[sau] [trước] [lên mức trên]

Lược đồ chung này khá quen thuộc, nhưng nó xứng đáng được nói rõ và trau chuốt kĩ trên nhiều điểm. Trước tiên, gói gọn Châu Âu và Châu Mĩ thành một “khối phương tây” có điểm lợi duy nhất là giúp cho việc trình bày được đơn giản hơn, nhưng cũng rất nhân tạo. Đặc biệt, trọng lượng kinh tế của Châu Âu đã đạt đến cực điểm chiều hôm trước Chiến tranh thế giới thứ nhất (gần 50% SPTTC31 và từ đó không ngừng giảm đi), trong khi đó trọng lượng kinh tế Châu Mĩ đạt đỉnh điểm trong những năm 1950-1960 (gần 40% SPTTC).

Ngoài ra, mỗi lục địa có thể được phân tách thành hai tập con rất không đều nhau: một lõi cực kì phát triển và một vành đai phát triển trung bình. Nói chung, phân tích bất bình đẳng toàn cầu theo những khối qui mô khu vực thì hợp lí hơn qui mô châu lục. Điều này được thấy rõ rệt khi ta tham khảo bảng T.1.1, trong đó ta biểu thị sự phân bố của SPTTC năm 2012. Tất nhiên thuộc lòng tất cả các số liệu này không có ích gì, nhưng cũng không vô ích khi ta làm quen với những ước lượng độ lớn chính.

Trên phạm vi toàn cầu, dân số đạt quanh mức 7 tỉ người vào năm 2012, và SPTTC vượt qua mức 70000 tỉ euro chút xíu, nên SPTĐN32 gần như đạt chính xác 10000 euro. Nếu ta rút số đó đi 10% đại diện cho sự xuống giá của vốn rồi chia cho mười hai, ta thu được thu nhập hàng tháng trung bình ở mức tương đương 760 euro một người - nghe có lẽ dễ hiểu hơn. Nói cách khác, nếu sản lượng toàn cầu và thu nhập từ sản lượng đó được chia đều một cách hoàn hảo, thì mỗi cư dân trên hành tình này có thu nhập khoảng 760 euro một tháng.


PIC

Bảng T.1.1: Sự phân bố của SPTTC năm 2012


Châu Âu có 740 triệu dân, trong đó khoảng 540 triệu trong Liên minh Châu Âu (LMCA) với SPTĐN vượt 27000 euro; và khoảng 200 triệu trong khối Nga/Ukraine với SPTĐN khoảng 15000 euro, tức là nhỉnh hơn mức trung bình toàn cầu 50%33. Chính Liên minh Châu Âu cũng tương đối không đồng nhất: một mặt nó gồm 410 triệu dân tại Tây Âu cũ (trong đó ba phần tư tại năm nước đông dân nhất: Đức, Pháp, Liên hiệp Anh, Ý, Tây Ban Nha), với SPTTN trung bình đạt 31000 euro; mặt khác nó gồm 130 triệu dân tại Đông Âu cũ, với SPTĐN trung bình khoảng 16000 euro, không khác khối Nga/Ukraine mấy34.

Châu Mĩ cũng được chia thành hai tập hợp phân biệt, và hai tập hợp này còn kém đồng nhất hơn so với khu vực trung tâm và vành đai Châu Âu: khối Mĩ/Canada, với 350 triệu dân và 40000 euro SPTĐN; và Mĩ Latin, với 600 triệu dân và 10000 euro SPTĐN, tức là chính xác bằng mức trung bình toàn cầu.

Châu Phi dưới Sahara, với 900 triệu dân và tổng SPTTN chỉ có 1800 tỉ euro (ít hơn SPTTN của Pháp: 2000 tỉ), là khu vực kinh tế nghèo nhất thế giới, với 2000 euro SPTĐN. Ấn Độ cao hơn chút xíu, Bắc Phi cao hơn hẳn, và Trung Quốc còn hơn nữa: với gần 8000 euro SPTĐN, Trung Quốc của năm 2012 không xa mức trung bình thế giới lắm. Nhật có SPTĐN tương đương với những nước Châu Âu giàu nhất (khoảng 30000 euro), nhưng dân số của Nhật quá ít nên không ảnh hưởng mấy lên mức trung bình châu lục tại Châu Á - mức này gần với SPTĐN của Trung Quốc35.

31: người dịch. Viết tắt của “sản phẩm thô toàn cầu”.
32: người dịch. Viết tắt của “sản phẩm thô đầu người”.
33: Để đơn giản hóa, ta bao gồm những nước nhỏ tại Châu Âu vào Liên minh Châu Âu: Thụy Sĩ, Nauy, Serbia, v.v. Những nước này được bao quanh bởi khối LMCA nhưng vẫn chưa là thành viên của LMCA (dân số của LMCA năm 2012 nói thật chặt chẽ là 510 triệu người chứ không phải 540 triệu). Cũng như vậy, Belarus và Moldova được gộp vào trong khối Nga/Ukraine. Thổ Nhĩ Kì, khu vực Caucasus và Trung Á được tính vào Châu Á. Bạn đọc xem những số liệu chi tiết cho từng nước trên mạng.
34: Xem bảng bổ sung S1.1 (có trên mạng).
35: Tình hình cũng như vậy đối với Úc và New Zealand (gần 30 triệu dân, tức là ít hơn 0.5% dân số toàn cầu, với khoảng 30000 euro SPTĐN), để đơn giản ta gộp hai nước này vào Châu Á. Xem bảng bổ sung S1.1 (có trên mạng).

[sau] [trước] [lên mức trên]