[sau] [trước] [lên mức trên]

Nhưng mục đích của cuốn sách này không phải là để dự báo dân số, mà đúng hơn là để ghi nhận những kịch bản khả dĩ và từ đó phân tích những hệ lụy đối với tiến trình phân bố của cải. Bởi lẽ sự tăng trưởng dân số không chỉ có những hệ quả đối với sự phát triển và sức mạnh so sánh giữa các nước: nó còn có những hệ lụy quan trọng đối với cấu trúc bất bình đẳng nữa. Thật vậy, khi các tham số khác được giữ cố định, sự tăng trưởng dân số nhanh có xu hướng đóng vai trò tác nhân san bằng sự bất bình đẳng, bởi nó làm giảm tầm quan trọng của tài sản tích lũy trong quá khứ, vì thế giảm tầm quan trọng của thừa kế: nói cách khác mỗi thế hệ phải tự tay xây dựng cơ nghiệp từ đầu.

Lấy một ví dự cực đoan: trong một thế giới mà ai cũng có mười người con, nói chung người ta không nên trông đợi vào thừa kế thì hơn, bởi vì sau mỗi thế hệ tất cả tài sản sẽ được chia mười. Trong một xã hội như vậy, trọng lượng tổng thể của thừa kế sẽ giảm mạnh, và trong phần lớn các trường hợp người ta nên đánh cuộc vào lao động và tiết kiệm của chính mình thì thực tế hơn.

Tình hình cũng giống như vậy khi dân số thường xuyên được thay mới nhờ nhập cư, như tại Châu Mĩ. Do phần lớn những người nhập cư đến đất nước mới không mang theo tài sản gì lớn, khối lượng tài sản từ quá khứ về bản chất sẽ là khá ít ỏi so với khối tài sản mới tích lũy qua tiết kiệm. Tuy vậy sự gia tăng dân số do nhập cư cũng dẫn đến những hậu quả khác, đáng chú ý là bất bình đẳng giữa người nhập cư và người bản xứ và bất bình đẳng trong nội bộ hai nhóm này. Vì thế nó không hoàn toàn tương tự như tình trạng một xã hội mà sự vận động dân số chủ yếu đến từ sự gia tăng tự nhiên (nghĩa là thông qua tỉ lệ sinh nở).

Trực quan về hiệu ứng của tăng trưởng dân số nhanh kể trên trong chừng mực nhất định có thể được tổng quát hóa cho sự tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, trong một thế giới mà sản phẩm theo đầu người được nhân lên mười lần sau mỗi thế hệ, thì người ta nên trông cậy vào thu nhập và tiết kiệm từ chính lao động của mình thì hơn: thu nhập của các thế hệ trước là quá thấp so với thu nhập hiện tại, nên tài sản do cha mẹ hoặc ông bà tích lũy không có gì đáng giá cả.

Ngược lại, sự ngưng trệ hoặc sự giảm dân số làm tăng trọng lượng của đồng vốn do các thế hệ trước tích lũy. Tình hình cũng giống như vậy đối với sự ngưng trệ kinh tế. Hơn nữa, nếu tăng trưởng thấp, tỉ lệ lãi trên vốn có nhiều khả năng vượt hẳn tỉ lệ tăng trưởng (ta đã nhắc đến điều kiện này trong phần vào đề): nó là lực chính kéo theo bất bình đẳng rất lớn trong phân bố của cải trong giai đoạn dài. Như ta sẽ thấy trong phần sau của sách, những xã hội coi trọng tài sản (tức là được cấu trúc chặt chẽ bởi tài sản và thừa kế) mà ta gặp trong quá khứ, dù đó là xã hội nông thôn truyền thống hoặc xã hội Châu Âu thế kỉ 19, chỉ có thể xuất hiện và tồn tại dai dẳng trong điều kiện tăng trưởng thấp. Ta sẽ thử nghiên cứu xem dưới những điều kiện nào chế độ tăng trưởng thấp này có thể quay trở lại. Nếu trở thành hiện thực, nó sẽ có những hệ quả lớn đối với sự vận động của tích lũy vốn và cấu trúc bất bình đẳng. Tài sản thừa kế sẽ lại trở nên quan trọng. Hiện tượng dài hạn này đã bắt đầu có một vài hiệu ứng tại Châu Âu; nếu điều kiện cho phép nó có thể sẽ trở nên phổ biến tại những khu vực khác trên thế giới nữa. Đó là lí do tại sao trong khuôn khổ nghiên cứu này, bạn đọc nên làm quen ngay từ bây giờ với lịch sử tăng trưởng dân số và kinh tế.

