[sau] [trước] [lên mức trên]

Trước khi nghiên cứu điều trên, ta hãy dừng lại một chút để nói về sự đa dạng rất lớn của các nhóm xã hội tập họp trong nhóm đường chia mười phía trên của thứ bậc thu nhập. Bởi lẽ, ngoài việc đường biên giới giữa các nhóm xã hội khác nhau đã di chuyển theo thời gian (trước kia thu nhập từ vốn áp đảo toàn bộ nhóm đường chia một trăm phía trên, và ngày nay chỉ áp đảo trong nhóm đường chia một nghìn phía trên), việc có nhiều thế giới cùng chung sống trong lòng nhóm đường chia mười phía trên cũng giúp hiểu rõ hơn các tiến trình thường hỗn độn trong giai đoạn ngắn và giai đoạn vừa. Nhân tiện ta cũng sẽ thấy được sự dồi dào của các nguồn số liệu lịch sử từ các bản kê khai thu nhập; bất kể những sự không hoàn thiện của chúng (ta sẽ trở lại điểm này sau), cho phép cập nhật và phân tích một cách chính xác sự đa dạng của các nhóm xã hội nói trên và tiến trình của chúng. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là tại tất cả các nước mà chúng ta có số liệu, tại tất cả các thời kì, thành phần của các thu nhập cao luôn được đặc trưng bởi các đường cong cắt chéo nhau như trình bày trong biểu đồ G8.3-G8.4 đối với nước Pháp từ năm 1932 đến năm 2005: phần thu nhập từ làm việc luôn giảm dần một cách rõ rệt khi ta đi lên cao dần trong nhóm đường chia mười phía trên, và phần thu nhập từ vốn luôn luôn tăng dần một cách rất mãnh liệt.

Khi xét nhóm một nửa nghèo nhất của đường chia mười phía trên, ta thật sự đi vào thế giới của những nhà quản lí: tiền lương nói chung chiếm từ 80% đến 90% tổng thu nhập7. Trong số 4% tiếp theo, tiền lương giảm nhẹ, nhưng vẫn áp đảo một cách rõ rệt: từ 70% đến 80% tổng thu nhập, trong giai đoạn giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới cũng như hiện nay (xem biểu đồ G8.3-G8.4). Trong nhóm “9%” đông đảo này (xin nhắc lại, đó là nhóm thuộc đường chia mười phía trên không tính nhóm thuộc đường chia một trăm phía trên), ta gặp trước hết những người chủ yếu sống bằng tiền lương, dù đó là các nhà quản lí và kĩ sư của các doanh nghiệp tư nhân hay các công chức và giáo viên làm việc trong các cơ quan công cộng. Thông thường họ lĩnh các khoản tiền lương khoảng gấp hai hay ba lần mức lương trung bình của xã hội đang xét, ví dụ 4000 euro hay 6000 euro một tháng nếu mức lương trung bình là 2000 euro một tháng.

Dĩ nhiên, các kiểu việc làm và các mức độ tay nghề đã thay đổi rất nhiều theo thời gian: vào thời giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới, giáo viên trường trung học, hay thậm chí là giáo viên tiểu học ở cuối sự nghiệp, cũng nằm trong nhóm “9%”; ngày nay, muốn vậy phải làm giảng viên đại học hoặc nhà nghiên cứu, hay tốt hơn nữa là công chức cấp cao8. Ngày xưa, một đốc công hay một kĩ thuật viên lành nghề không cách xa nhóm này mấy; ngày nay phải là một nhà quản lí hẳn hoi, càng ngày càng cần phải là một nhà quản lí cao cấp chứ trung bình không đủ, nếu có thể phải tốt nghiệp trường kĩ sư hay trường thương mại9. Tình hình cũng giống như vậy ở phía thấp của nấc thang tiền lương: ngày xưa, những người được trả lương thấp nhất (tiêu biểu quanh mức một nửa mức lương trung bình: 1000 euro một tháng nếu mức lương trung bình là 2000 euro) là những lao động nông nghiệp và giúp việc nhà; rồi đến công nhân công nghiệp kém lành nghề nhất và được trả bèo nhất, thường là các công nhân nữ, ví dụ trong ngành dệt hoặc nông-thực phẩm; ngày nay, nhóm này còn lâu mới biến mất, nhưng các khoản tiền lương thấp nhất chủ yếu tập hợp các lao động dịch vụ, chẳng hạn như những người bưng bê trong nhà hàng và những người bán hàng trong cửa hàng (một lần nữa thường lại là phụ nữ). Nghề nghiệp đã hoàn toàn thay đổi trong vòng một thế kỉ. Nhưng thực trạng có tính cấu trúc vẫn giữ nguyên như cũ. Bất bình đẳng tiền lương chạy suốt giới lao động: gần xịt với đỉnh là nhóm “9%” và phía dưới đế là nhóm 50% những người được trả lương thấp nhất. Nó không thay đổi mấy trong giai đoạn dài.

