[sau] [trước] [lên mức trên]

Ta nên hiểu pha tăng lên của bất bình đẳng hiện đang tiếp diễn tại Pháp kể từ năm 1982-1983 như thế nào? Ta có thể dễ dãi cho rằng đó là một hiện tượng qui mô nhỏ xét trong qui mô giai đoạn dài, một dư chấn của các biến động trước đó; vì phần lợi nhuận quanh năm 1990 cuối cùng cũng chỉ quay lại mức cũ của nó ngay trước sự kiện Tháng 5 năm 1968 mà thôi27. Tuy nhiên, sẽ rất thiếu sót nếu chỉ dừng lại ở nhận định này, vì nhiều lí do. Trước tiên, như ta đã thấy trong phần thứ hai của sách, phần lợi nhuận hiện hành vào năm 1966-1967 là cao kỉ lục và là kết quả của một quá trình lên cao lịch sử của phần thu nhập từ vốn được bắt đầu ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nếu ta tính các khoản tiền cho thuê nhà (chứ không chỉ các khoản lợi nhuận) vào thu nhập từ vốn, như đúng ra phải làm, thì ta sẽ nhận thấy rằng trong thực tế sự tăng lên của phần thu nhập từ vốn trong thu nhập quốc gia vẫn tiếp diễn trong những năm 1990-2000. Chúng ta đã thấy rằng, để hiện tượng dài hạn này được phân tích và được hiểu một cách đúng đắn, phải đặt nó trong một tiến trình tổng thể trên giai đoạn dài của tỉ số vốn/thu nhập, mà tại Pháp vào đầu thế kỉ 21 này, nó thực tế đã quay lại mức ngay trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Không thể thấu hiểu hoàn toàn những hệ lụy đối với cấu trúc bất bình đẳng của việc tài sản đang quay lại mức hưng thịnh như Thời Tươi đẹp nếu ta chỉ bằng lòng phân tích tiến trình của phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên trong thứ bậc thu nhập. Một mặt, đó là do việc kê khai hụt các thu nhập từ vốn dẫn đến các thu nhập cao bị đánh giá thấp hơn thực tế. Mặt khác, và đặc biệt là, vấn đề cốt lõi ở đây chính là sự trở lại của tài sản thừa kế. Đây là một quá trình dài và vẫn chưa bộc phát hết các hiệu ứng của nó. Quá trình này chỉ có thể phân tích được một cách đúng đắn qua việc trực tiếp nghiên cứu tiến trình của độ lớn và vai trò của tài sản thừa kế như nó vẫn vậy, việc mà ta sẽ làm trong các chương tiếp theo.

Thêm vào đó là một hiện tượng mới vừa bắt đầu tại Pháp kể từ cuối những năm 1990, đó là hiện tượng nổi bọt của các mức lương rất cao, đặc biệt là tiền thù lao của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn, và thù lao thường gặp trong ngành tài chính. Hiện tượng này hiện nay vẫn nhẹ nhàng hơn nhiều so với tại Mĩ, nhưng sẽ là sai sót nếu ta bỏ qua nó. Phần thu nhập của nhóm đường chia một trăm phía trên của thứ bậc tiền lương, từng ở mức dưới 6% tổng khối lượng tiền lương trong những năm 1980-1990, đã bắt đầu tăng lên đều đặn kể từ cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, và đang trên đường chạm 7,5%-8% tổng khối lượng tiền lương vào cuối những năm 2000 và đầu những năm 2010. Đó là một sự tăng tiến gần 30% trong vòng một chục năm, nghĩa là không nhỏ. Nếu ta lên cao hơn nữa trong thứ bậc tiền lương và tiền thưởng, nếu ta xem xét 0,1% hay 0,01% các mức lương cao nhất, ta gặp các mức tăng tiến còn cao hơn nữa, ví dụ sức mua tăng lên hơn 50% trong vòng mười năm28. Trong hoàn cảnh tăng trưởng rất thấp và sức mua của khối tiền lương cũng như của những người làm công ăn lương gần như ngưng trệ, những tiến trình thuận lợi như vậy lập tức thu hút sự chú ý. Đó thực sự là một hiện tượng mới toanh, và ta chỉ có thể hiểu được hiện tượng này một cách đúng đắn bằng cách đặt nó dưới tầm nhìn bao quát quốc tế.

27: Xem chương 6, biểu đồ G6.6.
28: Xem các nghiên cứu của C.Landais (“Các thu nhập cao tại Pháp (1998-2006). Bùng nổ bất bình đẳng?”, PSE, 2007) và của O.Godechot (“Is finance responsible for the rise in wage inequality in France ?”, Socio-Economic Review, 2012 (người dịch. Tạm dịch: “Ngành tài chính có phải chịu trách nhiệm cho sự tăng lên của bất bình đẳng tiền lương tại Pháp không ?”)).

[sau] [trước] [lên mức trên]