[sau] [trước] [lên mức trên]
Nói chung, khi nghiên cứu sự vận động của phân bố của cải, một trong những điểm chủ chốt là phải phân biệt ra nhiều bậc thời gian khác nhau. Trong khuôn khổ cuốn sách này, chúng ta trước hết quan tâm đến các tiến trình dài hạn, đến những sự vận động có tính bản chất: chúng chỉ có thể được ghi nhận trên giai đoạn ba mươi hay bốn mươi năm, thậm chí lâu hơn, như được minh chứng qua quá trình tăng có tính cấu trúc của tỉ số vốn/thu nhập tại Châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay - nó đã bắt đầu và tiếp diễn kể từ gần bảy mươi năm nay, nhưng không thể dò ra được rõ ràng như thế cách đây chỉ mười hay hai mươi năm, do nhiều tiến trình đa dạng chồng chéo lên nhau (và cũng do thiếu số liệu). Nhưng sự tập trung vào giai đoạn dài này không làm ta quên rằng luôn tồn tại, ngoài các xu hướng dài hạn, các biến động ngắn hạn hơn - dĩ nhiên là sẽ bù trừ nhau, nhưng đối với những người trong cuộc trực tiếp trải nghiệm, chúng hiện ra một cách chính đáng như một thực tế đầy chất chứa. Điều này càng đúng hơn khi các biến động được coi là “ngắn” này đôi khi có thể kéo dài khá lâu, mươi-mười lăm năm, thậm chí lâu hơn, vì thế chúng có thể choán khá nhiều chỗ trong qui mô cuộc đời một con người.
Lịch sử bất bình đẳng tại Pháp cũng như tại các nước khác lúc nào cũng chứa đầy các biến động ngắn và trung bình này, không chỉ trong giai đoạn đặc biệt hỗn loạn của thời giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới. Ta hãy dẫn ra vắn tắt các hồi đoạn. Trong mỗi cuộc Chiến tranh thế giới, ta gặp các hiện tượng co lại của thứ bậc tiền lương, rồi tiếp đó ngay sau mỗi cuộc chiến (trong những năm 1920, rồi cuối những năm 1940 và trong những năm 1950-1960) là các cuộc gây dựng lại tài sản, và bất bình đẳng tiền lương giãn rộng. Đó là các biến động với biên độ lớn: phần thu nhập của nhóm 10% những người lĩnh lương cao nhất trong tổng khối lượng tiền lương đã giảm khoảng 5 điểm trong mỗi cuộc xung đột, rồi ngay sau đó nó lên lại đúng bằng sự giảm sút này (xem biểu đồ G8.123). Ta gặp những biến động nói trên đối với các bậc lương công chức cũng như tiền lương trong khu vực kinh tế tư nhân, và lần nào cũng theo kịch bản sau: trong giai đoạn các cuộc chiến tranh, hoạt động kinh tế sụt giảm, phồng giá cả tăng, mức lương thực tế24 và sức mua cũng giảm theo, và trong quá trình này các mức lương thấp nhất thường có xu hướng được định giá lại và được bảo vệ trước phồng giá cả một cách hào phóng hơn một chút so với các mức lương cao nhất, điều này có thể dẫn đến các thay đổi lớn trong phân bố khối lượng tiền lương nếu phồng giá cả lên cao. Sự điều chỉnh sát thời giá hơn đối với các mức lương thấp và trung bình nói trên có thể được giải thích bằng tầm quan trọng của nhận thức về công bằng xã hội và về các chuẩn mực công lí trong giới làm công ăn lương: người ta tìm cách tránh việc sức mua bị giảm sút quá mạnh đối với những người có lương khiêm tốn nhất trước, và yêu cầu những người khá giả nhất đợi đến khi cuộc xung đột kết thúc để định mức lại toàn bộ lương tiền. Điều này rõ ràng đã đóng vai trò nhất định trong việc cố định bậc lương công chức. Tình hình có lẽ cũng giống như vậy - ít ra là một phần - đối với khu vực kinh tế tư nhân. Ta cũng có thể tưởng tượng rằng sự huy động một phần lớn các nhân công trẻ và tay nghề thấp cho quân đội (hay cho các trại tù) trong chiến tranh đã cải thiện vị trí tương đối của các mức lương thấp và trung bình trong thị trường lao động.
