[sau] [trước] [lên mức trên]
Ta vừa thấy rằng giả thuyết Cobb-Douglas (phân chia vốn-làm việc ổn định một cách hoàn hảo) không cho phép giải thích thấu đáo các tiến trình dài hạn của phân chia vốn-làm việc. Tình trạng cũng giống như vậy, thậm chí còn rõ rệt hơn, đối với các tiến trình trong giai đoạn ngắn và trung bình (các tiến trình này đôi khi bị cào bằng trên các giai đoạn tương đối dài, đặc biệt là dưới góc nhìn của những người trong cuộc thời đó).
Trường hợp rõ nét nhất (đã được nhắc đến trong phần vào đề) chắc hẳn là sự tăng lên của phần thu nhập từ vốn trong các pha đầu tiên của Cách mạng công nghiệp từ những năm 1800-1810 đến những năm 1850-1860. Tại Liên hiệp Anh - nước có số liệu đầy đủ nhất -, các công trình nghiên cứu hiện có, nhất là của Robert Allen (người đã đặt tên “giờ giải lao Engel” cho giai đoạn ngưng trệ tiền lương dài này), gợi ý rằng phần thu nhập từ vốn đã tăng lên khoảng 10 điểm trong thu nhập quốc gia, từ khoảng 35%-40% vào cuối thế kỉ 18 và đầu thế kỉ 19 lên 45%-50% vào giữa thế kỉ 19 - thời điểm mà Marx soạn Tuyên ngôn chủ nghĩa vốn chung và bắt tay vào viết bộ Vốn. Theo các số liệu có được, sự tăng lên nói trên gần như được bù trừ bởi hai quá trình tiếp sau: sự giảm đi với biên độ khá tương đồng của phần thu nhập từ vốn trong vòng những năm 1870-1900; và sự tăng lên nhẹ trong giai đoạn 1900-1910. Chung cuộc là phần thu nhập từ vốn vào Thời Tươi đẹp không khác mấy so với giai đoạn Cách mạng Pháp và Napoléon (xem biểu đồ G6.1). Vì thế ta có thể gọi đây là sự biến động trong “giai đoạn vừa”, chứ chưa phải là biến động trong giai đoạn dài. Tuy vậy, sự lưu chuyển 10 điểm trong thu nhập quốc gia trong vòng nửa đầu thế kỉ 19 nói trên là không hề nhỏ: cụ thể: phần chủ yếu của tăng trưởng kinh tế giai đoạn này đều rơi hết vào lợi nhuận, và tiền lương - khách quan mà nói là rất khốn khổ - hoàn toàn ngưng trệ. Theo Allen, tiến trình này xảy ra được như vậy trước hết là bởi dòng lao động ồ ạt từ làng quê ra đô thị, cũng như bởi các chuyển biến công nghệ làm tăng một cách cấu trúc năng suất của vốn trong chức năng tham gia sản xuất: nói gọn là sự xuất thần của công nghệ28.
Các dữ liệu lịch sử cũng gợi ý một lịch trình tương tự cho nước Pháp. Đặc biệt, tất cả các nguồn số liệu đều chỉ ra rằng tiền lương công nhân trong giai đoạn 1810-1850 ngưng trệ hẳn, mặc dù công nghiệp lúc đó tăng trưởng ầm ầm. Các số liệu do Jean Bouvier và Fran¸cois Furet tập hợp từ các tài khoản của các công ti công nghiệp lớn của Pháp thế kỉ 19 cũng xác nhận lịch trình này: phần thu nhập từ lợi nhuận tăng lên cho đến năm 1850-1860, giảm đi từ năm 1870 đến năm 1900, rồi lại tăng vào năm 1900-191029.
Các số liệu hiện có cho thế kỉ 18 và giai đoạn Cách mạng Pháp cũng chỉ ra rằng phần thu nhập từ cho thuê ruộng đất đã tăng lên trong các thập kỉ trước Cách mạng (có vẻ thống nhất với các quan sát của Arthur Young về sự khốn cùng của nông dân Pháp30), rồi tiền lương đã tăng mạnh từ năm 1789 đến năm 1815 (có thể được giải thích bằng sự phân phối lại ruộng đất và sự huy động nhân lực phục vụ các cuộc xung đột quân sự)31. Do vậy, nếu nhìn từ thời Bourbon quay lại ngôi vua32 và thời Chế độ quân chủ tháng Bảy, giai đoạn Cách mạng Pháp và Napoléon đã để lại một kỉ niệm đẹp cho tầng lớp dân dã.
Để minh họa cho các biến động không ngừng trong giai đoạn ngắn và trung bình của phân chia vốn-làm việc xảy ra tại mọi thời đại, ta trình bày trong biểu đồ G6.6-G6.8 tiến trình hàng năm của phân chia vốn-làm việc tại Pháp từ năm 1900 đến năm 2010. Ta tách riêng một bên là tiến trình của phân chia lợi nhuận-tiền lương từ giá trị cộng thêm của các doanh nghiệp33, và bên kia là tiến trình của phần thu nhập từ tiền cho thuê nhà trong tổng thu nhập quốc gia. Đặc biệt, ta sẽ thấy là sự phân chia lợi nhuận-tiền lương đã trải qua ba pha tách biệt kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai: phần thu nhập từ lợi nhuận tăng mạnh từ năm 1945 đến năm 1968, xuống cực kì rõ rệt từ năm 1968 đến năm 1983, rồi cuối cùng lên lại rất nhanh kể từ năm 1983 và đạt ổn định tính từ đầu những năm 1990. Ta sẽ quay lại bàn về lịch trình rất có tính chính trị này trong các chương tiếp sau khi ta nghiên cứu về sự vận động của bất bình đẳng thu nhập. Ta cũng sẽ thấy là phần thu nhập từ tiền thuê nhà tăng liên tục kể từ năm 1945. Điều này dẫn đến việc phần thu nhập từ vốn tính theo toàn thể vẫn tiếp tục tăng tiến trong những năm 1990-2010, bất chấp sự chững lại của phần thu nhập từ lợi nhuận.
[sau] [trước] [lên mức trên]