[sau] [trước] [lên mức trên]

Trong khuôn khổ cuộc tìm kiếm câu trả lời cho quá trình vận động của tỉ số vốn/thu nhập và của phân chia vốn-làm việc, ta hãy nói kĩ hơn về quan hệ giữa các kết luận mà ta vừa thu được và các luận điểm kiểu Marx.

Theo Marx, cơ chế chủ đạo theo đó “tầng lớp những người có tài sản tự đào mồ chôn mình” tương ứng với “nguyên tắc tích lũy vô hạn” mà ta đã nhắc tới trong phần vào đề: những người theo chủ nghĩa vốn tích lũy lượng vốn càng ngày càng lớn - điều này sớm muộn sẽ dẫn đến việc tỉ lệ lợi nhuận (tức là tỉ lệ lãi trên vốn) sẽ có xu hướng sụt giảm không thương tiếc, và cuối cùng sẽ gây thiệt hại cho chính người giữ vốn. Marx không dùng mô hình toán học. Câu cú của ông không phải lúc nào cũng sáng sủa, đến mức mà người đọc rất khó nắm được những gì ông nghĩ trong đầu. Nhưng một cách diễn giải thống nhất về mặt logic cho ý tưởng của Marx là xét qui luật động β = s∕g trong trường hợp đặc biệt ở đó tỉ lệ tăng trưởng g bằng 0, hoặc ít ra là rất gần 0.

Nhắc lại là g đo lường tỉ lệ tăng trưởng có tính cấu trúc trong giai đoạn dài, nghĩa là tổng số của tỉ lệ tăng trưởng năng suất và tỉ lệ tăng trưởng dân số. Thế nhưng, trong đầu óc của Marx, cũng như của tất cả các nhà kinh tế học thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, hay nói rộng hơn cho đến khi Solow công bố các công trình của mình trong những năm 1950-1960, chính khái niệm tăng trưởng có tính cấu trúc - do sự tăng trưởng năng suất thường xuyên và lâu dài kéo theo - cũng không được chỉ ra và phát biểu một cách rõ ràng34. Vào thời đó, mọi người đều dùng giả thiết ngầm sau: sự tăng trưởng sản lượng, nhất là sản lượng công nghiệp chế tạo, trước hết được giải thích bằng sự tích lũy vốn công nghiệp. Nói cách khác, lí do duy nhất khiến người ta sản xuất được nhiều hơn là vì mỗi người lao động có nhiều máy móc và thiết bị hơn, chứ không phải là vì năng suất chính bản thân nó - với một lượng lao động và vốn cho trước - đã tăng lên. Ngày nay ta biết rằng chỉ có tăng trưởng năng suất là cho phép duy trì tăng trưởng có tính cấu trúc trong giai đoạn dài. Nhưng, điều này không hiển nhiên chút nào vào thời của Marx, do thiếu độ lùi lịch sử và các số liệu.

Trong trường hợp không có tăng trưởng có tính cấu trúc, tức là tỉ lệ tăng trưởng g chính xác bằng 0, ta đi đến một nghịch lí logic rất gần với nghịch lí mà Marx mô tả. Một khi mà tỉ lệ tiết kiệm s là dương, nghĩa là những người theo chủ nghĩa vốn ra sức tích lũy mỗi năm một nhiều vốn hơn (do ý chí giàu mạnh hay truyền lại tài sản, hoặc đơn giản là vì mức sống của họ đã đủ cao rồi), tỉ số vốn/thu nhập sẽ tăng một cách vô hạn. Tổng quát hơn, nếu tỉ lệ g thấp gần bằng 0, tỉ số vốn/thu nhập dài hạn β = s∕g sẽ tiến đến vô cùng. Và với một tỉ số vốn/thu nhập β vô cùng lớn, tỉ lệ lãi trên vốn r nhất định sẽ càng ngày càng giảm và sẽ tiến ngày càng gần 0, nếu không thì phần thu nhập từ vốn α = r × β rồi sẽ nuốt hết toàn bộ thu nhập quốc gia35.

Do vậy nghịch lí động mà Marx chỉ ra ứng với một vấn đề khó khăn thực sự, mà lối thoát logic duy nhất là sự tăng trưởng có tính cấu trúc - lực duy nhất cho phép trong chừng mực nào đó cân bằng lại quá trình tích lũy vốn. Chính sự tăng trưởng năng suất và dân số bền bỉ sẽ giúp cân bằng lại sự bồi đắp thêm đơn vị vốn mới, như được diễn đạt qua qui luật β = s∕g. Nếu không những người theo chủ nghĩa vốn đúng là đang tự đào mồ chôn mình: hoặc là họ cắn xé lẫn nhau trong nỗ lực vô vọng cứu vãn sự giảm sút có tính xu hướng của tỉ lệ lãi (ví dụ gây chiến tranh để giành giật những thuộc địa đầu tư tốt nhất, như hình ảnh của cuộc khủng hoảng Marocco giữa Pháp và Đức năm 1905 và 1911); hoặc họ áp đặt thu nhập từ làm việc chỉ được lĩnh phần ngày càng nhỏ trong thu nhập quốc gia - nhưng điều này cuối cùng sẽ dẫn đến khởi nghĩa lao động và trưng thu tài sản diện rộng. Trong mọi trường hợp, chủ nghĩa đồng vốn đều bị đục khoét bởi các nghịch lí nội tại của nó.

