[sau] [trước] [lên mức trên]
Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng các bản ghi chép tài chính cá nhân và các số liệu thống kê có được vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20 là hoàn toàn không đủ để nghiên cứu một cách đúng đắn về sự vận động của tỉ số vốn/thu nhập. Đặc biệt, có nhiều ước lượng về dự trữ vốn hơn là về thu nhập quốc gia và sản lượng trong nước. Rồi tình trạng ngược lại xảy ra vào giữa thế kỉ 20, sau các biến cố những năm 1914-1945. Điều này phần nào giải thích tại sao câu hỏi về sự tích lũy vốn và về một kết cục cân bằng khả dĩ cho quá trình động này trong thời gian dài đã gây ra rất nhiều tranh luận, đặc biệt là rất nhiều hiểu nhầm, như được minh chứng qua cuộc tranh luận lừng danh với tên gọi “hai phe Cambridge” xảy ra vào những năm 1950-1960.
Ta hãy nhanh chóng nhắc lại vài điều cơ bản. Khi công thức β = s∕g lần đầu tiên được phát biểu một cách rõ ràng bởi nhà kinh tế học Harrod và Domar vào cuối những năm 1930 và đầu những năm 1940, người ta thường viết nó theo chiều đảo, tức là: g = s∕β. Đặc biệt, năm 1939, Harrod cho rằng tỉ số vốn/thu nhập β là hoàn toàn cố định và do công nghệ hiện thời áp đặt (giống như trường hợp một hàm số sản lượng với hệ số cố định, tức là không thể thay thế giữa làm việc và vốn), do đó tỉ lệ tăng trưởng được xác định hoàn toàn bởi tỉ lệ tiết kiệm. Nếu tỉ lệ tiết kiệm là 10%, và công nghệ áp đặt một tỉ số vốn/thu nhập bằng 5 (cần chính xác 5 đơn vị vốn để sản xuất ra 1 đơn vị sản lượng, không hơn không kém), thì tỉ lệ tăng trưởng của năng lực sản xuất của nền kinh tế là 2% một năm. Nhưng do tỉ lệ tăng trưởng phải bằng tỉ lệ tăng trưởng dân số (và tăng trưởng năng suất - khái niệm vẫn chưa được định nghĩa chặt chẽ vào thời đó), ta sẽ đi đến kết luận rằng tăng trưởng là một quá trình không ổn định một cách nội tại, “như đi trên dao lam”. Luôn có hoặc quá nhiều vốn hoặc không đủ vốn, sinh ra các trạng thái quá trớn và các bong bóng đầu cơ, hoặc thất nghiệp, thậm chí cả hai cùng một lúc tùy vào từng khu vực kinh tế và từng năm.
Không phải mọi trực quan của Harrod đều sai (dù ông sống và làm việc trong giai đoạn tâm điểm của khủng hoảng những năm 1930, và sự bất ổn ghê gớm của kinh tế qui mô lớn thời đó đã in dấu ấn sâu sắc lên ông). Thật vậy, cơ chế mà ông miêu tả đã góp phần giải thích tại sao quá trình tăng trưởng luôn luôn có tính biến động lên xuống sâu sắc: sự cân nhắc giữa quyết định tiết kiệm hay đầu tư do những người khác nhau thực hiện dưới những lí do khác nhau là rất phức tạp và hỗn độn; thêm vào đó là việc rất khó có thể thay đổi trong ngắn hạn cường độ vốn và tổ chức sản xuất trên qui mô toàn bộ một nước 40. Ngoài ra, tỉ số vốn/thu nhập có thể biến thiên khá dễ dàng trong giai đoạn dài, như được chứng minh rõ ràng qua các tiến trình lịch sử mà ta đã phân tích. Thậm chí tỉ số này còn chỉ ra rằng độ dẻo thay thế giữa làm việc và vốn là cao hơn 1 trong giai đoạn dài.