Dù sao đi nữa, các kết quả của quá trình co hẹp bất bình đẳng tiền lương lần nào cũng bị triệt tiêu trong giai đoạn sau chiến tranh, vì thế chúng rất dễ bị sơ ý bỏ qua hoàn toàn. Thế nhưng, đối với những người biết rõ các giai đoạn này, chúng hiển nhiên đã để lại dấu ấn cực kì sâu sắc. Đặc biệt, vấn đề về sự chỉnh đốn lại thứ bậc tiền lương trong khu vực kinh tế công cộng cũng như tư nhân, trong cả hai trường hợp25 đều là một trong những hồ sơ chính trị, xã hội và kinh tế nóng bỏng nhất thời sau chiến tranh.
Giờ ta xem xét lịch sử bất bình đẳng tại Pháp trong giai đoạn 1945-2010. Có ba pha phân biệt rõ ràng: bất bình đẳng thu nhập tăng mạnh từ năm 1945 đến năm 1966-1967 (phần thu nhập của đường chia mười phía trên đi từ dưới 30% thu nhập quốc gia lên khoảng 36%-37%), rồi giảm mạnh từ năm 1968 đến năm 1982-1983 (phần thu nhập của đường chia mười phía trên rớt xuống còn đúng 30%); và cuối cùng bất bình đẳng tăng lên đều đặn kể từ năm 1983, để rồi phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên đạt khoảng 33% trong những năm 2000-2010 (xem biểu đồ G8.1). Ta cũng gặp các điểm uốn xấp xỉ giống như vậy tại đường chia một trăm phía trên và đối với bất bình đẳng tiền lương (xem biểu đồ G8.2-G8.3). Một lần nữa, do các pha khác nhau này ít nhiều bù trừ nhau, ta rất dễ sơ ý bỏ qua chúng và chỉ tập trung vào sự ổn định dài hạn tương đối trong cả giai đoạn 1945-2010. Và, nếu ta chỉ quan tâm duy nhất đến các tiến trình trong giai đoạn rất dài, thì hiện tượng để lại dấu ấn tại Pháp vào thế kỉ 20 là sự co hẹp rất mạnh của bất bình đẳng thu nhập từ năm 1914 đến năm 1945, và sự ổn định tương đối sau đó. Thật ra, mỗi quan điểm đều có sự chính đáng và tầm quan trọng của nó, và chúng tôi cho rằng ta nên cố gắng suy nghĩ một cách đồng thời về các bậc thời gian khác nhau đó: một bên là thời hạn dài, và bên kia là thời hạn ngắn và vừa. Chúng ta đã từng nhắc tới điều này khi nghiên cứu về tiến trình của tỉ số vốn/thu nhập và của sự phân chia vốn-làm việc trong phần thứ hai (đặc biệt là chương 6).
Rất thú vị là sự vận động của phân chia vốn-làm việc và của bất bình đẳng trong nội bộ thu nhập từ làm việc có xu hướng đi theo cùng một chiều và tăng cường lẫn nhau trong giai đoạn ngắn và giai đoạn vừa, nhưng không nhất thiết trong giai đoạn dài. Ví dụ, mỗi cuộc Chiến tranh thế giới vừa được đặc trưng bởi sự giảm sút của phần thu nhập từ vốn trong thu nhập quốc gia (và của tỉ số vốn/làm việc) vừa bởi sự co hẹp của bất bình đẳng tiền lương. Nói chung, bất bình đẳng có xu hướng đi theo một tiến trình “xuôi chu kì” (nghĩa là đi theo cùng chiều với chu kì kinh tế, trái lại với các tiến trình “ngược chu kì”: trong các pha bùng nổ kinh tế, phần lợi nhuận trong thu nhập quốc gia có xu hướng tăng lên, và các mức lương cao (gồm cả tiền thưởng) thường tăng lên nhanh hơn so với các mức lương thấp và trung bình; và mọi việc diễn ra ngược lại trong các pha giảm tốc hoặc suy thoái (các cuộc chiến tranh có thể được xem như một dạng cực độ của việc này). Tuy nhiên tồn tại rất nhiều các loại nhân tố đa dạng, nhất là chính trị, khiến cho các biến động nói trên không chỉ phụ thuộc vào các chu kì kinh tế.