Việc Marx nhiều lần sử dụng các ví dụ về tài khoản các doanh nghiệp công nghiệp với đặc trưng cường độ vốn rất cao đã xác nhận rằng Marx đúng là đã nghĩ tới một mô hình kiểu như trên (tức là một mô hình dựa trên sự tích lũy vốn vô hạn). Trong tập đầu tiên của bộ Vốn, ông đã đưa ra ví dụ về tài khoản của một xưởng dệt may (ông nói rõ là ông đã nhận được nó “từ tay chủ xưởng”), trong đó tỉ số giữa tổng giá trị vốn (vốn cố định và vốn biển đổi) dùng trong quá trình sản xuất và giá trị sản lượng hàng năm là cực kì cao, có thể lớn hơn 10. Tỉ số vốn/thu nhập ở mức độ như vậy đúng là có điều gì đó rất hãi hùng: chỉ cần tỉ lệ lãi trên vốn đạt 5% là đủ để phần lợi nhuận vượt quá một nửa tổng sản lượng. Thêm nữa tiền lương đã ngưng trệ hẳn kể từ đầu thế kỉ 19. Rất tự nhiên là Marx (và rất nhiều các nhà quan sát cùng thời khác) lo lắng tự hỏi rồi mọi việc sẽ đi tới đâu, và quá trình phát triển công nghiệp với cường độ vốn cực kì cao này sẽ đưa ta đến loại cân bằng xã hội-kinh tế dài hạn nào.

Marx cũng rất cần mẫn đọc các báo cáo của quốc hội Anh những năm 1820-1860. Ông đã dùng các báo cáo này để ghi chép lại sự khốn cùng của đồng lương công nhân, các tai nạn lao động, điều kiện vệ sinh thê thảm, và nói rộng hơn là tính tham tàn của những người sở hữu vốn công nghiệp. Ông cũng đã huy động các số liệu thống kê lấy từ các tờ khai thuế thu nhập theo loại36 đánh trên tiền lời37. Các số liệu này chỉ ra rằng lợi nhuận công nghiệp đã tăng rất nhanh tại Liên hiệp Anh những năm 1840-1850. Marx còn cố dùng qua loa một vài số liệu thống kê về tài sản thừa kế để chứng minh rằng các gia sản lớn đã tăng tiến rất mạnh kể từ thời chiến tranh Napoléon38.

Nhưng vấn đề là ngoài các trực quan đáng nể nói trên, Marx thường giữ một cách tiếp cận khá hời hợt và thiếu hệ thống khi làm việc với các số liệu thống kê. Đặc biệt, ông không tìm cách xác nhận liệu cường độ vốn rất mạnh mà ông vừa khám phá ra từ tài khoản của một vài xưởng sản xuất có phải là tiêu biểu cho toàn thể nền kinh tế Anh hay ít ra là cho một khu vực kinh tế riêng biệt nào đó không - điều mà lẽ ra Marx có thể thử tiến hành bằng cách tập hợp chỉ vài chục tài khoản doanh nghiệp thôi. Điều lạ lùng nhất là, mặc dù phần lớn tập sách dành cho vấn đề tích lũy vốn, Marx không hề dẫn ra bất cứ công trình nào liên quan đến ước lượng khối dự trữ vốn quốc gia (nở rộ tại Liên hiệp Anh kể từ đầu thế kỉ 18 và đã có nhiều bước phát triển kể từ đầu thế kỉ 19: từ các công trình của Colquhoun những năm 1800-1810 đến Giffen những năm 1870-188039). Marx bỏ lỡ hoàn toàn ngành kế toán đang phát triển mạnh xung quanh ông - điều rất đáng tiếc bởi lẽ ra nó đã cho phép xác nhận trong chừng mực nào đó các trực quan của Marx về sự tích lũy vốn cá nhân khổng lồ đặc trưng thời đó, và nhất là có thể giúp Marx định rõ mô hình lí giải hiện tượng của mình.

34: Khái niệm tăng trưởng dân số thường xuyên và dài hạn cũng không rõ ràng hơn; và thật sự mà nói khái niệm này vẫn mập mờ và khiếp hãi như vậy cho đến tận bây giờ, vì thế giả thuyết dân số toàn cầu ổn định nói chung thường được mặc nhiên công nhận. Xem chương 2.
35: Trường hợp duy nhất mà tỉ lệ lãi không tiến về 0 là trường hợp một nền kinh tế theo chủ nghĩa vốn, có vô cùng nhiều vốn và được “robot hóa” hoàn toàn trong giai đoạn dài (tức là trường hợp mà độ dẻo thay thế giữa lao động và vốn là vô cùng lớn và quá trình sản xuất tới hạn chỉ sử dụng duy nhất vốn). Xem phụ lục kĩ thuật.
36: người dịch. Nguyên bản: impôt cédulaire. Thuế thu nhập với các mức thuế khác nhau tùy theo nguồn gốc thu nhập.
37: người dịch. Nguyên bản: bénéfice.
38: Các dữ liệu thuế thú vị nhất được Marx giới thiệu trong phụ lục 10, tập 1 bộ Vốn. Trong phần phụ lục kĩ thuật, chúng tôi phân tích một vài phép tính về phần lợi nhuận và về tỉ lệ khai thác dựa trên tài khoản các doanh nghiệp mà Marx đã trình bày. Trong cuốn Tiền lương, giá cả và lợi nhuận (1865), Marx cũng đưa ra ví dụ về tài khoản của một xưởng sản xuất có vốn rất đậm đặc: lợi nhuận đạt 50% giá trị cộng thêm (bằng với tiền lương). Mặc dù ông không nói hẳn ra, nhưng có vẻ trong đầu Marx sự phân bố lợi nhuận-tiền lương theo dạng trên là tiêu biểu cho một nền kinh tế công nghiệp.
39: Xem chương 1.

[sau] [trước] [lên mức trên]