Đây hi vọng sẽ là một câu chuyện dài. Nhưng trước hết hãy để tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện của tôi. Về những vòng tròn luẩn quẩn.
Khi tôi nhìn vào trang giấy này, đầu óc trống rỗng, không biết viết gì thì nghĩa là lịch sử lặp lại. Không khác khi xưa tôi nhìn sâu vào những bài toán phổ thông. Đó chính xác là cảm giác bất lực. Không phải là vì những chữ nghĩa, những lời giải khó tìm mà là vì những ý nghĩa sâu xa hơn.
Liệu những gì tôi đang cố viết và truyền tải có là vô nghĩa.
Liệu cái đích cuối cùng của những kiểu công việc giống như kiểu làm mấy bài toán này có mang một ý nghĩa nào đó cho cuộc sống này không?
Hình ảnh những con số, những kí hiệu nhảy múa, những mẹo mực rối rắm hiện về ám ảnh khiến tâm trạng tôi bất an.
Thời đó, tôi không được dạy để hiểu được ý nghĩa của những con toán, rộng hơn, ý nghĩa của khoa học. Tôi yêu khoa học và thích làm nghiên cứu. Nhưng tôi không muốn mình sa vào một thứ tình yêu mù quáng. Tôi thực sự muốn hiểu đến tận cùng ý nghĩa của tình yêu này.
Giờ tôi ngồi đây, hoang mang lẫn lộn với hàng loạt những mảnh vụn kí ức hiện ra ngẫu nhiên trong đầu.
Tôi đã cố sắp xếp chúng thành một câu chuyện thật hay về con đường tôi khám phá ra khoa học để chia sẻ tình yêu lớn này cho tất cả, nhưng không thể.
Có thể là, cũng như khi làm khoa học, đừng cố vội đi tìm một chỉnh thể hoàn chỉnh, một chân lý tuyệt đối. Việc cần thiết đầu tiên là gom góp từng mảnh vụn lại và nghiền ngẫm chúng. Đến một ngày nào đó, ta có thể sẽ tìm được chìa khóa để kết hợp lại thành một tác phẩm đẹp.
Các mẩu chuyện nhỏ của cuộc đời tôi đi cùng những bài dịch, những bài viết rời rạc được dẫn ở dưới này hi vọng sẽ là những mảnh vụn như thế.
Khi còn nhỏ, chính việc yêu thích sự tìm tòi đã dẫn tôi tới ý định mơ hồ sẽ làm nghiên cứu khi lớn lên. Tôi đến với toán như một lẽ tự nhiên. Câu chuyện của toán học phổ thông là xoay quanh những bài toán đánh đố và những cuộc thi. Ngay cả khi luyện thi đội tuyển toán, tôi có cơ hội tiếp xúc với các giáo sư, tiến sĩ, là cả một đội ngũ nghiên cứu nước nhà. Được họ, nghĩa là những người làm toán chuyên nghiệp chỉ dạy, mọi câu chuyện vẫn đều chỉ xoay quanh việc giải các bài toán có sẵn. Thế nên dù có được một số giải thưởng lớn nhỏ sau các cuộc thi cấp tỉnh, thành phố, quốc gia, tôi vẫn có cảm giác không nắm bắt được ý nghĩa của việc mình làm. Có gì đó gờn gợn sai sai trong các cuộc thi thố đó. Với đầu óc con trẻ hạn hẹp của mình, tôi không thể thấy được sợi dây kết nối giữa khoa học và thực tiễn, giữa lý thuyết và ứng dụng. Những bài toán được các thầy, các giáo sư toán học vẽ ra kể lể đều chỉ như một trò chơi trí óc. Khi lớn lên, tôi dần nhận ra những cảm giác đó là của chung nhiều người khi còn trẻ. Hóa ra, toán phổ thông và các cuộc thi toán đúng là hình ảnh méo mó của việc nghiên cứu. Giáo dục mức độ phổ thông, vì thế, hiển nhiên không mang lại cho tôi những câu trả lời thỏa đáng. Những quan điểm trong bài dịch Bàn luận về thiên tài là những điều tôi thấy rất đúng, ví dụ như đoạn bài giảng ở kì thi Olympic Toán học Quốc tế năm 2001 của Andrew Wiles:
Cái gì phân biệt thứ toán chúng tôi, những người làm toán chuyên nghiệp làm với bài toán các bạn phải đối mặt trong tuần trước? Hai sự khác biệt cơ bản tôi tin là ở mức độ và tính mới.
