thể vượt mặt lại bất cứ lúc nào, như có vẻ đã xảy ra thời đầu thế kỉ 21 này, hay như nhiều người đang lo xa với dự đoán tăng trưởng dân số và kinh tế sẽ thấp đi trong những thập niên tới.

Những kết luận của tôi ít tính thảm họa tận thế hơn những kết luận được suy ra từ nguyên tắc tích lũy vô tận và chênh lệch vĩnh cửu được Marx phát biểu (lí thuyết phía sau nguyên tắc này ngầm giả sử một sự tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn dài ở mức chính xác 0). Trong lược đồ tôi đề xuất ở phần sau, sự chênh lệch là không vĩnh cửu, và nó chỉ là một trong những kịch bản khả dĩ. Dù vậy nó cũng không vui vẻ gì lắm. Đặc biệt, phải nhấn mạnh rằng bất đẳng thức r > g, lực chia tách chính trong lược đồ giải thích của chúng tôi, không liên quan gì tới bất cứ sự không hoàn hảo nào của thị trường, trái lại là đằng khác: thị trường vốn càng “hoàn hảo”, theo cách hiểu của những nhà kinh tế học, bất đẳng thức này càng dễ đúng. Ta có thể hình dung ra những cơ chế và chính sách công cộng cho phép chống lại những hiệu ứng của logic tất yếu này - chẳng hạn như một loại thuế toàn cầu và tăng dần đánh trên đồng vốn. Nhưng sự thực thi một chính sách như vậy đặt ra những khó khăn đáng kể trên phương diện hợp tác quốc tế. Không may là có thể các biện pháp được triển khai trong thực tế sẽ khiêm tốn và kém hiệu quả hơn nhiều, ví dụ ở dạng co cụm cục bộ quốc gia dưới nhiều hình thức.

63: người dịch. Từ này dùng để chỉ giai đoạn tương ứng với thời Cách mạng công nghiệp lần thứ hai.
64: Cơ chế có tính mất cân bằng hiển nhiên này (càng giàu thì càng giàu lên nhanh) đã làm Kuznets lo lắng rất nhiều. Vì thế ông đặt tên sách năm 1953: Shares of Upper Income Groups in Income and Savings, National Bureau of Economic Research (người dịch. Tạm dịch: Phần đóng góp của nhóm thu nhập cao trong thu nhập và tiết kiệm). Nhưng ông thiếu khoảng lùi lịch sử để phân tích thấu đáo cơ chế này. Lực kéo chia tách này là tâm điểm trong cuốn sách kinh điển của J.Meade, Efficiency, Equality, and the Ownership of Property, Allen & Unwin, 1964, (người dịch. Tạm dịch: Minh bạch-hiệu quả, công bằng, và quyền sở hữu tài sản), và tập sách của A.Atkinson và A.Harrison, Distribution of Personal Wealth in Britain, 1923-1972, sách đã dẫn, (người dịch. Tạm dịch: Phân bố của cải cá nhân ở Anh giai đoạn 1923-1972). Những cuốn sách này là sự tiếp nối lịch sử sau cuốn sách của Kuznets. Công trình của chúng tôi đứng trên cùng đường lối với những tác giả kể trên.

[sau] [trước] [lên mức trên]