[sau] [trước] [lên mức trên]

Ta hãy chuyển sang nghiên cứu trường hợp Mĩ, mà điểm độc đáo chính là sự xuất hiện một xã hội của “các nhà quản lí siêu việt” trong những thập kỉ gần đây. Trước hết, xin nói rõ là đối với trường hợp nước Mĩ, chúng tôi đã cố gắng hết sức để thiết lập các dãy số lịch sử tương đồng nhất có thể với các dãy số của Pháp. Đặc biệt, chúng tôi trình bày trong biểu đồ G8.5-G8.6 các dãy số cho trường hợp nước Mĩ giống hệt như các dãy số cho trường hợp nước Pháp trong biểu đồ G8.1-G8.2: ta so sánh một bên là tiến trình của phần thu nhập của đường chia mười phía trên và đường chia một trăm phía trên trong thứ bậc thu nhập; và bên kia là thứ bậc tiền lương. Thuế liên bang đánh trên thu nhập được triển khai tại Mĩ năm 1913, kết quả của một cuộc đối đầu lê thê với Tòa án tối cao29. Các số liệu đến từ các bản kê khai thu nhập của Mĩ nói chung rất tương đồng với Pháp, mặc dù kém chi tiết hơn chút ít. Trong đó, sự kiểm kê số liệu từ các bản kê khai theo từng mức thu nhập được làm hàng năm ngay từ năm 1913, nhưng phải đợi đến năm 1927 ta mới có thêm các bảng kiểm kê theo mức tiền lương, nên các dãy số về phân bố tiền lương của Mĩ trước năm 1917 là yếu hơn chút30.


PIC
Biểu đồ G8.5: Bất bình đẳng thu nhập tại Mĩ giai đoạn 1910-2010


PIC
Biểu đồ G8.6: Phân tách nhóm đường chia mười phía trên tại Mĩ giai đoạn 1910-2010

Khi so sánh quĩ đạo của Pháp và của Mĩ, nhiều điểm tương đồng, cũng như nhiều khác biệt quan trọng, hiện lên một cách rõ ràng. Ta hãy bắt đầu bằng việc xem xét tiến trình chung của phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên trong phân bố thu nhập quốc gia tại Mĩ (xem biểu đồ G8.6). Sự việc gây choáng váng nhất là Mĩ đã trở nên bất bình đẳng hơn Pháp (và thực ra là hơn cả Châu Âu xét theo tổng thể) một cách rõ rệt trong thế kỉ 20 và vào thời đầu thế kỉ 21 này, trong khi ngay đầu thế kỉ 20 mọi chuyện là hoàn toàn ngược lại. Phức tạp là ở chỗ sự việc trên không phải là một sự lặp lại lịch sử đơn thuần: một cách định lượng, bất bình đẳng tại Mĩ những năm 2010 cũng cực độ như bất bình đẳng đặc trưng cho Châu Âu già cỗi xung quanh năm 1900-1910, nhưng cấu trúc của chúng khác nhau một cách khá rõ rệt.

Hãy xem xét mọi việc theo thứ tự. Trước tiên, vào Thời Tươi đẹp, bất bình đẳng thu nhập tại Châu Âu có vẻ mạnh hơn đáng kể so với tại Mĩ. Trong những năm 1900-1910, theo các số liệu mà ta có, nhóm đường chia mười phía trên của thứ bậc thu nhập tại Mĩ giữ khoảng hơn 40% một chút, so với 45%-50% tại Pháp (dám chắc là tại Liên hiệp Anh nó còn cao hơn thế nữa, như ta sẽ thấy trong chốc lát). Điều này ứng với một khác biệt đúp: một mặt, tỉ số vốn/thu nhập và phần thu nhập từ vốn trong thu nhập quốc gia tại Châu Âu là cao hơn tại Mĩ thời đó, như ta đã phân tích trong phần thứ hai của sách; mặt khác, tại Thế giới Mới, bất bình đẳng sở hữu vốn thời đó cũng kém cực độ hơn chút đỉnh. Điều trên hiển nhiên không có nghĩa là xã hội Mĩ năm 1900-1910 là hiện thân của một lí tưởng huyền hoặc về một xã hội công bằng do những người tiên phong đề xướng31. Thực ra, nước Mĩ thời đó đã là một xã hội bất bình đẳng cực mạnh rồi, mạnh hơn rất nhiều so với ví dụ như Châu Âu ngày nay. Chỉ cần đọc lại Henry James, hay chợt nhớ rằng tên Hockney ghê tởm, trên con tàu Titanic sang trọng năm 1912, đã từng tồn tại bằng xương bằng thịt hẳn hoi chứ không chỉ trong trí tưởng tượng của James Cameron, để nhận ra rằng cũng tồn tại một xã hội của những người cho thuê tài sản tại Boston, tại New York hay tại Philadelphia, chứ không chỉ tại Paris hay tại London. Chỉ có điều là bất bình đẳng phân bố vốn (và vì thế bất bình đẳng thu nhập từ vốn) tại Mĩ thời đó kém cực độ hơn tại Pháp và tại Anh mà thôi. Cụ thể, những người cho thuê tài sản tại Mĩ, so với mức sống trung bình tại nước này, không đông đảo và không kếch xù như những người đồng vai của họ tại Châu Âu. Ta sẽ tìm hiểu trong phần sau tại sao mọi việc lại diễn ra như vậy.