Trong nhóm “9%”, ta cũng gặp các bác sĩ, luật sư, người làm thương mại, chủ nhà hàng, và những người tự thân làm ăn không lương khác - với số lượng tăng dần khi ta tiến gần tới nhóm “1%”, như được thể hiện qua đường biểu diễn phần “thu nhập pha trộn” (thu nhập của những người lao động không lương, vừa trả cho lao động vừa trả cho vốn nghề nghiệp của họ) (được trình bày một cách riêng rẽ trong các biểu đồ G8.3-G8.4). Các thu nhập pha trộn chiếm tới 20%-30% tổng thu nhập ở gần ngưỡng bắt đầu của đường chia một trăm phía trên, rồi giảm xuống và bị áp đảo một cách rõ rệt bởi các thu nhập từ vốn thuần túy (tiền thuê nhà, tiền lãi, lợi nhuận trên vốn góp) khi ta lên cao dần trong nhóm đường chia một trăm phía trên. Để nở mày nở mặt trong nhóm “9%”, hay để thâm nhập vào các tầng đầu tiên của nhóm “1%”, ví dụ để đạt được thu nhập cao hơn khoảng bốn hay năm lần mức trung bình (tức là, để đạt được 8000 euro hay 10000 euro một tháng, trong một xã hội mà tiền lương trung bình là 2000 euro), thì trở thành bác sĩ, luật sư hoặc chủ nhà hàng thành đạt có thể là một chiến lược hay, cũng gần phổ biến bằng chiến lược trở thành nhà quản lí cao cấp trong một doanh nghiệp lớn (nhưng trông thế mà chỉ hay bằng nửa10). Nhưng để bay lên tầng không của nhóm “1%” và có thu nhập cao hơn mức trung bình nhiều chục lần (tức là, nhiều trăm nghìn euro một năm, thậm chí nhiều triệu euro), chiến thuật như trên có cơ không đạt: nên là chủ sở hữu của một khối tài sản lớn thì hay hơn11.

Rất thú vị là chỉ có trong giai đoạn ngay lập tức sau chiến tranh (năm 1919-1920 tại Pháp, rồi một lần nữa năm 1945-1946, mỗi lần đều có thời gian rất ngắn), thì thứ bậc nói trên mới bị đảo ngược và các thu nhập pha trộn mới vượt qua (một cách ngắn ngủi) các thu nhập từ vốn thuần túy để lên đỉnh của đường chia một trăm phía trên. Điều này có vẻ tương ứng với các hiện tượng tích lũy tài sản mới rất nhanh chóng liên quan đến sự xây dựng lại12.

Tóm lại: đường chia mười phía trên luôn tạo nên hai thế giới rất khác biệt, một bên là nhóm “9%” trong đó thu nhập từ làm việc luôn áp đảo một cách rõ rệt, và bên kia là nhóm “1%” trong đó thu nhập từ vốn dần dần chiếm ngôi trên (nhanh đến đâu, nặng đến đâu tùy vào từng giai đoạn). Sự chuyển dịch này luôn diễn ra một cách từ từ, và tất cả các đường biên giới nói trên luôn rỗng xốp, nhưng khác biệt là rất rõ ràng và có tính hệ thống.

Ví dụ, thu nhập từ vốn hiển nhiên là không vắng mặt trong thu nhập của nhóm “9%”. Nhưng đó thường là các thu nhập phụ thêm, chứ không phải là các thu nhập chính. Ví dụ, một nhà quản lí có lương 4000 euro một tháng cũng có thể sở hữu một căn hộ cho thuê với giá 1000 euro một tháng (hoặc người này sống ngay trong căn hộ đó, như thế sẽ khỏi phải trả tiền thuê nhà 1000 euro một tháng, tức là như nhau dưới góc độ tài chính). Trong trường hợp này, tổng thu nhập của người này là 5000 euro một tháng, gồm có 80% thu nhập từ làm việc và 20% thu nhập từ vốn. Trong thực tế, phân chia kiểu 80%-20% giữa thu nhập từ làm việc và từ vốn như trên đúng là khá tiêu biểu cho cấu trúc thu nhập của nhóm “9%” trong giai đoạn giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới cũng như vào thời đầu thế kỉ 21 này. Một phần của các thu nhập này cũng đến từ các sổ tiết kiệm, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và các khoản đầu tư tài chính, nhưng nói chung bất động sản luôn áp đảo13.

