[sau] [trước] [lên mức trên]

Ta hãy tiếp tục xem xét về sự tăng trưởng dân số toàn cầu.

Nếu nhịp độ tăng trưởng dân số từ năm 1700 đến năm 2012 - tương đương trung bình 0,8% một năm - xảy ra từ thời Cổ đại, thì dân số toàn cầu đã được nhân lên gần một trăm nghìn lần từ năm 0 đến năm 1700. Do dân số toàn cầu năm 1700 được ước tính khoảng 600 triệu người, ta sẽ phải giả sử mức dân số thấp phi lí tại thời Christ (dưới 10000 người trên toàn thế giới) để các con số khớp nhau. Ngay cả tỉ lệ 0,2%, tích tụ lại trong một nghìn bảy trăm năm, cũng sẽ dẫn đến dân số toàn cầu chỉ có 20 triệu người tại đầu thời đại của chúng ta4; trong khi thông tin hiện có gợi ý rằng dân số thời đó phải cao hơn 200 triệu người, trong đó gần 50 triệu người trong Đế chế Roma. Bất kể những khiếm khuyết của các nguồn số liệu lịch sử và ước lượng dân số toàn cầu tại hai thời điểm trên, không nghi ngờ gì nữa tỉ lệ tăng trưởng dân số trung bình giữa năm 0 và năm 1700 phải thấp hơn rõ rệt 0,2% một năm, và chắc chắn dưới 0,1%.

Ngược lại với một số ý kiến phổ biến, chế độ kiểu Malthus với sự tăng trưởng rất thấp trên không tương đương với một tình trạng ngưng trệ dân số hoàn toàn. Nhịp độ tăng tiến dĩ nhiên rất chậm, và sự tăng trưởng tích tụ lại trên nhiều thế hệ thường bị hủy bỏ trong vài năm - hậu quả của một cuộc khủng hoảng vệ sinh y tế và thiếu thốn thực phẩm5. Nhưng nó đủ khiến cho dân số tăng thêm khoảng một phần tư từ năm 0 đến năm 1000, rồi một nửa từ năm 1000 đến năm 1500, rồi lại một nửa nữa từ năm 1500 đến năm 1700 - giai đoạn mà sự tăng trưởng dân số tiến dần đến mức 0,2% một năm. Sự tăng tốc của tăng trưởng dân số rất có thể là một quá trình tuần tự từng bước một, nó tăng theo nhịp độ của những tiến bộ trong hiểu biết y tế và điều kiện vệ sinh, nghĩa là cực kì chậm.

Chỉ từ năm 1700 sự tăng trưởng dân số mới thật sự tăng tốc mạnh, với tỉ lệ tăng trưởng vào khoảng trung bình 0,4% một năm tại thế kỉ 18, rồi 0,6% tại thế kỉ 19. Châu Âu, cùng với phần mở rộng của nó là Châu Mĩ6 đã có quá trình tăng dân rất nhanh từ năm 1700 đến năm 1913, nhưng vừa chứng kiến quá trình này bị đảo ngược tại thế kỉ 20: tỉ lệ tăng trưởng dân số Châu Âu đã giảm đi hai lần, ở mức 0,4% một năm từ năm 1913 đến năm 2012, so với 0,8% từ năm 1820 đến năm 1913. Đây là hiện tượng chuyển dịch dân số quen thuộc: kì vọng tuổi thọ dù được nâng lên liên tục vẫn không đủ bù lại sự giảm tỉ lệ sinh nở, khiến nhịp độ tăng tiến dân số quay lại mức thấp.

Tuy nhiên, tại Châu Á và Châu Phi, tỉ lệ sinh nở vẫn giữ ở mức cao trong giai đoạn dài hơn nhiều so với Châu Âu, vì thế dân số đã tăng nhanh chóng mặt tại thế kỉ 20: 1,5%-2% một năm - nghĩa là dân số đã được tăng lên hơn năm lần (thậm chí hơn nữa) trong vòng một thế kỉ. Ai Cập có suýt soát 10 triệu dân vào đầu thế kỉ 20; ngày này có hơn 80 triệu. Nigeria hay Pakistan thời đó chật vật mới có hơn 20 triệu dân, ngày này dân số của những nước này đã vượt quá 160 triệu.