Tuy nhiên, bất bình đẳng thu nhập đã tăng tiến rất mạnh tại Mĩ trong những năm 1920, và chạm điểm đỉnh đầu tiên ngay trước cuộc khủng hoảng năm 1929, với gần 50% thu nhập quốc gia vào tay nhóm đường chia mười phía trên, tức là cao hơn tại Châu Âu vào cùng thời điểm đó, do vốn Châu Âu đã phải chịu đựng nhiều cú sốc rất mạnh kể từ năm 1914. Nhưng bất bình đẳng Mĩ không giống bất bình đẳng Châu Âu: lưu ý tầm quan trọng mấu chốt của các giá trị thêm trong các thu nhập cao của Mĩ ngay từ giai đoạn phấn chấn chứng khoán những năm 1920 (xem biểu đồ G8.5).

Trong giai đoạn cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm 1930, rất khủng khiếp tại Mĩ, trung tâm khủng hoảng, rồi giai đoạn những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, khi cả nước Mĩ được huy động để phục vụ chiến tranh (và để thoát khỏi khủng hoảng), ta nhận thấy bất bình đẳng thu nhập đã co hẹp rất mạnh tại Mĩ, và sự co hẹp này có những mặt tương đồng nhất định với Châu Âu vào cùng giai đoạn đó. Thật vậy, như ta đã thấy trong phần thứ hai, các cú sốc mà vốn tại Mĩ phải chịu đựng là không hề nhỏ: không có sự phá hủy vật lí do hai cuộc chiến tranh, dĩ nhiên rồi, nhưng có nhiều cú sốc rất mạnh đến từ cuộc suy thoái lớn và các thay đổi đáng kể về chính sách thuế do chính phủ liên bang Mĩ quyết định thực thi trong những năm 1930-1940. Tóm lại, nếu ta xét toàn bộ giai đoạn 1910-1950, ta thấy rằng sự co hẹp của bất bình đẳng tại Mĩ là yếu hơn rõ rệt so với tại Pháp (và rộng hơn là yếu hơn so với tại Châu Âu). Tổng kết: nước Mĩ đi từ điểm đỉnh bất bình đẳng thấp hơn điểm đỉnh của Châu Âu ngay trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, và tới điểm đáy cao hơn điểm đáy của Châu Âu ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Giai đoạn 1914-1945 là chuyện tự sát của riêng Châu Âu và của xã hội những người cho thuê tài sản tại Châu Âu; chứ không hề là chuyện của Mĩ.

29: Đối với năm 1910-1912, chúng tôi đã hoàn thiện các dãy số bằng các số liệu hiện có khác, đặc biệt là bằng các ước lượng đa dạng được thực hiện tại Mĩ nhằm chuẩn bị cho việc triển khai thuế thu nhập (cách làm giống với Pháp). Xem phụ lục kĩ thuật.
30: Đối với năm 1913-1926, chúng tôi đã dùng các bảng kiểm kê theo mức thu nhập và theo loại thu nhập để đánh giá tiến trình của bất bình đẳng tiền lương. Xem phụ lục kĩ thuật.
31: người dịch. Theo cách hiểu của tôi, ở đây tác giả muốn nói đến các lí tưởng về xã hội công bằng do Tocqueville đề xuất.

[sau] [trước] [lên mức trên]