Cũng phải nói thêm rằng, kể cả Lý và Hóa, đúng ra là những món khoa học mang đầy tính ứng dụng cũng bị biến thành những bài đố lý thuyết không chỉ xa rời mà còn sai so với thực tế. Thực ra còn tệ hơn nữa, những môn khoa học ấy bị méo mó bó hẹp vào những dạng bài, các mẹo cần phải học thuộc làu làu như những môn học xã hội.
Khi hết cấp ba, sợi dây kết nối vẫn mù mờ. Lạc lối, cộng với việc bắt đầu nhen nhóm trong đầu những suy nghĩ về cơm áo gạo tiền, tôi chọn nghề công nghệ thông tin, vẫn mang tính kĩ thuật nhưng ít hàn lâm, mang tính ứng dụng nhiều hơn. Vì thế chắc cũng sẽ có nhiều cơ hội cho việc kiếm tiền hơn. Vào học kiểu kĩ sư ở đại học Bách Khoa, nghĩa là đụng chạm rất nhiều vào ứng dụng thực tế. Vấn đề ngược lại nảy sinh từ đó. Không còn đụng nhiều vào Nghiên cứu hàn lâm (như tôi vẫn hiểu) nữa. Những gì tôi học thiên về Phát triển, vì kĩ sư hướng tới việc áp dụng những kiến thức có sẵn nào đó vào một vấn đề cụ thể. Dẫu sao thì góc nhìn về ứng dụng thực tế của tôi cũng được mở mang rất nhiều.
Những năm cuối đại học, tôi đến thực tập ở Viện Công nghệ Thông tin, làm bài toán nhận dạng tiếng nói, là một lĩnh vực nghiên cứu. Như vậy là việc nghiên cứu cũng đơn giản, đọc bài báo, áp dụng chúng vào dữ liệu của mình, tìm cách cải thiện một số kết quả. Nhưng vẫn có rất nhiều vấn đề khiến tôi vẫn không thỏa mãn. Vấn đề lớn nhất là việc nhận ra khoảng cách giữa ta và tây quá lớn. Lúc đó tôi chân thành nghĩ rằng: Các nhà khoa học của nước nhà, chỉ đơn giản là đang bắt chước các bạn tây, nhiều lúc là bê nguyên xi những gì các bạn tây nghĩ ra áp dụng cho dữ liệu của ta. Nói thẳng ra, việc sáng tạo, tìm ra cái mới là không hề có. Nhàm chán tương tự việc giải các bài toán đã có lời giải như hồi cấp ba. Tôi rùng hết cả mình khi nghĩ đến việc mười năm nữa tôi cứ đều đều làm nghiên cứu như thế này.
May mắn là cuối cùng tôi cũng được đi tây, kì vọng rằng nhờ đó tôi sẽ biết làm nghiên cứu thực sự là phải như thế nào. Khi ở trời tây, mọi thứ vẫn không được rõ ràng như tôi tưởng tượng. Vì ngay cả ở đó, cách thức làm khoa học thế nào cho đúng cũng không được dạy chính thức ở trường, như chính Feynman nói trong Khoa học bắt chước thần thánh:
Nhưng có một đặc tính mà tôi nhận thấy nói chung là bị bỏ qua trong Khoa học Bắt chước Thần thánh. Đó là ý tưởng mà tất cả chúng ta đều hi vọng bạn có được khi học khoa học ở trường - chúng tôi không bao giờ giải thích rõ nó là gì, nhưng chỉ hi vọng rằng các bạn có thể nắm bắt được qua những ví dụ về nghiên cứu khoa học. Vì thế rất hay là bây giờ đưa nó ra và nói về nó rõ ràng. Đó là sự ngay thẳng khoa học, nguyên tắc của sự hiểu biết khoa học tương ứng với việc hoàn toàn trung thực - cố gắng hết mình để đảm bảo.
Cùng trên một con đường như rất nhiều người khác, tôi phải trải qua rất nhiều những lần làm thực nghiệm mới cảm thấy giác ngộ được phần nào cách làm khoa học thực sự là như thế nào. Đến khi bắt đầu có cảm giác đó cũng là lúc tôi thấy được sự đồng cảm lớn trong những bài viết của những người như Feynman. Tôi cũng muốn như ông và những người như thế, đứng trước khoa học, cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì vĩ của nó, một cách khiêm nhường và hạnh phúc, thiết tha san sẻ những thấu hiểu đó đến tất cả mọi người.
Khi về nước, bỡ ngỡ, lơ ngơ. Muốn lo được cho người khác thì phải lo được cho bản thân đã. Nghĩ vậy, tôi đã phải bỏ ra một số lượng thời gian dành cho chuyện cơm áo gạo tiền và những vướng bận cá nhân khác. Thời gian tưởng ngắn mà bỗng chốc trôi bẵng đi nhiều năm.