Rất thú vị là nhịp độ tăng trưởng dân số tại Châu Á và Châu Phi trong thế kỉ 20 - tương đương 1,5%-2% một năm - là gần giống với nhịp độ tại Châu Mĩ trong thế kỉ 19 và 20 (xem bảng T.2.3). Như thế nước Mĩ đã đi từ gần 3 triệu dân trong những năm 1780 lên 100 triệu trong những năm 1910 và hơn 300 triệu trong những năm 2010, tức là tăng lên hơn một trăm lần trong vòng hơn hai thế kỉ chút xíu. Dĩ nhiên, điểm khác biệt mấu chốt là sự tăng trưởng dân số của Thế giới Mới phần lớn được giải thích bằng người nhập cư đến từ những châu lục khác, đặc biệt là Châu Âu, trong khi mức tăng trưởng dân số 1,5%-2% hàng năm tại Châu Á và Châu Phi trong thế kỉ 20 hoàn toàn có thể đưa về sự gia tăng tự nhiên (số người sinh ra nhiều hơn số người chết đi).

Kết quả của sự bùng nổ dân số này: tỉ lệ tăng trưởng dân số trên phạm vi toàn cầu tại thế kỉ 20 đạt mức kỉ lục 1,4% một năm, trong khi nó chỉ là 0,4%-0,6% vào thế kỉ 18 và 19 (xem bảng T.2.3).


PIC
Bảng T.2.3: Sự tăng trưởng dân số kể từ Cách mạng công nghiệp

Có việc quan trọng là ta nên nhận thức được rằng thế giới vừa chớm thoát khỏi quá trình tăng tốc vô tận của nhịp độ tăng trưởng dân số. Từ năm 1970 đến năm 1990, dân số toàn cầu tăng hơn 1,8% một năm, tức là gần bằng mức kỉ lục cao nhất trong lịch sử đạt được từ năm 1950 đến năm 1970 (1,9%). Từ năm 1990 đến năm 2012, nhịp độ vẫn ở mức 1,3% một năm. Nhịp độ này là nhanh khủng khiếp7.

Theo những dự báo chính thức, sự chuyển dịch dân số trên phạm vi toàn cầu, tức là sự ổn định hóa của dân số thế giới, từ giờ sẽ diễn ra khẩn trương hơn. Theo kịch bản giữa của Liên hiệp quốc, tỉ lệ tăng trưởng dân số có thể xuống dưới mức 0,4% một năm trước năm 2030-2040 và sẽ xác lập ở mức khoảng 0,1% kể từ năm 2070-2080. Nếu những dự báo này thành hiện thực, đó sẽ là một sự quay trở lại chế độ tăng trưởng dân số thấp từng thấy trước năm 1700. Tỉ lệ tăng trưởng dân số thế giới khi đó sẽ trải qua một đường cong hình chuông khổng lồ bao phủ giai đoạn 1700-2100, với đỉnh điểm ngoạn mục gần mức 2% một năm từ năm 1950 đến năm 1990 (xem biểu đồ G2.2).


PIC

Biểu đồ G2.2: Tỉ lệ tăng trưởng dân số toàn cầu từ thời Cổ đại đến năm 2100


Nhưng vẫn phải nói thêm rằng sự tăng trưởng dân số thấp dự kiến trong nửa sau thế kỉ này (0,2% trong khoảng năm 2050 đến năm 2100) hoàn toàn nhờ Châu Phi kéo lên (tỉ lệ tăng trưởng tại đây là 1% một năm). Trên ba châu lục khác, dân số sẽ ngưng trệ (0,0% tại Châu Mĩ), hoặc giảm (-0,1% tại Châu Âu và -0,2% tại Châu Á). Tình trạng tăng trưởng âm kéo dài như vậy trong thời bình sẽ là một trải nghiệm chưa từng có trong lịch sử (xem bảng T.2.3).

4: người dịch. Ý nói năm 0.
5: Ví dụ đặc trưng là Nạn dịch hạch lớn năm 1347 tàn sát một phần ba dân số Châu Âu. Thế là nó hủy bỏ hoàn toàn kết quả của nhiều thế kỉ tăng trưởng chậm chạp.
6: người dịch. Ý nói thời đó Châu Mĩ vẫn là thuộc địa của một số nước Châu Âu.
7: Nếu tính đến sự già đi, nhịp độ tăng trưởng dân số người trưởng thành toàn cầu còn cao hơn nữa: trung bình 1,9% một năm từ năm 1990 đến năm 2012 (số lượng người trưởng thành trong dân số toàn cầu tăng từ 57% lên 65% trong giai đoạn này; vào năm 2012 nó đạt khoảng 80% tại Châu Âu và Nhật, và 75% tại Bắc Mĩ). Xem phụ lục kĩ thuật.

[sau] [trước] [lên mức trên]