Ta hãy nêu thêm một cơ chế khác. Cơ chế này có tính bổ sung; nó mơ hồ và không quan trọng bằng cơ chế đầu tiên. Theo đó sự tăng trưởng có thể kéo theo xu hướng giảm bất bình đẳng, hoặc ít ra là xu hướng giới tinh túy được thay mới nhanh hơn. Khi sự tăng trưởng bằng 0 hoặc rất thấp, những chức năng kinh tế xã hội và những loại hoạt động nghề nghiệp sẽ được lặp lại gần như y nguyên từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngược lại, một sự tăng trưởng liên tục, dù chỉ là từ 0,5%, 1% hoặc 1,5% một năm, sẽ thường xuyên tạo ra những những công việc mới, nghĩa là mỗi thế hệ sẽ cần có những kĩ năng mới. Do óc cảm nhận và năng lực chỉ được truyền một phần qua các thế hệ - hay ít ra được truyền một cách kém tự động và máy móc hơn nhiều so với sự thừa kế vốn đất đai, bất động sản hoặc tài chính -, sự tăng trưởng tạo điều kiện cho những người mà cha mẹ không thuộc giới tinh túy có thể vươn lên trong xã hội. Tuy sự gia tăng tính linh động xã hội kể trên không nhất thiết dẫn đến sự giảm bất bình đẳng thu nhập, nhưng trên nguyên tắc nó sẽ giúp hạn chế bất bình đẳng tài sản lặp lại và lớn lên theo thời gian, vì vậy nó sẽ hạn chế trong chừng mực nào đó biên độ của bất bình đẳng thu nhập trong giai đoạn dài.

Tuy nhiên ta cần phải đề phòng một quan điểm thỏa hiệp theo đó sự tăng trưởng hiện đại hoạt động như là một nhân tố giúp phát hiện tài năng và năng khiếu cá nhân. Lập luận này có phần đúng, nhưng nó rất hay được dùng kể từ đầu thế kỉ 19 để biện hộ cho mọi sự bất bình đẳng, bất kể biên độ và nguồn gốc thật sự; và để tô vẽ các đức tính tốt đẹp lên những người thắng cuộc trong chế độ sản xuất công nghiệp mới thời đó. Charles Dunoyer, nhà kinh tế học theo trường phái tự do và quận trưởng dưới Chế độ quân chủ tháng Bảy13, đã viết như sau vào năm 1845 trong cuốn sách có tựa đề  Sự tự do trong công việc (trong sách đó ông ngang nhiên phản đối tất cả mọi sự lập pháp bó buộc): “Hiệu ứng của chế độ công nghiệp là phá hủy những bất bình đẳng giả tạo; nhưng làm hiện rõ hơn những bất bình đẳng tự nhiên”. Theo Dunoyer, những bất bình đẳng tự nhiên này bao gồm những khác biệt về năng lực thể chất, trí tuệ và tinh thần, xuất hiện ở tâm điểm của nền kinh tế mới đầy ắp tăng trưởng và phát kiến mà ông thấy quanh mình. Chính điều này khiến ông khước từ mọi can thiệp của Nhà nước: “Sự hơn người làm nên tất thảy những gì lớn lao và có ích. Hãy thử dập bằng tất tần tật và bạn sẽ dập tất cả thành lũ ăn không ngồi rồi14”. Trong những năm 2000-2010, thỉnh thoảng ta được nghe lại ý tưởng trên, theo đó nền kinh tế thông tin mới sẽ giúp những người tài năng nhất tăng năng suất lao động lên gấp bội. Rõ là lập luận trên rất hay được dùng để thanh minh cho tình trạng bất bình đẳng cực độ và để bảo vệ hiện trạng cho những kẻ được lợi, mà không đếm xỉa gì đến những điều mắt thấy tai nghe cũng như những người thua thiệt; và nó không thật sự tìm cách kiểm chứng xem nguyên tắc dễ dãi này có cho phép giải thích những tiến trình được ghi nhận trong lịch sử hay không. Ta sẽ trở lại điểm này.

13: người dịch. Ý nói Vương quốc Pháp dưới thời vua Louis Philippe 1, tính từ năm 1830.
14: Xem P.Rosanvallon, Xã hội của những điều bình đẳng, Seuil, 2011, trang 131-132.

[sau] [trước] [lên mức trên]