Ngay từ năm 1948, Domar phát triển một cách nhìn về qui luật g = s∕β lạc quan và mềm dẻo hơn so với Harrod. Ông nhấn mạnh vào việc tỉ lệ tiết kiệm và tỉ số vốn/làm việc trong chừng mực nào đó có thể điều chỉnh lẫn nhau. Nhưng chỉ đến năm 1956 khi Solow đưa vào hàm số sản lượng với nhân tố thay thế được41, thì ta mới đảo được công thức trên và viết lại β = s∕g: trong giai đoạn dài, tỉ số vốn/thu nhập được điều chỉnh theo tỉ lệ tiết kiệm và tỉ lệ tăng trưởng có tính cấu trúc của nền kinh tế, chứ không phải ngược lại. Tuy nhiên các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục trong những năm 1950-1960 giữa các nhà kinh tế học đóng tại Cambridge, Massachusetts (đặc biệt là Solow và Samuelson, họ bảo vệ hàm số sản lượng với nhân tố thay thế được) và những nhà kinh tế học làm việc tại Cambridge, Liên hiệp Anh (ví dụ Robinson, Kaldor và Pasinetti) - họ đôi khi có một số ngộ nhận và cho rằng mô hình của Solow khẳng định tăng trưởng luôn cân bằng một cách hoàn hảo và phủ định tầm quan trọng của các biến động lên xuống kiểu Keynes trong ngắn hạn. Chỉ từ những năm 1970-1980, mô hình “cổ điển mới” về tăng trưởng của Solow mới có chỗ đứng hoàn toàn vững chắc.
Khi đọc lại các trao đổi nói trên với độ lùi lịch sử mà ta có ngày nay, ta thấy rất rõ ràng rằng cuộc tranh luận này (có hơi hướng của giai đoạn sau thực dân rất đậm nét thời đó: các nhà kinh tế học Mĩ tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng lịch sử của các nhà kinh tế học Anh - những người làm trùm ngành này kể từ Adam Smith -, và những nhà kinh tế học Anh cố bảo vệ kí ức được cho là bị phản bội của chúa tể Keynes) đã làm tối tăm nhiều hơn là làm sáng tỏ tư duy kinh tế học. Không có điều gì thực sự lí giải cho sự ngờ vực của phe Anh. Solow cũng như Samuelson hoàn toàn đồng ý về sự bất ổn ngắn hạn của quá trình tăng trưởng và sự cần thiết của việc theo đuổi các chính sách ổn định hóa kinh tế qui mô lớn kiểu Keynes; và chỉ nhìn qui luật β = s∕g như một qui luật dài hạn. Tuy vậy, các nhà kinh tế học Mĩ, trong đó một số sinh ra tại Châu Âu (như Modigliani), lại có xu hướng thổi phồng tầm với của phát kiến của Solow và Samuelson khi nói tới “lối mòn tăng trưởng cân bằng42”. Dĩ nhiên là qui luật β = s∕g miêu tả một con đường tăng trưởng nơi mà tất cả các số độ lớn có tính kinh tế qui mô lớn (dự trữ vốn, dòng thu nhập và sản lượng) tăng tiến theo cùng một nhịp độ dài hạn. Nhưng, ngoài vấn đề về sự biến động ngắn hạn, sự tăng trưởng cân bằng đó không hề bảo đảm bất cứ sự hài hòa đặc biệt nào trong sự phân bố của cải, và đặc biệt không hề dẫn tới sự biến mất, hay thậm chí sự giảm đi, của bất bình đẳng sở hữu vốn. Trái ngược với một ý kiến phổ biến cho tới rất gần đây, qui luật β = s∕g không hề ngăn cản các biến thiên rất mạnh của tỉ số vốn/thu nhập trong thời gian và giữa các nước, ngược lại là đằng khác. Theo tôi, sự độc hại - và tính chất đôi khi hơi tậm tịt - của cuộc tranh luận giữa hai phe Cambridge này phần nào được lí giải bởi việc các bên không có các dữ liệu lịch sử thích đáng cho phép định rõ các điều mục của cuộc tranh luận. Thật rất choáng khi thấy mức độ ít ỏi mà các bên tham gia cuộc tranh luận này viện dẫn đến các ước lượng về vốn quốc gia được thực hiện trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, chắc là do họ thấy chúng rất không tương đồng với thực tế những năm 1950-1960. Các cuộc chiến tranh đã tạo ra một sự không liên tục trong quan niệm khoa học và khuôn khổ thống kê lớn đến mức trong một thời gian nó có vẻ ngăn cản việc có được một tầm nhìn bao quát trên giai đoạn dài về vấn đề trên, nhất là từ góc nhìn Châu Âu.
[sau] [trước] [lên mức trên]