Nhưng mọi thứ cuối cùng cũng dần sáng trong trở lại nên có vẻ như bây giờ là thời điểm tốt để tôi quay trở lại thực hiện khát khao chia sẻ này.
Tôi nghĩ không gì hơn là trình bày những câu chuyện nghiên cứu khoa học tiêu biểu như là những ví dụ cụ thể. Ban đầu để tránh việc nói về những thứ mình chưa hiểu, tôi chỉ định giản dị bó hẹp trong những thứ tôi đã học như học máy, xử lý ngôn ngữ, xử lý ảnh, xử lý tiếng nói, trí tuệ nhân tạo... Nhưng đó hóa ra là một giới hạn sai lầm vì nó bó buộc tôi vào những thứ chật hẹp, xưa cũ, lặp lại, kích thích sự lười biếng của trí óc.
Những sự kiện gần đây đã bắt buộc tôi phải mở rộng bản thân mình ra hơn nữa. Tôi tiến một bước nữa đến việc tìm hiểu những ngành truyền thống sát với đời hơn, ví dụ như kinh tế học, nông học, tâm lý họ, y tế, dịch tễ học. Mọi chuyện nhờ thế lại trở nên sáng rõ thêm hơn. Với mỗi ngành, tôi được lặp lại quá trình đi từ hoàn toàn mông lung cho đến khi có được một vài bước ngắn ngủi tiến gần hơn với sự thấu hiểu. Đó chính là những vòng tròn tưởng như luẩn quẩn quấn lấy cuộc đời tôi. Cứ đợi chờ trong nhẫn nại, rồi bình tâm nhìn lại, tôi tin chúng vẫn đang chậm chạp vững chắc nhích về phía trước. Trên những con đường đó, tôi có được lại rất nhiều cảm xúc bị lãng quên, những câu chuyện bị lãng quên, những bài học bị lãng quên. Và trên tất cả, tìm về sự tươi mới bị lãng quên.
Trong tất cả mọi việc như cuộc sống, tình yêu, nghiên cứu, viết văn, điều hệ trọng nhất là phải giữ chặt lấy sự tự trải nghiệm như quyền lực tối thượng không được cho ai khác động đến. Tự trải qua mọi điều, bắt đầu từ những lần mò vấp ngã đau đớn trong mông lung tuyệt đối cho đến khi thấy những vựa tri thức dần nứt vỡ ra là con đường duy nhất. Mỗi cá nhân đều đi trên con đường duy nhất. Nên ở đây tôi không có tham vọng và cũng không thể chỉ cho ai một lối tắt chung. Điều tôi muốn là chia sẻ được một vài giá trị chung phổ quát. Để hi vọng một lúc nào đó, bạn tình cờ lạc vào đây, bắt gặp những câu chuyện của tôi, bạn có một chút an lòng, một chút cảm thương. Để thấy bản thân dù có đang bước đi riêng mình nhưng vẫn không cô đơn.
Nhưng hãy cho phép tôi mách nhỏ bạn một điều, trong những hành trình này, để tiến lên phía trước, tôi và bạn không chỉ hướng tới tương lai mà còn trở về cội nguồn, bản chất của khoa học, với những giá trị nguyên sơ của nó.
Dưới đây là tập hợp những câu chuyện khoa học. Nếu bạn có những câu chuyện khoa học muốn thêm vào, đừng ngần ngại liên hệ với tôi. Sẽ thật tốt nếu được xây dựng cùng nhau bộ sưu tập này.
Câu chuyện về kinh tế, về tiền bạc xuyên suốt lịch sử với một phần cuốn sách Vốn thế kỉ 21, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của Thomas Piketty,
Câu chuyện từ từ tổng quát đến chi tiết bàn về cách thức làm khoa học một cách đúng đắn trong Khoa học bắt chước thần thánh. Đây là bài dịch từ Cargo Cult Science của Richard P. Feynman (Nobel Vật lý 1965),
- Bài viết nói lên những hiểu biết đúng đắn về khoa học, nhà khoa học, vai trò của khoa học, vai trò của nhà khoa học: Giá trị của khoa học. Đây là bài dịch từ The value of Science của Richard P. Feynman (Nobel Vật lý 1965),
- Các luận điểm của chính các nhà toán học cho thấy công việc chính xác của họ là gì, cần những đức tính như thế nào: Bàn luận về thiên tài,
- Khoa học và cuộc sống thời Covid19,