Sự tăng lên mạnh của bất bình đẳng tại Pháp từ năm 1945 đến năm 1967 (gồm một bên là sự tăng lên của phần thu nhập từ vốn trong thu nhập quốc gia và bên kia bất bình đẳng tiền lương) đã diễn ra trong hoàn cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh. Không khí chính trị chắc hẳn cũng đã đóng vài trò nhất định: toàn thể đất nước tập trung vào việc xây dựng lại, và sự ưu tiên lúc đó không phải là giảm thiểu bất bình đẳng, thêm nữa ai cũng cảm thấy bất bình đẳng đã giảm khủng khiếp sau các cuộc chiến tranh rồi. Tiền lương nhà quản lí, kĩ sư và các nhân viên có tay nghề tăng lên nhanh hơn một cách cấu trúc so với các mức lương thấp và trung bình trong những năm 1950-1960, và thoạt đầu không ai có vẻ có cảm xúc gì về việc này. Mức lương tối thiểu được lập ra năm 1950, nhưng nó gần như không bao giờ được định giá lại sau đó, đến mức mà nó tụt lại hẳn so với sự tiến lên của mức lương trung bình.
Đứt gãy xảy ra năm 1968. Phòng trào tháng Năm năm 1968 có gốc rễ sinh viên, văn hóa và xã hội, những thứ vượt khỏi vấn đề tiền lương khá xa (tất nhiên cảm giác chán chường đối với mô hình tăng trưởng coi trọng sản lượng và đầy bất bình đẳng những năm 1950-1960 chắc chắn đã đóng vai trò nào đó). Nhưng lối thoát chính trị tức thời rõ ràng là liên quan đến tiền lương: để thoát khỏi khủng hoảng, chính phủ của tướng De Gaulle đã kí hiệp ước Grenelle, gồm điều khoản chính là tăng lương tối thiểu 20%. Mức lương tối thiểu chính thức được tính bám theo (một phần) mức lương trung bình vào năm 1970, và đặc biệt là các chính phủ kế nhiệm từ năm 1968 đến năm 1983 đều cảm thấy nên đồng ý “đẩy mạnh” lương tối thiểu gần như mỗi năm một lần, trong một bầu không khí xã hội và chính trị sục sôi. Qua đó mà sức mua của lương tối thiểu đã tăng lên tất cả hơn 130% từ năm 1968 đến năm 1983, trong khi cùng lúc đó lương trung bình chỉ tăng lên khoảng 50%, do đó gây nên sự co hẹp rất mạnh của bất bình đẳng tiền lương. Sự đứt gãy với giai đoạn trước đó là rất dứt khoát và rất nặng: sức mua của mức lương tối thiểu trong giai đoạn trước lên gần 25% từ năm 1950 đến năm 1968, trong khi đó mức lương trung bình đã lên hơn gấp đôi26. Được kéo lên bởi sự tăng rất mạnh của các mức lương thấp, tổng khối lượng tiền lương tính theo tổng thể đã tăng lên nhanh hơn thấy rõ so với sản lượng trong giai đoạn những năm 1968-1983, vì thế phần thu nhập từ vốn trong thu nhập quốc gia đã giảm đi đáng kể (như được phân tích trong phần thứ hai) và bất bình đẳng thu nhập đã co hẹp một cách đặc biệt mạnh.
Tiến trình đó một lần nữa được đảo ngược vào năm 1982-1983. Chính phủ mới theo chủ nghĩa xã hội được bầu lên từ cuộc bầu cử tháng 5 năm 1981 hẳn là vẫn muốn kéo dài tiến trình trước đó. Nhưng khách quan mà nói, giữ cho mức lương tối thiểu tăng một cách lâu dài nhanh hơn hai lần so với mức lương trung bình là không hề đơn giản (nhất là khi mức lương trung bình chính nó cũng tăng nhanh hơn sản lượng). Vì vậy, vào năm 1982-1983, chính phủ này đã quyết định triển khai việc mà thời đó được gọi là cú “bẻ lái sang sự thắt chặt”: các mức lương được giữ im, và từ bỏ hẳn chính sách “đẩy mạnh” mức lương tối thiểu. Kết quả không phải đợi lâu: phần lợi nhuận trong tổng sản lượng lên như tên bắn trong giai đoạn sau những năm 1980, bất bình đẳng tiền lương lên lại, và bất bình đẳng thu nhập còn lên cao hơn thế (xem biểu đồ G8.1-G8.2). Sự đứt gãy cũng rõ ràng như sự đứt gãy năm 1968, nhưng theo chiều ngược lại.
[sau] [trước] [lên mức trên]