Ngược lại, trong nhóm “1%”, chính các thu nhập từ làm việc dần dần trở thành các thu nhập phụ thêm, và các thu nhập từ vốn từ từ chuyển thành thu nhập chính. Một qui luật thú vị khác là nếu ta phân tách các thu nhập từ vốn một cách chi li hơn thành thu nhập từ nhà đất (tiền thuê nhà) và thu nhập từ vốn động (lợi nhuận trên vốn góp và tiền lãi), thì ta sẽ thấy rằng sự tăng lên rất mạnh của phần thu nhập từ vốn trong nhóm đường chia mười phía trên chủ yếu là do thu nhập từ vốn động (nhất là từ các lợi nhuận trên vốn góp). Ví dụ, tại Pháp, vào năm 1932 cũng như năm 2005, phần thu nhập từ vốn đi từ suýt soát 20% khi bước vào nhóm “9%” lên khoảng 60% tại đường chia mười nghìn phía trên (0,01% các thu nhập cao nhất). Trong cả hai trường hợp, sự tăng lên rất mạnh này hoàn toàn được giải thích bởi các thu nhập tài chính (và gần như toàn bộ bởi các lợi nhuận trên vốn góp): phần thu nhập từ nhà đất chững lại xung quanh mức 10% tổng thu nhập và thậm chí có xu hướng thấp hơn nữa trong nhóm đường chia một trăm phía trên. Qui luật này tương ứng với việc các tài sản lớn thường chủ yếu là tài sản tài chính (nhất là dưới dạng phiếu góp vốn và phần sở hữu công ti).

7: Cũng giống như chín phần mười dân số phía dưới đường chia một trăm thứ 90, nhưng chín phần mười này có lương (hoặc thu nhập thay thế: lương hưu, trợ cấp thất nghiệp) thấp hơn.
8: Các bậc lương công chức là một trong các bậc lương mà ta biết rõ nhất trong giai đoạn dài. Đặc biệt, tại Pháp, chúng được lưu trữ hàng năm một chính xác và chi tiết trong các tài liệu ngân sách và quốc hội kể từ đầu thế kỉ 19. Tiền lương trong khu vực kinh tế tư nhân không được ghi chép tốt như vậy: ta biết rõ chúng là nhờ vào các nguồn dữ liệu về thuế, vì thế rất mờ mịt trong giai đoạn trước khi thuế thu nhập bắt đầu được áp dụng vào năm 1914-1917. Các số liệu về tiền lương công chức hiện có gợi ý rằng thứ bậc tiền lương hiện hành vào thế kỉ 19 nói một cách xấp xỉ là khá tương đồng với thứ bậc tiền lương trung bình trong giai đoạn 1910-2010 (điều này đúng cho phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên cũng như nhóm một nửa phía dưới; phần thu nhập của nhóm đường chia một trăm phía trên lúc đó có lẽ cao hơn một chút; do thiếu số liệu tin cậy cho khu vực kinh tế tư nhân, ta không thể nói chính xác hơn được). Xem phụ lục kĩ thuật.
9: người dịch. Nguyên bản: grande école d’ingénieur ou de commerce.
10: Trong những năm 2000-2010, phần tiền lương trong nhóm kẹp giữa đường chia P99-P99,5 và P99,5-P99,9 (tương đương với 9 phần 10 nhóm đường chia một trăm phía trên) đạt 50%-60% tổng thu nhập, so với 20%-30% cho các thu nhập pha trộn (xem biểu đồ G8.4. Sự áp đảo của các mức lương cao đối với các thu nhập pha trộn vào giai đoạn giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới là yếu hơn hiện nay chút ít (xem biểu đồ G8.3).
11: Tương tự như trong các chương trước, các khoản tiền bằng euro dẫn ra tại đây được chủ ý làm tròn và tính xấp xỉ (đơn giản là để đưa ra các số độ lớn mà thôi). Các ngưỡng chính xác của các đường chia một trăm và một nghìn, theo từng năm, được đăng trên mạng.
12: Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng các phân loại ta dùng để thiết lập các đường biên giới kể trên là không hoàn hảo: như đã lưu ý trong chương 6, một số thu nhập tự thân có thể bị ẩn trong các khoản lợi nhuận trên vốn góp và vì vậy được xếp vào thu nhập từ vốn. Về các phân tích chi tiết từng năm một cho tiến trình của thành phần các đường chia một trăm và một nghìn phía trên tại Pháp kể từ năm 1914, xem T.Piketty, Các thu nhập cao tại Pháp vào thế kỉ 20, sách đã dẫn, trang 93-168.
13: Trong biểu đồ G8.4, thu nhập từ vốn có vẻ chiếm dưới 10% thu nhập của nhóm “9%”, nhưng việc này là do các biểu đồ (cũng như các dãy số về phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên và đường chia một trăm phía trên) nói trên chỉ dựa vào các thu nhập từ vốn xuất hiện trong các bản kê khai thu nhập, vì thế không tính đến các khoản tiền thuê nhà “ảo” kể từ những năm 1960 (nghĩa là giá trị tiền thuê chỗ ở do chính chủ sở hữu sống ngay trong đó: khoản này trước đây nằm trong thu nhập bị đánh thuế). Nếu ta tính đến các thu nhập từ vốn không bị đánh thuế (trong đó có các khoản tiền thuê nhà ảo), phần thu nhập từ vốn sẽ đạt tới - thậm chí vượt qua một chút - mức 20% trong thu nhập của nhóm “9%” những năm 2000-2010. Xem phụ lục kĩ thuật.

[sau] [trước] [lên mức trên]