[sau] [trước] [lên mức trên]

Nói thật ra, Kuznets tự ý thức rất rõ tính chất ngẫu nhiên của sự giảm sút thu nhập cao tại Mĩ từ năm 1913 đến 1948: điều này là do những biến cố liên tiếp gây ra bởi những cuộc khủng hoảng trong những năm 1930 và Chiến tranh thế giới thứ hai, chứ không phải là do một quá trình tự nhiên nào cả. Trong tập sách dày xuất bản năm 1953, Kuznets phân tích chi tiết các dãy số liệu và cảnh báo người đọc cẩn thận đừng mở rộng kết quả quá vội vàng. Nhưng vào tháng 12 năm 1954, tại Detroit, trong khuôn khổ buổi hội thảo mà ông thuyết trình với tư cách chủ tịch American Economic Association27, ông đã đề xuất với các đồng nghiệp một cách diễn giải tươi sáng hơn rất nhiều. Nội dung buổi hội thảo này đã được xuất bản năm 1955 dưới tiêu đề “Tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng thu nhập”. Chính nó đã cho ra đời lí thuyết “đường cong Kuznets”.

Theo lí thuyết này, bất bình đẳng sẽ nhất nhất tuân theo một “đường cong hình chuông” - nghĩa là đầu tiên tăng rồi sau đó giảm - trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế. Theo Kuznets, theo sau pha bất bình đẳng gia tăng tự nhiên đặc trưng cho bước đầu công nghiệp hóa, ứng với giai đoạn đại để là thế kỉ 19 ở Mĩ, nó sẽ giảm mạnh. Sự giảm mạnh này có vẻ đã bắt đầu trong quãng nửa đầu thế kỉ 20 ở Mĩ.

Tài liệu này đọc thật là sáng tỏ. Sau khi nhắc lại những lí do tại sao ta nên thận trọng và nhắc lại sự tác động hiển nhiên của những biến cố đến từ phía ngoài vào sự sút giảm bất bình đẳng ở Mĩ, Kuznets vô tư gợi ý rằng logic nội tại của phát triển kinh tế, độc lập với mọi can thiệp chính trị và biến cố bên ngoài, có thể cũng dẫn đến cùng một kết quả. Đại ý là: bất bình đẳng tăng lên trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa (chỉ có một số ít được hưởng những của cải mới), trước khi bắt đầu giảm một cách tự nhiên trong những pha phát triển tiến bộ hơn (ngày càng nhiều người dân tham gia vào những khu vực kinh tế hứa hẹn, vì vậy bất bình đẳng tự nhiên giảm sút28).

Những “pha phát triển tiến bộ” đó đã bắt đầu vào cuối thế kỉ 19 hoặc đầu thế kỉ 20 tại những nước công nghiệp. Vì vậy sự giảm thiểu bất bình đẳng xảy đến ở Mĩ trong những năm 1913-1948 không gì khác mà chứng tỏ một hiện tượng chung: tất cả các nước, kể cả những nước chậm tiến hiện đang vướng mắc trong nghèo nàn và công cuộc xóa bỏ ách thực dân, trên nguyên tắc, không sớm thì muộn, sẽ đạt được điều này. Những kết quả được Kuznets chỉ ra trong cuốn sách năm 1953 bất chợt trở thành một vũ khí chính trị có sức mạnh lớn29. Về phần mình Kuznets hoàn toàn ý thức được về tính phỏng đoán rất cao của một lí thuyết như vậy30. Có điều là khi trình bày một lí thuyết tươi sáng như thế trong khuôn khổ “Predential address”31, dành cho những nhà kinh tế học Mĩ, những người sẵn lòng tin cậy và phát tán thông điệp tốt lành do người đồng nghiệp rất uy tín mang đến này, Kuznets biết rằng mình có một ảnh hưởng rất to lớn: “đường cong Kuznets” đã được khai sinh. Để đảm bảo mọi người nắm được vấn đề, Kuznets còn cẩn thận nói rõ là sự đúng sai của những tiên đoán lạc quan đó phụ thuộc vào việc các nước chậm tiến có được giữ trong “quĩ đạo của thế giới tự do” hay không32. Nhìn một cách tổng quan, lí thuyết “đường cong Kuznets” chính là một sản phẩm của Chiến tranh lạnh.

Xin nhắc lại để bạn đọc không hiểu nhầm: công trình mà Kuznets thực hiện nhằm thiết lập những sổ sách quốc gia và những dãy số liệu lịch sử đầu tiên của Mĩ về bất bình đẳng dứt khoát là rất đáng kể. Những cuốn sách và những bài báo của ông cho thấy ông là một nhà nghiên cứu thực sự có đạo đức. Ngoài ra, sự tăng trưởng mạnh của tất cả các nước phát triển thời sau Chiến tranh là một sự kiện cơ bản; tất cả các nhóm xã hội đều hưởng lợi từ sự tăng trưởng này còn là một điều cơ bản hơn. Thật bình thường khi sự lạc quan thắng thế trong “Ba mươi năm huy hoàng” và những dự báo thảm họa tận thế thế kỉ 19 dần hết thời.

Nhưng ta đừng quên rằng lí thuyết “đường cong Kuznets” rất được hoan nghênh này phần lớn đã được phát biểu cho những động cơ xấu, và nền móng thực nghiệm của nó rất mong manh. Như ta sẽ thấy trong phần sau của sách, việc bất bình đẳng giảm sút mạnh ở hầu hết các nước giàu từ 1914 đến 1945 trước hết là sản phẩm của các cuộc Chiến tranh thế giới và những cú sốc kinh tế chính trị kéo theo (nhất là với những người sở hữu tài sản lớn), chứ không liên quan nhiều lắm đến quá trình dịch chuyển lao động ôn hòa giữa các khu vực kinh tế như Kuznets đã miêu tả.

27: người dịch. Tạm dịch: Hội kinh tế học Mĩ.
28: Xem S.Kuznets “Economic growth and income inequality” (người dịch. Tạm dịch: “Tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng thu nhập”.
29: Rất hay là Kuznets không có dãy số liệu chứng minh sự gia tăng bất bình đẳng ở thế kỉ 19, nhưng với ông điều này có vẻ hiển nhiên (cũng như với phần lớn các nhà quan sát thời đó).
30: Như ông đã tự nói rõ: “This is perhaps 5 per cent empirical information and 95 per cent speculation, some of it possibly tainted by wishful thinking” (người dịch. Tạm dịch: “Điều này có lẽ là 5% thông tin thực nghiệm và 95% phỏng đoán, vài phần trong đó có thể bị vẩn đục bởi những suy nghĩ quá phấn chấn”.
31: người dịch. Tạm dịch: “Lời chủ tịch”.
32: “The future prospect of underdevelopped countries within the orbit of the free world” (người dịch. Tạm dịch: ”Viễn cảnh của các nước chậm tiến trong quĩ đạo của thế giới tự do”).

[sau] [trước] [lên mức trên]